Thứ Tư, 01/04/2015 22:34

Mua lại ngân hàng yếu kém nhằm cảnh báo trách nhiệm của cổ đông lớn

Thông tin tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 1/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc mua bán, sáp nhập là biện pháp mạnh, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cơ cấu những tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông, nhất là các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bộ trưởng giải thích, việc can thiệp bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được; hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước.

Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, lành mạnh hóa tài chính, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng.

Đối với nợ xấu của các ngân hàng yếu kém (phần lớn có liên quan hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản), theo Bộ trưởng sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang phát triển ổn định thuận lợi, cùng với đó các hoạt động kinh doanh mới của ngân hàng sẽ tạo lợi nhuận bù đắp các tổn thất còn lại (nếu có).

Trong khi đó, nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng khẳng định, quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng. Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của ngân hàng yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

"Tất cả số tiền này sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu lành mạnh tình hình tài chính bằng chính lợi nhuận của các ngân hàng này cũng như bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là chủ trương lớn mà Ngân hàng nhà nước đang thực hiện. Thời gian qua, việc tái cơ cấu không chỉ thực hiện với các tổ chức yếu kém mà còn cả với các tổ chức tốt nhằm hướng tới hiệu quả cao nhất.

Phó Thống đốc cũng cho biết, với các tổ chức tín dụng yếu kém và bình thường, khi tái cơ cấu sẽ tự nguyện trao đổi và xây dựng đề án, sau đó trình Ngân hàng nhà nước phê duyệt.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng VNBC với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần, nhằm tái cơ cấu và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng này theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.

"Với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, việc thực hiện tái cơ cấu nhằm đảm bảo kiểm soát tránh đổ vỡ hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến từng ngân hàng và hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua đó đảm bảo an toàn và quyền lợi của người gửi tiền," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Quảng-Dũng

vietnam+

Các tin tức khác

>   Hợp tác ra mắt công ty tài chính HD SAISON FINANCE (01/04/2015)

>   Vietinbank trình cổ đông việc niêm yết 2.4 tỷ cp của cổ đông Nhà nước (01/04/2015)

>   Biến động tỷ giá: “Năm nay, cán cân có thể dương 5 tỷ USD!” (01/04/2015)

>   Nhóm người nước ngoài phá máy ATM, trộm 1,4 tỷ đồng (01/04/2015)

>   VietinBank - Thương hiệu ngân hàng số 1 Việt Nam (31/03/2015)

>   BIDV được phép cho Chính phủ Lào vay 176 triệu USD (31/03/2015)

>   Vietcombank cảnh báo về việc giả mạo qua điện thoại để lừa đảo (31/03/2015)

>   Lãi suất không còn là rào cản doanh nghiệp (31/03/2015)

>   Đại gia tàu biển mắc cạn, ông chủ ngân hàng ngạt nợ (31/03/2015)

>   Lãi suất giảm sâu, có nên gửi tiết kiệm? (31/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật