Thứ Hai, 27/04/2015 08:16

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ Vinamilk: Cổ đông phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC

Sáng 27/04, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) đã thông qua kế hoạch lãi ròng 6,830 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế và phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông... nhưng phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 của Vinamilk diễn ra sáng 27/04 tại TPHCM.

Phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC

12h15: Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình, riêng hai vấn đề SCIC đề xuất đều không được thông qua.

Cụ thể, vấn đề thứ nhất về “trường hợp đương nhiệm mất tư cách của thành viên HĐQT, BKS trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông là tổ chức” chỉ được 57.43% số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua, 40.89% không thông qua và không có ý kiến chiếm 1.58%.

Vấn đề thứ hai là “Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại Công ty” chỉ có 57.42% số cổ phần tán thành, 39.31% không tán thành và 3.15% không có ý kiến.

Trước đó, tờ trình bầu bổ sung Thành viên HĐQT độc lập của SCIC cũng không được cổ đông chấp thuận.

10h37: Đại hội tiến hành thảo luận

Sẽ M&A trong lĩnh vực chăn nuôi?

Cạnh tranh trong ngành rất gay gắt, vậy đến năm 2017 kế hoạch doanh số 3 tỷ USD có đạt được?

VNM sẽ cố gắng hết mức để đạt được mục tiêu doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.

Kế hoạch M&A của VNM như thế nào?

VNM đã hoàn hành M&A Drift World, còn kế hoạch 4,000 tỷ để M&A trong năm nay về nguyên tắc là như vậy nhưng chi tiết sẽ do HĐQT tính toán. Cũng có thể hợp tác về chăn nuôi.

Hiện các công ty đa quốc gia tăng trưởng phần lớn nhờ mua bán sáp nhập. Vì thế VNM cũng có nhiều kế hoạch tăng trưởng như M&A, xuất khẩu, sản xuất tại thị trường nước ngoài… quan trọng nhất vẫn là giữ vững thị phần và lấy được thị phần của đối thủ.

Chi tiết về mức độ tăng trưởng quý 1/2015?

Đến tháng 4, doanh số của VNM tăng trưởng 17%, về lượng khoảng 15%.

Không đại diện cho SCIC, tách việc kiêm nhiệm Chủ tịch và TGĐ thì bà Liên còn giữ chức Chủ tịch?

Việc này sẽ do HĐQT quyết định.

VCSC hỏi VNM đã chi hết bao nhiêu ngân sách cho quảng cáo?

Năm 2014 đã chi cao hơn năm 2013 và kế hoạch năm 2015 còn cao hơn nữa.

Những doanh nghiệp mới vào thị trường sẽ chịu lỗ để lấy thị phần, VNM vì vậy cũng phải chi cho marketing, quảng cáo... Vinamilk không thể đứng số một thị phần mà quảng cáo chi không cao được.

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dù vượt kế hoạch nhưng không cao?

VNM bám theo kế hoạch 5 năm, lợi nhuận vượt, còn tăng trưởng không bằng do năm 2014 nhiều khó khăn dồn dập đến.

Với 300 nhà phân phối thì VNM dư sức làm đẹp doanh số nhưng VNM không làm như thế, giữ vững tính trung thực và cố gắng trong năm 2015.

Theo đề xuất của SCIC, nếu bà Liên không đại diện cho SCIC thì có bị mất tư cách Chủ tịch?

Bà Liên cho biết không đại diện vốn Nhà nước do đã quá tuổi làm việc. Nếu điều này thông qua thì bà không bị ảnh hưởng vì bà không đại diện cho tổ chức nào mà là cho cổ đông.

VNM đang đàm phán với 2 đối tác để triển khai nhà máy sữa bột tại châu Âu

Kế hoạch triển khai nhà máy sữa bột tại châu Âu?

VNM đang đàm phán với 2 đối tác và khi nào lựa chọn được đối tác sẽ trình cổ đông kế hoạch đầu tư cụ thể.

Thay phát hành thêm cổ phiếu thưởng bằng chia cổ tức tiền mặt, lợi nhuận sẽ hài hòa hơn?

Bà Liên cho biết, lần nào chia cổ phiếu thưởng thì cổ phiếu VNM cũng đều tăng trở lại hơn so với trước lúc chia.

Năm 2014 có đặc điểm, kế hoạch lợi nhuận giảm do giá nguyên vật liệu quá cao trong khi giá sản phẩm không thể tăng. Nhưng cuối cùng VNM cũng vượt kế hoạch lợi nhuận dù gặp rất nhiều cản trở trong năm qua.

Còn kế hoạch 2015 lợi nhuận đã điều chỉnh tăng mạnh, Công ty cố gắng mua bán và sáp nhập để tăng cường doanh thu. Nếu năm 2015 kết quả tốt hơn thì sẽ tăng cổ tức thêm, ngoài cổ phiếu thưởng và tạm ứng.

VNM mang tiền về cho cổ đông xếp thứ hai khu vực

VNM đã đạt hiệu quả tốt về mọi mặt trong năm 2012 và 2013 nhưng cổ tức bây giờ lại không bằng những năm trước?

Năm ngoái và năm nay VNM đều thưởng cổ phiếu 5:1 và cổ tức 40%... thì không phải là thấp hơn. Nếu cổ đông muốn cổ tức nhiều hơn thì đề xuất và cùng thảo luận.

Hiện tiền đem lại cho cổ đông của VNM đứng thứ hai trong khu vực. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa cổ đông và phát triển của công ty.

HĐQT và BKS đều do cổ đông bầu ra, trường hợp do một tổ chức cử ra nhưng đã được cổ đông bầu, sau đó không còn đại diện vốn của tổ chức đó thì đương nhiên không còn đương nhiệm, vậy vai trò của cổ đông là như thế nào? Sự ủng hộ của cổ đông vậy có còn hợp lý?

Đại diện HĐQT cho biết, ý kiến của cổ đông lớn SCIC đưa ra để thảo luận chứ không phải của HĐQT. Việc mất tư cách này thì rõ ràng một số cổ đông lớn đã lấy mất quyền của cổ đông nhỏ. Bản thân HĐQT cũng tôn trọng ý kiến của cổ đông lớn và cũng đã tham khảo ý kiến của luật sư xem có phù hợp về pháp lý hay không.

Đại diện công ty luật cho biết, ý kiến của đơn vị này là trung lập. Theo luật định, một người đang là thành viên HĐQT, BKS nếu mất tư cách đại diện cho một cổ đông, tổ chức nào đó thì khi không còn là người đại diện phần vốn góp sẽ đương nhiên không nằm trong HĐQT. Tuy nhiên điều này lại có hai vấn đề khác nhau là ĐHĐCĐ và HĐQT. Trong đó HĐQT do ĐHĐCĐ bầu ra, vì thế việc miễn nhiệm cũng phải do ĐHĐCĐ thông qua. Đây là hai mối quan hệ độc lập.

Theo đó, đề nghị này tạo ra cơ chế “mất tư cách tự động” được thực hiện bởi một cổ đông tổ chức nhưng không công bằng giữa các cổ đông với nhau. Trong khi VNM là công ty đại chúng, vì thế cần có sự cân nhắc việc này vào Điều lệ công ty.

Về vấn đề Trưởng BKS phải làm việc chuyên trách tại công ty, theo ý kiến của cá nhân bà Liên, điều này sẽ được đưa vào Luật Doanh nghiệp và thực hiện vào tháng 7/2015. Vì thế, chúng ta nên chờ bởi chưa biết quy định cụ thể như thế nào.

SCIC muốn sửa điều lệ liên quan đến HĐQT và BKS

10h33: Đại diện SCIC có ý kiến bổ sung sửa đổi Điều lệ của VNM.

Thứ nhất, bổ sung “trường hợp đương nhiệm mất tư cách của thành viên HĐQT, BKS trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông là tổ chức”. (Luật doanh nghiệp 2014 KHÔNG quy đinh nội dung này.

Thứ hai, bổ sung “Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại Công ty”.

Bà Mai Kiều Liên muốn Chủ tịch không kiêm nhiệm Tổng

10h28: Bà Liên chia sẻ đã gắn bó với VNM 9 năm và “nặng gánh” với việc kiêm nhiệm. Và đây là năm thích hợp để tách chức danh Chủ tịch không kiêm nhiệm Tổng giám đốc.

Được biết, nhiệm kỳ HĐQT sẽ kết thúc vào năm 2016.

09h39: Chủ tịch Mai Kiều Liên cho biết, trong quý 1/2015, sản lượng của VNM tăng 13% và sẽ không tăng giá sản phẩm. Thị trường xuất khẩu cũng đã phục hồi với mức tăng tới 70%, đó là tín hiệu đáng mừng ban đầu của năm 2015.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý vừa qua đạt 8,075 tỷ đồng, tăng 15.6% so cùng kỳ 2014. Lợi nhuận sau thuế 1,884 tỷ đồng, tăng 10.3% so cùng kỳ.

Bỏ tờ trình bổ sung thành viên độc lập của SCIC

09h05: Đại diện VNM cho biết, HĐQT hiện có 6 thành viên và cổ đông lớn SCIC vừa có đề xuất bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập là ông Phạm Văn Vượng.

VNM đã kiểm tra tiểu sử của ứng viên do SCIC đề cử, có đạt yêu cầu nhưng cũng cần thêm thời gian để cổ đông xem xét. Do nhận được yêu cầu khá cập rập từ cổ đông lớn nên HĐQT VNM xin ý kiến cổ đông đưa nội dung bầu bổ sung mới này vào chương trình đại hội.

Cả cổ đông tổ chức và cá nhân đều cho rằng, thời gian đề xuất 3 ngày là quá ngắn để xem xét hồ sơ của ứng viên cũng như không đúng theo quy định.

Phần bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập có tỷ lệ đồng ý là 56.95% cổ đông biểu quyết (nhỏ hơn mức thông qua theo yêu cầu là 65%) nên không được đưa vào chương trình nghị sự.

09h00: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 382 cổ đông, đại diện cho 78.26% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết.


TRƯỚC ĐẠI HỘI

Đến gần ngày Đại hội, VNM cho biết đã nhận được công văn từ cổ đông lớn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị bổ sung thêm nội dung bầu 1 thành viên HĐQT độc lập vào chương trình ĐHĐCĐ thường niên 2015. 

Tăng đầu tư vào công ty bò sữa, kế hoạch lãi tăng trưởng 13%

VNM đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 39,077 tỷ đồng, tăng 9.4% so thực hiện 2014. Lợi nhuận sau thuế 6,830 tỷ đồng, tăng 13%. Cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế và sẽ được tạm ứng đợt 1/2015 vào tháng 9/2015 và đợt 2 vào tháng 5/2016.

Kế hoạch 2015 này đã nhảy vọt so với định hướng cho giai đoạn 2012-2016 đã được phê duyệt trước đó:

Trong năm nay, VNM dự kiến sẽ đầu tư bổ sung 258 tỷ đồng vào công ty mẹ Vinamilk, đầu tư thêm 387 tỷ đồng vào Công ty Bò sữa Việt Nam và 12.6 tỷ đồng vào Công ty Sữa Lam Sơn.

Kế hoạch giải ngân 2015 và điều chỉnh tổng mức đầu tư đến 2016

HĐQT cũng trình cổ đông thông qua ngân sách cho hoạt động hợp tác đầu tư với nhiều hình thức để mở rộng thị trường, phát triển vùng nguyên liệu và tăng năng lực sản xuất là 4,000 tỷ đồng.

Cổ tức đẹp, còn thêm cổ phiếu thưởng

Trong năm 2014, VNM đã trích gần 3,667 tỷ đồng để chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tổng mức 40% trên lợi nhuận sau thuế, trong đó, VNM đã chi trả 20% đợt 1 và sẽ tiếp tục chi trả thêm 20% trong đợt 2 tới vào ngày 26/06.

VNM dự kiến quý 3/2015 phát hành thêm tối đa 200,128,280 cp thưởng với tỷ lệ 5:1, nguồn từ vốn chủ sở hữu. Trước đó, năm 2014 VNM cũng đã phát hành gần 167 triệu cổ phiếu thưởng cũng với tỷ lệ trên cho cổ đông và tăng lượng cổ phiếu niêm yết lên hơn 1 tỷ cổ phiếu.

Có thể thấy cổ đông của VNM khá may mắn khi vừa nhận cổ tức cao vừa liên tục được nhận cổ phiếu thưởng, trong khi thị giá cổ phiếu VNM đang ở mức trên 100,000 đồng/cp.

2014 đã lấn thêm được thị phần sữa nước và sữa bột

Năm 2014, doanh thu của VNM đạt 35,704 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013 và đạt 98% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,068 tỷ đồng, giảm 7% so 2013 và vượt 1% kế hoạch.

Theo ban lãnh đạo VNM, năm qua có một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh như sức mua của thị trường thấp do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Cạnh tranh ngành sữa ngày càng gay gắt nên các doanh nghiệp đã chi rất nhiều vào quảng cáo, khuyến mãi, bán hàng… nhằm tăng doanh số. Vì vậy VNM cũng đã tăng mạnh chi phí bán hàng so với 2013 và nhờ đó không chỉ giữ vững được thị phần mà còn lấy thêm được thị phần ở ngành hàng sữa nước và sữa bột. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu giảm do tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông, giá sữa nguyên liệu biến động lớn, tăng mạnh từ năm 2013 đến 2014 và chỉ bắt đầu giảm vào những tháng cuối 2014.

Trong năm qua, VNM đã đưa thêm 2 trang trại bò sữa vào hoạt động, nâng tổng số trại bò sữa lên 7 trang trại với hơn 11,000 con bò sữa. Bên cạnh đó, VNM cũng hợp tác với nông dân nuôi bò sữa và tại thời điểm cuối năm 2014 tổng đàn bò của các hộ dân đang giao sữa cho VNM là 77,000 con.

Theo đó, VNM cũng thu mua được tổng cộng 184 nghìn tấn sữa, tăng 17.5% so 2013. Trong đó sữa từ các trang trại của VNM là 29,500 tấn, tăng 23%. Sữa tươi nguyên liệu thu mua từ hộ nông dân là 154,500 tấn, tăng 16%.

Công ty cũng tung ra 29 sản phẩm mới cho 4 nhóm gồm sữa bột, sữa nước, hàng lạnh và nước giải khát.

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   TMC: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (25/04/2015)

>   ABBank cũng tính đường sáp nhập (25/04/2015)

>   MHL: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (25/04/2015)

>   DID: Báo cáo thường niên 2014 (25/04/2015)

>   BXH: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (25/04/2015)

>   NET: Báo cáo thường niên 2014 (25/04/2015)

>   'Quả đấm thép' Việt Nam VNSTEEL: Bên bờ vực thẳm? (25/04/2015)

>   CLL: Lãi ròng quý 1/2015 chỉ 15 tỷ đồng, giảm 26.5% so cùng kỳ (29/04/2015)

>   TMT: BCTC quý 1 năm 2015 (25/04/2015)

>   Ô tô TMT: Lãi quý 1/2015 gấp 4.3 lần cùng kỳ (30/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật