Thứ Sáu, 17/04/2015 18:10

World Bank điều chỉnh tăng dự báo GDP Việt Nam

Trong khi tăng trưởng ở các nước đang phát triển trong khu vực đang giảm nhẹ do ảnh hưởng của sự giảm tốc tại Trung Quốc và một số nền kinh tế ASEAN-4, Việt Nam lại là nước duy nhất trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo GDP theo xu hướng tăng.

Việt Nam cần tập trung nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp

Kinh tế đã khởi sắc

Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được WB công bố ngày 13/4, dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay đạt 6%, tăng 0,5% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Liên quan đến cơ sở dẫn tới sự điều chỉnh này, ông Sudhir Shetty - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB - cho biết, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cải thiện, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu tăng vững chắc và môi trường kinh doanh cũng đã có nhiều cải cách quan trọng.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các thị trường lớn hơn và đầy tiềm năng. Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 và 6,5% vào năm 2017.

Bên cạnh đó, dù là một nước xuất khẩu dầu, Việt Nam cũng là nước có lượng tiêu thụ lớn, đặc biệt cho những ngành cần nhiều năng lượng, vì vậy, việc giảm giá dầu trong thời gian vừa qua cũng đã có những tác động tích cực cho nền kinh tế. Xuất khẩu tăng mạnh và kiều hối ổn định cũng là những yếu tố giúp cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, mặc dù quy mô thặng dư sẽ giảm do kinh tế khởi sắc kéo theo nhập khẩu gia tăng.

Một yếu tố nữa khiến WB đưa ra đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam là trong vài năm qua, Việt Nam không những đã ổn định được kinh tế của mình mà còn thu hút được rất nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), qua đó đã đạt được những thành tích đáng kể về xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong quý I/2015 Việt Nam đã thu hút được 1,837 tỷ USD vốn FDI.

Còn nhiều dư địa tăng trưởng

Tuy nhiên, con số dự báo tăng trưởng của WB vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,2% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Theo ông Sudhir Shetty, kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng do nhiều ảnh hưởng từ những biến động trên toàn cầu.

Lý giải về điều này, ông cho rằng, sự suy yếu của giá cả mặt hàng gạo và các nông sản khác trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng, đặc biệt là đối với các hộ gia đình tại nông thôn. Điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng khoảng cách giàu - nghèo, giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, giá dầu dự báo có xu hướng giảm cũng có thể gia tăng áp lực đối với thu ngân sách.

Một thách thức nữa đối với Việt Nam là công cuộc đổi mới khu vực DN nhà nước vẫn diễn ra chậm hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các chuyên gia của WB cũng đưa ra khuyến nghị, chỉ cổ phần hóa các DN nhà nước là chưa đủ, những cải cách này phải tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ cạnh tranh trong khu vực DN, với những biện pháp trọng tâm nhằm củng cố quản trị DN và thực thi hợp đồng, cũng như giảm các rào cản gia nhập thị trường.

Theo WB, những cải cách trong nước như việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng và DN nhà nước với quyết tâm cao và rõ ràng hơn sẽ là tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đó sẽ là cơ sở giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Hường Nguyễn

công thương

Các tin tức khác

>   Việt Nam sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại trong năm nay (17/04/2015)

>   PCI 2014: Đà Nẵng bảo vệ ngôi vương (16/04/2015)

>   IMF: Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trong ASEAN 5 (15/04/2015)

>   Tiệc đại gia nghìn đô và bữa cỗ quê (15/04/2015)

>   Bộ Y tế: Viện phí sẽ tiếp tục tăng (14/04/2015)

>   Kết quả kinh doanh tăng, vẫn lo sức mua ì ạch (14/04/2015)

>   World Bank: Tăng trưởng của Việt Nam đạt 6% năm 2015 (13/04/2015)

>   Hội nhập kinh tế quốc tế: Nước đã đến chân! (10/04/2015)

>   Tái cấu trúc nền kinh tế: Chất chưa thay đổi nhiều (06/04/2015)

>   Cần có cái nhìn toàn diện về tỉ giá (06/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật