Viettel vẫn quyết đầu tư vào Nepal sau động đất?
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang tính toán đầu tư vào Nepal - đất nước vừa xảy ra trận động đất lớn nhất gần 100 năm qua và đã cướp đi sinh mạng ít nhất trên 2.000 người.
Khung cảnh đổ nát hiện diện tại nhiều nơi ở Nepal sau trận động đất hôm 25/4 vừa qua - Ảnh: Reuters
|
* Gần 2.500 người chết vì động đất, Nepal hỗn loạn
Kế hoạch đầu tư vào Nepal của Viettel tất nhiên là có trước khi trận động đất kinh hoàng ập đến với quốc gia Nam Á này, bởi tại đại hội cổ đông cách đây ít hôm, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) - đơn vị thành viên của Viettel - đã trình đại hội thông qua chủ trương đầu tư vào một số nước, trong đó có Nepal.
“Còn nhiều cơ hội”
Nằm trên triền núi phía Nam dãy Himalaya và “ẩn” sâu trong lục địa, Nepal có diện tích 147.000 km2, phía Bắc giáp với Tây Tạng (Trung Quốc), ba mặt còn lại giáp Ấn Độ, với ngôn ngữ chính là tiếng Nepal. Quốc gia này theo thể chế cộng hòa dân chủ, chế độ đa đảng.
Tính đến hết tháng 7/2014, dân số Nepal đạt xấp xỉ 31 triệu người, gấp 2 lần dân số Campuchia và bằng 1/3 dân số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hàng năm đạt 1,82%. Ước tính có khoảng 5,64 triệu dân số thành thị (2014), tốc độ đô thị hóa trung bình hàng năm đạt 3,18%.
GDP 2014 của Nepal khoảng 19,64 tỷ USD, GDP theo đầu người đạt 634 USD.
Theo nghiên cứu của Viettel, tỷ lệ doanh thu trung bình trên một thuê bao (ARPU) tại đây là 3,14 USD, mật độ thâm nhập 3G là 10%. Nhà đầu tư được quyền khai thác cáp quang, thời hạn giấy phép 10 năm, gia hạn 5 năm cho tới 25 năm.
Ngoài ra, thị trường dân số đông, sống khá tập trung (dân số tập trung sống tại 44% diện tích lãnh thổ), nên hiệu suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, người Nepal lao động ở nước ngoài nhiều nên nhu cầu liên lạc quốc tế về Nepal lớn.
“Thị trường còn nhiều cơ hội, mới có 12,9 triệu người dùng dịch vụ, trong khi số người trong độ tuổi sử dụng dịch vụ viễn thông là 21,3 triệu người. Thị trường đang trong giai đoạn bùng nổ (mật độ thâm nhập từ 26% năm 2010 lên 78% năm 2014). Về cơ hội về giá cước data thì hiện tại, cước data trung bình là 2 cent/MB, cao gấp 3-4 lần so với Việt Nam hiện nay”, Viettel cho biết.
Hiện tại hai nhà mạng là Ncell và Nepal Telecom chiếm 92% thị phần. Tuy nhiên, Nepal Telecom đang mất dần thị phần vào tay Ncell. Do đó, tại thị trường Nepal, Viettel không có nhiều đối thủ.
Thuận lợi nữa đối với nhà mạng của quân đội, là kênh phân phối dịch vụ viễn thông tại đây được tổ chức còn đơn giản, chưa phủ hết được tới vùng sâu vùng xa, khách hàng phải mất nhiều thời gian và đi lại để mua sim thẻ (khách hàng phải tìm tới dịch vụ, hàng không có sẵn trên kênh). Nepal Telecom và Ncell có vùng phủ tương đương nhau (khoảng 40% dân số) và mới chỉ tập trung phủ các khu vực đông dân cư, thành thị. Dịch vụ 3G chưa đa dạng.
Cơ hội đầu tư vào Neapl, theo phân tích của Viettel là khá tiềm năng. Dù vậy, không biết, trận động đất kinh hoàng trên có làm thay đổi kế hoạch đầu tư vào Nepal của Viettel?
“Nơi dễ không còn nữa”
Với vị trí và cấu tạo địa hình thì động đất, thiên tai với Nepal không phải là chuyện “xưa nay hiếm”, có chăng chỉ là quy mô và mức độ ảnh hưởng ra sao. Bởi nhiều năm qua, quốc gia nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc này đã phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên.
Viettel, có lẽ trước khi quyết định đầu tư vào Nepal, cũng đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đến các yếu tố này.
Nhưng không chỉ Nepal có những khó khăn về địa hình, thiên tai hay khó khăn về kinh tế, mà hầu hết các nước mà Viettel đầu tư đều có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân thấp, là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi, nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị.
Trong đó, điển hình nhất là Haiti, cũng một trận động đất kinh hoàng vào ngày 12/1/2010, đã cướp đi khoảng 200.000 người và thủ đô Port-au-Prince của Haiti gần như bị san phẳng.
Tuy nhiên, khoảng gần hai năm sau, Viettel vẫn chính thức khai trương dịch vụ trên đất Haiti.
Trong một lần trò chuyện với VnEconomy đầu năm 2010, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những nơi dễ thì đã không còn nữa, vì trên thế giới có hàng nghìn các công ty lớn về viễn thông, hàng trăm công ty mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài, họ đã đến hết những nước thuận lợi rồi. Những nước còn lại, họ nhìn thấy chỉ còn là những rủi ro.
Theo ông Hùng, dù những đất nước đó có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu, nó như là cơm là gạo, vì thế chính phủ nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Mặt khác, viễn thông còn là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế…
“Bất kỳ lịch sử của dân tộc, đất nước nào, sau thời loạn là đến thời bình, nếu mình có niềm tin đó thì đi, vấn đề là ở cách nhìn của mình thôi”, ông nói khi đó.
Nên có lẽ, trận động đất tại Nepal hôm 25/4, nhiều khả năng cũng sẽ không cản được “bước chân” của Viettel.
Mạnh Chung
vneconomy
|