ĐHĐCĐ SVC: Đổi Chủ tịch, cổ đông đề xuất thoát khỏi bất động sản
ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn – Savico (HOSE: SVC) tổ chức sáng ngày 24/04 đã thông qua việc bầu mới 5 thành viên HĐQT và đổi Chủ tịch. Đáng chú ý, cổ đông đề xuất thoát khỏi mảng bất động sản dành vốn kinh doanh ô tô, riêng mảng xe gắn máy của SVC vẫn bị lỗ trong năm 2014.
Kế hoạch lãi 2015 tăng 14%
Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, các cổ đông đã thống nhất chỉ tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 8,500 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 14%, đạt 100 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức 12%.
Tính riêng quý 1/2015, lợi nhuận trước thuế của SVC đạt 31 tỷ đồng, chủ yếu từ mảng thương mại ô tô, ông Nguyễn Bình Minh - Phó Chủ tịch cho biết.
Trong giai đoạn 2015-2020, SVC đặt mục tiêu tốc độ tăng doanh thu 10%/năm, đến năm 2020 đạt 15,000 tỷ đồng, thị phần chiếm 10% trong VAMA. Ông Nguyễn Vĩnh Thọ - Chủ tịch HĐQT cho biết tăng 10% là rất vất vả cho SVC vì nhà cung cấp không cho mở thêm đại lý 3S, trong khi tốc độ phát triển đại lý của các đối thủ đang tăng rất nhanh. SVC phải đi qua nhiều kênh, mời gọi những đối tác khác để mở rộng thị trường.
Một số các chỉ tiêu khác đến năm 2020 của SVC gồm lợi nhuận sau thuế 200 tỷ, vốn điều lệ 400 tỷ, tổng tài sản 3,500 tỷ đồng và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3,125 đồng.
Trong năm 2014, SVC đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 7,940 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013 và vượt 13% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của Công ty gần 88 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2013 và vượt 35% kế hoạch năm. Tỷ lệ cổ tức 12%, dự kiến thực hiện vào 6 tháng cuối năm 2015.
Thị phần mảng ô tô của SVC trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chiếm 9.7%, giảm 0.6 điểm % so với cuối năm 2013.
CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn – Savico (HOSE: SVC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 vào sáng ngày 24/04.
|
Bất động sản – nếu khó thì thoát nhanh để không bị lún
Tại đại hội, cổ đông đề xuất SVC nên thoái bớt khỏi bất động sản. Một cổ đông khác cũng nhận định lợi nhuận của SVC chủ yếu đến từ kinh doanh ô tô, còn hoạt động bất động sản không thuộc mảng kinh doanh cốt lõi trong khi phải dùng nhiều nợ vay và kéo giảm mảng kinh doanh ô tô. Do đó SVC nên thoát ra khỏi mảng bất động sản, thuê mặt bằng và tập trung phân phối xe hơi, sử dụng phần tiền đầu tư cho bất động sản chuyển sang kinh doanh xe hơi để tập trung hoạt động cốt lõi, như vậy SVC sẽ không phải chịu áp lực về vốn.
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ cho biết hoạt động của SVC bao gồm 3 lĩnh vực dịch vụ thương mại, bất động sản và tài chính, trong đó mảng tài chính chết trước, bất động sản thì bất động trong vòng 5 năm, lần đầu từ năm 2012 công ty không bán được xe và thua lỗ. Con đường của SVC sẽ là thoát khỏi bất động sản, tìm kiếm mặt bằng với giá hợp lý, nếu mảng này gặp khó khăn thì sẽ thoát sao cho nhanh để không bị lún.
Về hoạt động của mảng dịch vụ bất động sản trong năm 2014, SVC đã ký thỏa thuận hợp tác với Novaland để phát triển dự án 104 Phổ Quang với diện tích 6,500m2, thu tiền đợt 1 là 40 tỷ đồng, khu đất 2,500m2 còn lại hợp tác với Saigon Ford và đã thu 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SVC đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng dự án CN4.3 Nam Sài Gòn với doanh thu 76.4 tỷ đồng và lợi nhuận 21.5 tỷ đồng, ký kết hợp đồng chuyển nhượng 25% vốn còn lại trong dự án 115-117 Hồ Tùng Mậu.
Mảng xe gắn máy còn lỗ
Với ngành hàng xe máy, lượng xe tiêu thụ của SVC giảm 36% về mức 10,643 xe, toàn hệ thống lỗ 9 tỷ đồng, chủ yếu do giải thể 3 đơn vị thành viên là Bến Thành Savico, Yamaha Phương Nam và Savico Me Kong.
Ông Nguyễn Vĩnh Thọ cho biết kết quả kinh doanh hai năm gần đây 2013 và 2014 của ngành xe gắn máy vẫn còn lỗ, trước đây đầu tư 1 vốn 1 lời thì hiện thoát ra hết để bảo toàn vốn là cả vấn đề khó khăn của SVC. Nguyên nhân chủ yếu là rủi ro từ chính sách vĩ mô của Nhà nước, và bài học lớn nhất của SVC là việc ấp ủ phát triển nhanh hệ thống bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính. Nếu không quyết tâm, có khi SVC đã phá sản từ năm 2012.
Còn về mảng taxi, hiện đối tác liên doanh của SVC mặc dù rất nổi tiếng ở Singapore nhưng phương thức kinh doanh tại Việt Nam chưa phù hợp, do đó SVC sẽ xem xét mua lại hoặc đàm phán lại với đối tác nước ngoài này. Đây cũng là mảng đã kinh doanh có lãi trong năm 2014 của SVC.
Hủy tờ trình phát hành riêng lẻ 15 triệu cp
Đáng chú ý là tờ trình tìm kiếm đối tác chiến lược của SVC được hủy khỏi chương trình chính thức của đại hội. Theo tài liệu cung cấp trước đó về phương án mời gọi cổ đông chiến lược, SVC dự kiến phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn từ 250 tỷ lên 400 tỷ đồng với mục đích phát triển lĩnh vực dịch vụ - thương mại và dịch vụ bất động sản giai đoạn 2015-20120, đặc biệt là hệ thống ô tô. Trong đó đầu tư 150 tỷ phát triển 15-20 đại lý ô tô 2S và 3S, tối thiểu 500 tỷ đồng cho dự án Mercure Sơn Trà Resort – Đà Nẵng và Khách sạn 66-68 Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Tp.HCM.
Mặc dù đã đưa ra khỏi chương trình đại hội nhưng ông Nguyễn Vĩnh Thọ chia sẻ thêm SVC muốn tìm 3-5 nhà đầu tư chuyên phát triển về ô tô để đón đầu lộ trình hội nhập vào năm 2018 khi thuế suất ô tô giảm về 0% trong khi các nhà sản xuất ô tô hiện còn lúng túng giữa việc nên lựa chọn lắp ráp hay sản xuất để phân phối xe hơi. Đặc thù của mảng kinh doanh ô tô là phải có mối quan hệ giữa nhà bán lẻ và các hãng xe toàn cầu. Do đó, SVC đặt điều kiện chọn nhà đầu tư chiến lược là đối tác có thể giúp Công ty kết nối với các nhà cung cấp để chuẩn bị cho lộ trình nhập khẩu xe ô tô.
Hiện SVC đang phân phối dòng xe phổ thông, do đó Công ty đang gặp gỡ các nhà phân phối lớn hơn cho dòng xe cao cấp để tăng hình ảnh thương hiệu và dòng xe thương mại có tốc độ tăng trưởng cao và nhu cầu lâu dài.
Thay 5/7 thành viên HĐQT
Cụ thể, có đến 5 thành viên HĐQT cũ của SVC không tái cử trong nhiệm kỳ mới gồm ông Nguyễn Vĩnh Thọ (Chủ tịch), ông Võ Hiển, ông Lê Hùng, ông Tạ Phước Đạt và ông Tề Trí Dũng.
HĐQT và BKS của SVC nhiệm kỳ 2015-2020
|
Đồng thời, Đại hội đã nhất trí số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 vẫn là 7 người, trong đó có 2 người cũ gồm:
- Ông Nguyễn Bình Minh – đại diện Tổng Công ty Bến Thành (nắm 40.78% vốn), giữ chức Chủ tịch (tái đắc cử)
- Ông Lương Quang Hiển – đại diện nhóm cổ đông từ CTCP Kinh Đô (KDC) (tái đắc cử)
- Bà Nguyễn Việt Hòa – đại diện từ Tổng Công ty Bến Thành
- Ông Mai Việt Hà – Tổng giám đốc SVC
- Ông Đoàn Văn Quang – Phó Tổng giám đốc
- Ông Nguyễn Công Bình – Phó Tổng giám đốc Ông Nguyễn Đức Trọng – đại diện từ quỹ Jom Silkkitie Investment (nắm 9.8% vốn).
Minh Hằng
|