ĐHĐCĐ VCF: Vì sao 2014 dư 500 tỷ đồng mà không chia cổ tức?
Sáng ngày 20/04, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) diễn ra tại Thành phố Biên Hòa, HĐQT cho biết vẫn chưa có kế hoạch trả cổ tức 2015, trong khi đó 2014 quyết định không chia dù vẫn còn dư tiền 500 tỷ đồng và dùng để đầu tư.
Quý 2/2015 sẽ ra mắt sản phẩm mới
Năm 2015, công ty đưa ra kế hoạch doanh thu từ 3,600-4,200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450-600 tỷ đồng và chưa có kế hoạch cổ tức.
Trong năm, VCF sẽ tiếp tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới; thâm nhập thêm một số ngành thực phẩm mà có nhu cầu thị trường đủ lớn. Tiếp tục phát triển và giữ vững vị trí dẫn đầu trong ngành café hòa tan với hai nhãn hiệu chủ lực là Vinacafé và Wake-Up, đẩy mạnh phát triển ngành nước giải khát dựa trên sản phẩm chủ lực là Wake-Up 247.
Nhìn nhận về kế hoạch đặt ra trong năm 2015, Ban lãnh đạo cho biết sẽ có rất nhiều khó khăn khi hầu hết các yếu tố giúp có được kết quả kinh doanh năm 2014 nhiều khả năng sẽ không lặp lại trong năm 2015. Cụ thể:
(1) Việc thu mua giá nguyên vật liệu thuận lợi nhờ diễn biến giá cà phê trong năm 2014 khá tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những biến động khó lường của thị trường cà phê trong nửa cuối 2014 hay những tháng đầu năm 2015 có thể thấy giá cà phê đang có xu hướng leo thang mạnh. Điều này dẫn đến việc kiểm soát chi phí sản xuất sẽ là một khó khăn rất lớn, gây áp lực lên lợi nhuận biên, đặc biệt trong điều kiện sức mua thị trường vẫn còn yếu, lạm phát thấp và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngày càng cao.
(2) Các sáng kiến lớn để tối ưu hóa hoạt động sản xuất của nhà máy Long Thành và Biên Hòa – đóng góp đáng kể vào việc tiết giảm chi phí sản xuất và sự gia tăng mạnh về lợi nhuận gộp trong năm 2014 – đã được thực hiện xong. Dù Ban điều hành vẫn tập trung không ngừng vào việc tiếp tục nâng cao, cải tiến hiệu quả hoạt động của các nhà máy và giảm hao hụt, nhưng tác động mà nó đem lại sẽ khó có thể lớn như năm 2014.
(3) Một yếu tố quan trọng khác là lãi suất, trong năm 2014, lãi suất giảm giúp giảm thiểu lãi vay, hoạt động kiểm soát vốn cũng hiệu quả hơn qua đó góp phần vào việc nâng cao lợi nhuận tài chính cho Công ty. Tuy nhiên, đây là yếu tố mang tính vĩ mô nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, do đó sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp ở những thời điểm khác nhau.
Trước những kế hoạch đưa ra và nhìn nhận của Ban lãnh đạo công ty, cổ đông muốn biết cơ sở tăng trưởng doanh thu trong năm 2015 là gì?
Đại diện công ty cho biết, năm 2015 sẽ củng cố ngành hàng cốt lõi là café hòa tan, đồng thời mở rộng thêm các ngành hàng mới. Với thành quả đạt được trong năm 2014, nhất là trong bối cảnh VCF đang chiếm 41% thị phần mảng café hòa tan, kỳ vọng đây sẽ là cơ sở tăng trưởng. Ngoài ra, ngành hàng nước tăng lực café Wake-Up 247 cũng đã thu được những thành quả nhất định hứa hẹn cũng là cơ hội giúp công ty hoàn thành kế hoạch năm 2015.
Về vấn đề ra mắt sản phẩm mới, đại diện công ty cho biết đang nghiên cứu sản phẩm mới và dự định ra mắt trong quý 2/2015. Tuy nhiên, nhìn nhận về sản phẩm mới, đại diện công ty cho biết là do tương lai có những rủi ro nên cần phải chờ định hướng cụ thể của công ty mới biết sản phẩm mới như thế nào, nhưng sản phẩm mới sẽ có những điểm khác biệt.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của VCF
|
Vì sao 2014 dư 500 tỷ đồng mà không chia cổ tức?
Năm 2014, công ty thu về 2,947 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với năm 2013. Lợi nhuận gộp đạt 1,065 tỷ đồng, tăng 55.6% so với 2013; lợi nhuận sau thuế 401 tỷ đồng, tăng 54% so với 2013. Năm 2014 công ty không chia cổ tức.
Lý giải về việc không chia cổ tức, ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng Giám đốc cho biết do trong năm 2014 HĐQT đã xem xét một số khoản đầu tư và hiện tại kế hoạch đầu tư là dây chuyền sản xuất hòa tan và dây chuyền sản xuất nước tăng lực Wake-Up. Do nhu cầu vốn đầu tư nên công ty không chia cổ tức.
Cũng ở vấn đề này, cổ đông cho rằng công ty vẫn còn dư lượng tiền mặt nhiều, trong khi nợ ngắn hạn ít, vậy tiền cần đầu tư cụ thể là bao nhiêu?
Ông Kỷ chia sẻ, do nhìn nhận khả quan về sản phẩm hòa tan trong thời gian tới vì vậy công ty lên kế hoạch đầu tư dây chuyền hòa tan, dự kiến dây chuyền khoảng 200 tỷ đồng. Ngoài ra, theo quy định của tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp 1 sẽ phải di dời vào quý 3/2017. Theo dự báo tình hình phát triển các sản phẩm thì năm 2017 sẽ bắt đầu bị thiếu café bột hòa tan do đó năm 2016 sẽ đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất café hòa tan nữa tại Long Thành. Bên cạnh đó sẽ di dời nhà máy ở khu công nghiệp 1 về Long Thành. Tổng di dời và dây chuyền sản xuất café hòa tan mới khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác. Công ty hiện có dư 500 tỷ là chưa đủ và vẫn phải vay thêm.
Bên cạnh các câu hỏi đưa ra, các cổ đông cũng có một số vẫn đề thắc mắc như tồn kho, chi phí quản lý năm 2014 tăng mạnh là do đâu (chi phí quản lý tăng 3 lần lên gần 100 tỷ đồng)? Năm 2014 nhà máy Long Thành đã vận hành được bao nhiêu phần trăm công suất và có dự định đầu tư gì thêm vào nhà máy này không?
Theo đại diện ban chủ tọa do đặc thù của công ty là chuyên về café, trong khi đó nguyên liệu café nhân có tính chất mùa vụ khi thu hoạch ở cuối quý 3 và quý 4. Công ty phải mua lượng hàng để dự trữ cho sản xuất cả năm và tồn kho này là café nhân.
Ở phần chi phí quản lý tăng mạnh, theo đại diện công ty đây là phần chi phí chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản phẩm của Công ty nước Vĩnh Hảo. Cụ thể, trong năm 2014, khi bước vào thị trường nước giải khát, HĐQT nhận định đây là ngành rủi ro do cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn nên công ty chưa đầu tư vào tài sản cố định, chưa tập trung phát triển nghiên cứu sản phẩm mới mà thay vào đó nhờ Vĩnh Hảo thực hiện phần này. Theo thỏa thuận, Vĩnh Hảo sẽ chuyển giao lại công nghệ cho VCF.
Về nhà máy Long Thành, công suất chạy được 80% và trong năm 2015 có kế hoạch đầu tư thêm một dây chuyền nữa tại Long Thành để có cơ hội phát triển các mặt hàng.
Cuối đại hội, các cổ đông thông qua tất cả các báo cáo và tờ trình. Bên cạnh đó, bầu HĐQT-BKS cho nhiệm kỳ mới 2015-2020.
Cụ thể, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 là 6 người bao gồm:
- Ông Nguyễn Văn Hà
- Ông Lê Trung Thành
- Ông Phạm Đình Toại
- Ông Phạm Hồng Sơn
- Ông Phạm Quang Vũ
- Bà Nguyễn Hoàng Yến
Thành viên Ban kiểm soát gồm 3 người:
- Ông Đỗ Xuân Hậu
- Ông Huỳnh Thiên Phú
- Ông Nguyễn Ngọc Tuấn
Duy Hoàng
|