Liệu bà Hillary Clinton có thắng cử?
Cách đây 8 năm, Hillary Clinton tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng như một gương mặt sẽ giành chiếc vé ứng viên của Đảng Dân chủ và dường như là nhân vật có khả năng nhất được bầu làm Tổng thống.
Theo hãng tin ABC News, nếu nhìn thoáng qua, hoàn cảnh ngày nay của Hillary cũng khá tương đồng với lúc đó: bà là một người Dân chủ vượt trội và là ứng viên sáng giá nhất trong cuộc đấu.
Hillary Clinton thông báo ra tranh cử Tổng thống Mỹ ngày 22/1. (Ảnh: Getty)
|
Nhưng nếu quan sát kỹ hơn thì sẽ thấy một sự khác biệt rõ rệt. Ngày nay, Hillary Clinton bắt đầu cuộc đua với một lợi thế lớn hơn nhiều năm 2008 trước các thành viên khác cùng đảng ở vòng sơ bộ. Tuy vậy, bà sẽ không dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc đua chung kết vào Nhà Trắng.
Ở vòng sơ bộ, Hillary hiện nay đang là ứng viên không đương chức nặng ký nhất. Hàng chục thành viên Quốc hội đã ủng hộ bà, trong khi đội ngũ chiến dịch của bà có nhiều nhà chiến lược kỳ cựu, chưa kể Tổng thống Barack Obama cùng bộ phận lãnh đạo nòng cốt trong đảng của ông cũng muốn bà kế nhiệm.
Các "Mạnh Thường Quân" của đảng Dân chủ cũng hậu thuẫn bà mạnh mẽ.
Vào năm 2008, Hillary là gương mặt sáng giá của phe Dân chủ nhưng các thành viên trong đảng khi đó rất chia rẽ.
Một loạt gương mặt có ảnh hưởng dành sự ủng hộ cho Obama, bởi với họ, bầu chọn một tổng thống da màu đầu tiên quan trọng hơn bầu một nữ tổng thống đầu tiên. Bên cạnh đó, Obama cũng tranh thủ được tình cảm của nhiều cử tri Mỹ gốc Phi. Những yếu tố này đã góp phần khiến Hillary để vuột mất tấm vé ứng viên đại diện cho đảng.
Nhưng giờ đây, nhiều thành viên Dân chủ cho rằng, đảng nên chọn ra một nữ ứng viên. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có một ứng viên da màu nào là đối thủ của bà Clinton và nếu có thì không chắc người đó có đạt được thành tích và tín nhiệm như ông Obama.
Một số gương mặt nổi trội khác của phe Dân chủ như Phó Tổng thống Joe Biden hoặc Thượng nghị sĩ bang Massachusetts đến nay vẫn còn đang cân nhắc có ra tranh cử hay không.
So với lợi thế lớn của Hillary, tất cả các ứng viên khác có thể tham gia cuộc đua giành tấm vé đại diện Dân chủ đều không có được sự ủng hộ nhiệt tình và rộng khắp trong đảng như vậy. Nếu giành được tấm vé của đảng Dân chủ thì cuộc đua chung kết vào Nhà Trắng sẽ khó khăn hơn đối với Hillary.
Bà có một số lợi thế. Lập trường của nữ cựu Ngoại trưởng về những vấn đề lớn, chẳng hạn như tăng lương tối thiểu và thanh toán phép nghỉ ốm cho người lao động, nhận được sự ủng hộ của đa số người Mỹ. Tuy lương bổng chưa được cải thiện nhiều, nhưng nền kinh tế Mỹ đang trong bầu không khí lạc quan hơn nhiều so với thời kỳ Obama nhậm chức.
Và bất kỳ ai là ứng viên của đảng Cộng hòa đều sẽ phải chật vật cân bằng quan điểm giữa các khối cử tri trong đảng, bởi lớp người già thì sùng đạo còn người trẻ lại ít mộ đạo.
Việc bà Clinton ủng hộ hôn nhân đồng tính và tạo ra một hành lang giúp người nhập cư trái phép có được tư cách công dân, sẽ là những điểm mạnh trước ứng viên của đảng đối thủ.
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 3 do NBC News và tạp chí Phố Wall kết hợp thực hiện, 51% người Mỹ tham gia cho rằng, nếu được bầu, Hillary "sẽ đại diện cho sự trở lại quá nhiều của các chính sách cũ", trong khi 44% cho rằng, "bà sẽ đưa ra các ý tưởng mới và tầm nhìn mới mà đất nước cần đến cho tương lai".
Một số thành viên Cộng hòa đã ngay lập tức lập luận rằng, nếu bầu cho Hillary Clinton thì chẳng khác gì cho Obama thêm một nhiệm kỳ thứ 3, vì hai người đồng thuận với nhau gần như về tất cả các vấn đề chính sách lớn.
Phe này dự kiến sẽ công kích 4 năm bà Clinton giữ vai trò là một trong những cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại cho Obama.
Sau tất cả, trong môi trường bầu cử Mỹ, nhiều yếu tố vẫn còn là ẩn số.
Liệu cử tri thiểu số có muốn bà Hillary Clinton hay không? Hay liệu bà có làm tốt hơn Obama trong mắt các cử tri nữ? Có bao nhiêu người không thích một nữ tổng thống? Và trong 18 tháng nữa kể từ giờ, người Mỹ sẽ đánh giá như thế nào về kinh tế và những gì ông Obama làm được trong hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng?
Những câu hỏi đó đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Thanh Hảo
vietnamnet
|