GTN: Lợi nhuận nổi bật và dòng tiền âm liên tục
Năm 2015, GTN tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột biến và nhiều khả năng giao dịch cổ phiếu sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, cũng cần để ý đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty khi âm liên tục từ năm 2012 đến nay.
Gây sốt ngay khi lên sàn
CTCP Đầu Tư & Sản Xuất Thống Nhất (HOSE: GTN) chào sàn ngày 03/10/2014 với mức giá tham chiếu 10,500 đồng/cp. Cổ phiếu này đã nhanh chóng gây sốt khi tăng trần liên tục 7 phiên liên tiếp, và đà tăng này tiếp tục được nới rộng khi GTN đạt mức giá cao nhất 25,100 đồng /cp, tương ứng với mức tăng gần 2.4 lần (tại ngày ngày 19/11) sau hơn 1.5 tháng niêm yết.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh bao nhiêu thì đà giảm của GTN cũng nhanh bấy nhiêu, khi cổ phiếu này tụt dốc về mức thấp nhất 11,400 đồng/cp (ngày 30/12) chỉ trong vòng chưa đầy 1.5 tháng.
Sau giai đoạn “sóng to gió lớn” thì giao dịch ở GTN diễn ra chậm hơn, giá cổ phiếu cũng đã hồi phục trở lại và hiện đang đứng ở mức 16,100 đồng/cp.
Biến động mạnh do giao dịch của cổ đông lớn?
Một điểm đáng chú ý đó là trong giai đoạn biến động mạnh từ tháng 10 đến hết tháng 12/2014, giao dịch của GTN có sự tham gia mạnh của nhiều cổ đông lớn như: VIX – CTCP Chứng Khoán IB (đã mua và thoái hết 7,.03% vốn trong tháng 10-11-12); Vợ chồng Phó Chủ tịch HĐQT (mua vào 6.46 triệu cổ phiếu tháng 11/2014, nắm 9.5% vốn); hay VietinbankCapital – Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (bán ra trong tháng 12 và mua trở lại trong tháng 02/2015, hiện đang nắm 5.44 triệu cổ phiếu, tương ứng 8% vốn)… Hoạt động mua bán của các cổ đông lớn này đã ảnh hưởng không nhỏ lên biến động giá GTN trong thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng thời gian tháng 10 đến tháng 12/2014.
Giao dịch của cổ đông lớn tại GTN (Nguồn: VietstockFinance)
Năm 2014 báo kết quả kinh doanh đột biến
Năm 2014, doanh thu của GTN đạt 635.5 tỷ đồng tăng mạnh 5.17 lần so với năm 2013; lợi nhuận gộp đạt gần 53.6 tỷ đồng tăng 2.17 lần. Bên cạnh hoạt động chính tăng trưởng mạnh thì hoạt động tài chính của GTN cũng đột biến với doanh thu tài chính đạt 78 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi hoạt động chuyển nhượng vốn 57.6 tỷ đồng, lãi đầu tư cổ phiếu 16 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của GTN đạt 113 tỷ đồng tăng hơn 3.4 lần so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 87.45 tỷ đồng, tăng 3.7 lần.
Với kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan thì không quá khó hiểu khi giá cổ phiếu GTN có biến động mạnh sau khi niêm yết. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra trong năm 2014 thì GTN chỉ thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận.
Phải thu ngắn hạn “đột biến” – Dòng tiền kinh doanh liên tục âm
Đi cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, thì khoản mục phải thu ngắn hạn cũng tăng trưởng mạnh. Theo đó, kết thúc năm 2014, khoản mục phải thu ngắn hạn của GTN lên tới 464 tỷ đồng, tăng 5.1 lần so với 2013. Trong đó, phải thu khách hàng là 259 tỷ đồng tăng hơn 4 lần so với năm 2013, và phải thu khác là 109 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu từ chuyển nhượng vốn 106.9 tỷ đồng (Lưu ý rằng hoạt động chuyển nhượng vốn đã góp phần quan trọng vào lợi nhuận năm 2014 như đề cập ở trên).
Khoản phải thu tăng mạnh là một trong những yếu tố chủ chốt khiến cho dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của GTN âm 147.4 tỷ đồng. Đáng chú ý là từ năm 2012 đến nay, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của GTN luôn là con số âm.
LNST, Phải thu ngắn hạn và Dòng tiền HĐKD của GTN giai đoạn 2012-2014
(ĐVT: Tỷ đồng, Nguồn: VietstockFinance)
Theo bản cáo bạch, năm 2015, GTN tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột biến. Cụ thể, kế hoạch tổng doanh thu năm 2015 là 2,502 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 227 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng giao dịch cổ phiếu GTN sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, cũng cần để ý đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty khi dòng tiền này luôn âm liên tục từ năm 2012 đến nay. Hiện cổ phiếu GTN đang giao dịch khá sôi động với khối lượng trung bình phiên lên tới hơn 1.4 triệu đơn vị, có mức P/E 12 lần và P/B 1.3 lần.
Duy Nam
|