Cần lập lại kỷ luật ngân sách
Đề xuất quyết toán bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 của Chính phủ với Quốc hội cho thấy mức bội chi thực tế lên tới 6,6% GDP, cao hơn đáng kể so với mức 5,3% GDP theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội), bội chi ngân sách kéo dài thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Ảnh TH.
|
Tính ra, bội chi năm 2013 là 236.769 tỉ đồng, vượt 41.269 tỉ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguyên nhân của mức bội chi vượt trội này, ngoài việc trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị giá tăng (GTGT) phát sinh từ năm 2010-2011 là 13.190 tỉ đồng, thì chủ yếu (hơn 28 ngàn tỉ đồng) là do tăng chi từ nguồn vốn ODA cho các dự án lớn như dự án Cảng quốc tế Cái Mép- Thị Vải, cầu Nhật Tân, đường sắt đô thị Hà Nội- Hà Đông...
Việc tăng bội chi những năm trước cũng đã xảy ra thường xuyên nhưng mức độ tăng 1,3% GDP là khá lớn và điều này, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội), thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Việc không nghiêm này thể hiện ở chỗ: tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh nhưng Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không đúng theo quy định hiện hành (Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước và nghị quyết của Quốc hội). Song cũng như những lần bội chi vượt dự toán khác, việc phát sinh này được xem như sự đã rồi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán phần tăng thêm.
Xuất phát điểm của tình trạng này là việc dự báo kinh tế còn cách biệt rất xa so với thực tế.
Báo cáo của Kiểm toán nhà nước năm 2014 về chấp hành ngân sách đã chỉ ra rằng: số quyết toán hoàn thuế GTGT theo chế độ là 104.672 tỉ đồng, tăng so với dự toán hơn 33.000 tỉ đồng.
Điều đáng nói ở chỗ tình trạng “dỡ trần’ bội chi này đang có dấu hiệu kéo sang các năm 2014 và 2015 vì các nguyên nhân tăng bội chi ngoài dự toán giống nhau.
Thứ nhất là số thực hiện hoàn thuế GTGT những năm gần đây năm nào cũng tăng cao so với dự toán. Năm 2014, dự toán là 70 ngàn tỉ đồng, thực hiện gần 80 ngàn tỉ đồng. Ủy ban Tài chính- ngân sách nhấn mạnh rằng, qua kiểm tra, thanh tra thuế đều phát hiện sai phạm, gian lận trong hoàn thuế. Do đó, cần xây dựng dự toán chi hoàn thuế sát hơn bởi nếu không ngân sách sẽ bị lỏng lẻo đến hai lần: dự toán không đúng và chi trả không đúng đối tượng.
Thứ hai là bội chi do giải ngân vốn ODA năm 2014 cũng tiếp tục xu hướng tăng cao. Theo báo cáo bổ sung của Chính phủ gửi Quốc hội, nguồn vốn vay ODA thực hiện giải ngân năm 2014 đạt hơn 5,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó hơn 40% được đưa vào NSNN chi cho đầu tư phát triển, tăng rất cao so với dự toán.
Trong khi đó, bốn tháng đầu năm 2015, mức bội chi đã bằng 21,5% so với dự toán, trong khi đây chưa phải là mùa “cao điểm”các khoản chi đầu tư lớn, cần vốn đối ứng để giải ngân ODA.
Không lẽ phải chấp nhận tình trạng kỷ luật ngân sách luôn bị vi phạm bởi lề thói chi tiêu trước, báo cáo sau và cứ thế quyết toán?
Vậy có luật để làm gì? Rồi nghị quyết của Quốc hội áp đặt mức bội chi hằng năm không lẽ không có tác dụng? Và ai là người chịu trách nhiệm khi trần bội chi bị phá vỡ?
Ngọc Lan
tbktsg
|