Sau 5 năm dựa vào tiền cứu trợ, kinh tế Hy Lạp vẫn “khốn khó”
Năm năm kể từ khi Hy Lạp phải viện tới các khoản cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tránh nguy cơ bị vỡ nợ, số liệu thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế này vẫn chưa “khá khẩm” hơn là mấy, bất chấp rất nhiều nỗ lực nhằm cố gượng dậy.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.de)
|
Vào ngày 23/4/2010, Thủ tướng Hy Lạp khi đó George Papandreou thông báo quyết định của chính phủ nước này xin cứu trợ tài chính quốc tế.
Hai tuần sau đó, Chính phủ Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ để nhận được gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ euro, nhưng đổi lại Athens phải thực hiện các biện pháp khắc khổ và cải cách nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ.
Giới chức Hy Lạp và các quan chức cũng như chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định, mặc dù đã nhận hai gói cứu trợ tài chính trị giá lên đến 240 tỷ euro và hệ thống chính trị liên tục có sự thay đổi lớn (với năm chính phủ ra mắt trong 5 năm), nhưng chặng đường để Hy Lạp có thể lấy lại sự ổn định và tăng trưởng còn rất gian nan.
Theo báo cáo của cổng thông tin in.gr ngày 23/4, kể từ cuối năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp ước tính giảm 22,8 triệu euro/ngày.
Mỗi ngày trôi qua, đất nước này chứng kiến 613 người mất việc làm. Tỷ lệ đói nghèo và tự tử tăng vọt và hiện có 1 triệu người Hy Lạp – chiếm 25% lực lượng lao động – đang trong tình cảnh thất nghiệp.
Trong lúc nợ của nước này đã tăng từ mức tương đương 126,8% GDP trong năm 2009, lên 177,1% GDP năm 2014.
GDP Hy Lạp năm 2010 đạt 226,2 tỷ euro, nhưng đến năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 179 tỷ euro.
GDP của Hy Lạp suy giảm 6,6% trong năm 2012 và 3,9% trong năm 2013 trước khi tăng nhẹ 0,8% năm ngoái.
Mặc dù các chỉ số tài chính của Hy Lạp đã cải thiện nhưng trên thực tế nền kinh tế nước này vẫn chưa ổn. Athens vẫn tiếp tục đối mặt với kịch bản vỡ nợ trong mùa Xuân năm nay và khả năng “Grexit” (nguy cơ Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone).
Chính phủ cánh tả của Hy Lạp hiện đang tiếp tục bàn thảo với nhóm chủ nợ quốc tế về các điều kiện hợp tác trong tương lai, cũng như cách thức giúp nước này thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất.
vietnam+
|