Vốn FDI - Con dao hai lưỡi ?
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào FDI sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro.
* Xuất khẩu da giày: Bao giờ thoát “bóng” FDI?
* Thu hút vốn FDI quay đầu giảm mạnh
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam” diễn ra ngày 9/4.
Nguồn vốn quan trọng
Theo bà Mai Thị Thu- Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam đã tác động mạnh tới nền kinh tế, giúp huy động nguồn vốn cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và mở rộng hội nhập.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đã đạt 21,92 tỷ USD. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, lượng vốn này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Huy Hoàng- Phó Trưởng ban Ban thông tin doanh nghiệp và thị trường, NCIF- cho biết, vốn FDI đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Hoàng dẫn chứng, tính đến ngày 31/12/2013, có 3,7 triệu lao động đang làm trong các doanh nghiệp FDI. Hơn nữa, nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài, cơ cấu nông nghiệp đã giảm từ 22% xuống 18% và dịch vụ tăng từ 40% lên 44%.
Mặt khác, các DN FDI đã có đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Quý I/2015, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) dự kiến đạt 25,08 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực này đạt 23,09 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 62% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung trong quý I, các DN FDI đã xuất siêu 1,98 tỷ USD.
Bà Thu đánh giá, đạt được con số thu hút vốn FDI như hiện nay là nhờ hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng minh bạch, thông thoáng, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bên cạnh những tác động tích cực, luồng vốn ngoại này cũng đặt ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như: Công nghệ tiên tiến còn ít; chuyển giá và trốn thuế; cơ cấu đầu tư chưa cân đối; tác động xấu đến môi trường; chiếm thế độc quyền trong một số ngành, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Theo ông Hoàng, nhiều mảng DN trong nước không còn khả năng tiếp cận, khiến giả cả bị ảnh hưởng.
Ông Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, phụ thuộc quá lớn vào vốn FDI sẽ làm cho nền kinh tế ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo ông Phương, vốn FDI chiếm từ 20-25%, có thời điểm lên tới gần 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. “Đây là con số quá lớn trong khi con số này ở Trung Quốc là 3-4%, Thái Lan khoảng 10%”- ông Phương quan ngại.
Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia tại hội thảo đều nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Chính các doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nền kinh tế phát triển bằng tự lực.
Thực tế, Chính phủ đã sớm nhận ra điều này và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển bằng hàng hoạt chính sách, công cụ pháp lý như: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Nghị định về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư…
Với sự thay đổi từ cấp cao nhất, cùng với sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, nhiều ý kiến nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đang có trợ lực lớn để phát triển, đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đủ lực đón nhận tác động lan tỏa từ vốn FDI.
Nguyễn Phượng
công thương
|