AIIB sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2015
Sau cuộc họp kéo dài từ ngày 20-5 đến ngày 22-5 tại Singapore để thảo luận về các chính sách hoạt động của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), trưởng đoàn đàm phán của 57 nước thành viên sáng lập AIIB cho biết AIIB sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.
Trung Quốc cùng 20 nước khác, trong đó có Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan... ký bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB. Ảnh: Reuters
|
Các quan chức cho biết cuộc họp đã kết thúc các cuộc thảo luận và chốt lại các điều khoản về thỏa thuận thành lập AIIB. Các bên liên quan sẽ ký điều khoản vào cuối tháng 6-2015, sau đó AIIB sẽ chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Dự kiến, AIIB sẽ có mức vốn ban đầu là 100 tỉ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc góp vốn nhều nhất với khoảng 30%.
Từ khi các nước tham gia ký bản ghi nhớ thành lập AIIB tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 10-2014 đến nay, trưởng đoàn đàm phán các nước sáng lập AIIB đã trải qua 5 lần đàm phán. Theo thông tin từ những người trong cuộc, lần họp kín này diễn ra suôn sẻ, các bên nhất trí cao về tiến trình thành lập và đưa AIIB đi vào hoạt động trước cuối năm nay.
* Ngày 22-5, báo The Indian Express cho biết chính phủ Ấn Độ đã đưa ra chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách mới có điều khoản sẽ hủy ngay lập tức hợp đồng của công ty Trung Quốc nếu phát hiện có hoạt động gián điệp hay chống quốc gia Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ cũng đưa vào chính sách mới điều khoản bắt buộc công ty Trung Quốc khi đầu tư tại Ấn Độ phải tuyển dụng nhân công Ấn Độ nhiều hơn. Ngoài ra, chính sách mới còn quy định các công ty Trung Quốc không được thành lập các nhà máy gần khu vực biên giới hoặc gần cơ sở “nhạy cảm”, đồng thời có thêm các điều khoản về giám sát hậu đầu tư.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi đã mời gọi đầu tư từ Trung Quốc vào Ấn Độ, đặc biệt là vào các lĩnh vực bảo hiểm, hạ tầng, thông tin viễn thông, trong khi các cơ quan tình báo Ấn Độ bày tỏ lo ngại về sự có mặt của các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đưa ra thời hạn trong vòng 60 ngày, các cơ quan chức năng phải giải tỏa tất cả những quan ngại an ninh trong chính sách thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Phúc Minh
tbktsg
|