Doanh nghiệp “xếp hàng” đầu tư vào giao thông
Đã có trên 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Cầu vượt Ngã ba Huế
|
Trong tổng số hơn 50 dự án được Bộ GTVT nghiên cứu triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc các lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không đã có trên 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đường bộ, cao tốc vẫn “hút khách”
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 2.500 km đường cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó có đẩy mạnh công tác thu hút nguồn vốn xã hội hóa.
Thông tin mới nhất từ Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Ban PPP, Bộ GTVT) cho biết, trong tổng số 38 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ được Bộ GTVT nghiên cứu chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP, có đến 11 dự án đường cao tốc với tổng mức đầu tư (TMĐT) trên 100 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, tất cả các dự án này đều đã có nhà đầu tư ngỏ ý tham gia thực hiện bằng hình thức PPP.
"Công tác xã hội hóa ở đường thủy nội địa là rất chậm. Tôi cho ông Giang (Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN - PV) thời hạn 500 ngày để triển khai áp dụng các đề án trong bài thi tuyển, nếu ông không phối hợp thực hiện được cũng phải tính chuyện đấy, chứ không phải cứ thi tuyển đỗ là xong đâu”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
|
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, đã có 39 doanh nghiệp tham gia đăng ký làm nhà đầu tư hoặc nằm trong các liên danh sẵn sàng thực hiện các dự án cao tốc khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Điển hình tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tuyến đường có chiều dài 63,5 km được thiết kế quy mô bốn làn xe dự kiến khởi công ngay trong tháng 4/2015 với tổng mức đầu tư (TMĐT) 12 nghìn tỷ đồng. Hiện có đến 6 doanh nghiệp đăng ký tham gia làm liên danh nhà đầu tư, gồm: Công ty CP Đầu tư UDIC, SCIC, Phương Thành, Công ty 468, Công ty CP Giao thông 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà.
Một dự án cao tốc khác nằm ở miền Trung là Thanh Hóa (Nghi Sơn) - Bãi Vọt với TMĐT lên tới 20.600 tỷ đồng cũng tạo được sức hút lớn với các doanh nghiệp bởi có đến 7 nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện gồm: Cienco 4 - Tuấn Lộc - Sông Đà, Licogi, Công ty TNHH Trung Nam, VEC, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập toàn Trung Dung, Công ty CP Xây dựng Tân Nam.
Khu vực phía Nam, hàng loạt tuyến đường cao tốc với TMĐT hàng chục nghìn tỷ đồng như: Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Mỹ Thuận - Cần Thơ,… các nhà đầu tư cũng đang xếp hàng dài để xin tham gia theo hình thức PPP.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP cho biết, ngoài các dự án cao tốc, 27 dự án đường bộ khác được Bộ GTVT nghiên cứu cũng đang nhận được kỳ vọng lớn của nhà đầu tư khi có đến 56 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn tự đề xuất các dự án mới để thực hiện đầu tư như: Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đề xuất dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân (TMĐT 6.300 tỷ đồng) hay Tổng công ty Sông Đà với dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang (TMĐT 750 tỷ đồng),…
Không chịu kém cạnh các dự án đường bộ trong việc “hút” vốn tư nhân tham gia đầu tư, gần 20 công trình thuộc các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt và đường thủy nội địa được Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất thực hiện bằng hình thức PPP cũng đang rộng cửa chào đón các doanh nghiệp. Đáng kể nhất là dự án chuyển nhượng quyền khai thác cảng HKQT Phú Quốc, nhà ga T1 và sảnh E (cảng HKQT Nội Bài), dự án đầu tư luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) hay dự án nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát,…
“Khoán” cho từng Thứ trưởng
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút nguồn vốn xã hội hóa, tại cuộc họp chiều 6/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các Thứ trưởng được giao phân công phụ trách các lĩnh vực tiếp tục chủ động kêu gọi, tìm kiếm các dự án PPP mới để triển khai thực hiện.
“Tùy đặc thù của các lĩnh vực được phân công theo dõi, sắp tới, Bộ GTVT sẽ thực hiện cơ chế “khoán” cho từng Thứ trưởng trong việc tìm kiếm nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các Thứ trưởng quyết liệt chỉ đạo từ khâu lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư đến quá trình triển khai các dự án được thực hiện bằng hình thức đối tác công tư. Đặc biệt, các ban QLDA và cơ quan, đơn vị liên quan phải coi đây là sự sống còn của ngành GTVT.
“Ban QLDA phải nắm rõ và bám sát tình hình các dự án chuẩn bị đầu tư bằng hình thức PPP, đồng thời chủ động đề xuất các dự án mới có tính khả thi cao để thực hiện. Bây giờ, Ban QLDA nào còn tư duy chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, sẽ bị đào thải vì không còn việc để làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với Ban PPP, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải lập kế hoạch chi tiết, cụ thể về tiến độ cho từng dự án chuẩn bị đầu tư, đồng thời bổ sung thêm các dự án đường bộ cấp thiết như Phan Thiết - Nha Trang, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Sapa. Đặc biệt, đơn vị này phải khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án cao tốc để tập trung triển khai như: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang, Ninh Bình - Nghi Sơn, Biên Hòa - Vũng Tàu,… kết hợp với công tác nghiên cứu thu phí không dừng tại tất cả các tuyến đường.
Liên quan đến những dự án trước đây sử dụng vốn ngân sách nhưng bị dừng hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn, Bộ trưởng chỉ đạo Ban PPP nghiên cứu để chuyển sang thực hiện bằng hình thức đối tác công tư theo hướng phần đã đầu tư rồi, chuyển thành vốn Nhà nước góp, còn phần xây dựng thêm sẽ giao nhà đầu tư thực hiện. “Trước mắt, các đơn vị liên quan phải sớm nghiên cứu, rà soát để triển khai hai dự án QL4A đoạn Lạng Sơn - Cao Bằng và QL12 nối từ Điện Biên với Lai Châu. Tất cả các dự án chuyển từ vốn ngân sách sang làm PPP phải triển khai thực hiện ngay chứ không phụ thuộc vào việc quyết toán”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành GTVT cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu phương án chuyển nhượng những dự án cao tốc, đầu tiên là tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. “Khi chuyển nhượng thành công dự án này sẽ là tiền đề quan trọng để Bộ GTVT thực hiện các dự án tiếp theo. Cuối năm nay, cả nước sẽ có 700 km đường cao tốc, nếu chuyển nhượng được một nửa số đó, chúng ta sẽ có thêm nguồn vốn để làm tiếp 350 km đường cao tốc nữa”, Bộ trưởng nói.
Đình Quang
báo giao thông
|