Quốc hội Nhật Bản thông qua gói ngân sách kỷ lục: Nỗ lực phục hồi nền kinh tế
Chưa đầy chục ngày sau khi Thượng viện Nhật Bản bỏ phiếu thông qua Luật Thuế sửa đổi năm 2015 với quyết định lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng lần thứ hai lên 10% vào tháng 4-2017, Quốc hội nước này vừa thông qua gói ngân sách kỷ lục 96.340 tỷ yên (hơn 803 tỷ USD) cho năm tài khóa 2015.
Một loạt quyết định quan trọng cũng được thông qua trong bối cảnh nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc vừa bước vào năm tài khóa mới (từ ngày 1-4) cho thấy quyết tâm lớn của nội các đương nhiệm Nhật Bản nhằm phục hồi nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa.
|
So với dự thảo ngân sách tài khóa 2015 được Hạ viện Nhật Bản thông qua ngày 13-3 vừa qua, gói ngân sách vừa được Quốc hội thông qua - tức là sau khi có sự nhất trí của Thượng viện - không có thay đổi nào. Trước đó, không ít chuyên gia nhận định rằng, việc dành một khoản ngân sách lớn cho chi tiêu quốc phòng trong dự thảo ngân sách cho tài khóa mới sẽ vấp phải sự phản đối nhất định từ dư luận cũng như các nghị sĩ của đảng Dân chủ (DPJ) đối lập. Thế nhưng, cuối cùng gói ngân sách 96.340 tỷ yên đã được cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản thông qua mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào. Điều này không chỉ cho thấy sự đồng thuận cao trong các thành viên nội các của Thủ tướng Shinzo Abe mà cả trong dư luận Nhật Bản với mong muốn sớm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ suốt thời gian qua.
Với sự ủng hộ lớn của các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng S.Abe đứng đầu, gói ngân sách kỷ lục trên (có hiệu lực ngay) sẽ được Chính phủ Nhật Bản ưu tiên giải quyết vấn đề giảm phát kéo dài; qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc và theo đuổi mục tiêu phục hồi tài chính trong bối cảnh chi phí an sinh xã hội gia tăng do dân số già hóa. Dù đã phải trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng lần thứ hai thêm 18 tháng nữa - đến tháng 4-2017 - nhưng với gói ngân sách kỷ lục vừa được thông qua, Chính phủ Nhật Bản có thể "yên tâm" thực thi mục tiêu then chốt là giảm một nửa tỷ lệ thâm hụt cán cân thương mại đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong tài khóa 2015, so với mức thâm hụt 6,6% của tài khóa 2010. Vì thế, trong tổng số 96.340 tỷ yên của gói ngân sách tài khóa 2015 vừa được thông qua, Nhật Bản sẽ dành hơn 23.000 tỷ yên phân bổ cho các chi phí nợ quốc gia. Các chi phí an sinh xã hội gồm chi trả lương hưu và chăm sóc y tế sẽ tăng 3,3% so với tài khóa 2014 lên mức kỷ lục 31.530 tỷ yên trong tài khóa 2015. Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến dành 685.400 tỷ yên cho Bộ Ngoại giao, tăng 2,9% so với ngân sách năm 2014, nhằm củng cố sức mạnh ngoại giao. Phần lớn ngân sách dành cho bộ trên (423,8 tỷ yên) sẽ được dành cho viện trợ phát triển chính thức (ODA), tăng 0,2% trong năm thứ 5 liên tiếp. Đây là tin vui với những quốc gia đang nhận ODA của Nhật Bản khi nền kinh tế khu vực vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuy không liên quan đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng sự kiện Quốc hội nước này tăng chi ngân sách quốc phòng 2% so với năm 2014 lên mức kỷ lục 4.980 tỷ yên (41 tỷ USD) khiến dư luận quan tâm. Đây là năm thứ ba liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quốc phòng kể từ khi Thủ tướng S.Abe tái đắc cử tháng 12-2012, chấm dứt 11 năm liên tiếp cắt giảm ngân sách quốc phòng. Động thái tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục được cho là phản ánh định hướng chiến lược quân sự mới của Thủ tướng S.Abe với tên gọi "Chủ nghĩa hòa bình tích cực" nhằm mục tiêu tăng cường tối đa năng lực tự vệ trước những đe dọa an ninh khu vực. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng mức tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn còn "khiêm tốn" trước tốc độ tăng hơn 10% chi phí quân sự của Trung Quốc với mức chi năm ngoái là 132 tỷ USD.
Nội các của Thủ tướng S.Abe đưa ra dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,7% trong tài khóa 2015. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng dự báo này quá lạc quan khi nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á mới thoát khỏi suy thoái vào quý IV-2014 với mức tăng trưởng khiêm tốn 0,4% so với quý trước đó. Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội Nhật Bản quyết định lùi thời hạn tăng thuế và thông qua gói ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2015 được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế xứ Phù tang sớm lấy lại đà tăng trưởng.
Đình Hiệp
hà nội mới
|