ĐHĐCĐ SBS: M&A để tồn tại
Sáng 16/04, CTCP Chứng khoán NH Sài Gòn Thương Tín (UPCoM: SBS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015 và thông qua phương án sáp nhập với một công ty chứng khoán khác nhằm xóa lỗ lũy kế.
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của SBS.
|
Tại Đại hội, ông Phan Quốc Huỳnh – Phó Chủ tịch kiêm TGĐ SBS cho biết, mặc dù SBS đã vượt qua được “cửa tử” để ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt nhưng để công ty quay trở lại hoạt động như trước kia thì chưa thể thực hiện ngay khi mà lỗ lũy kế vẫn đang vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Bên cạnh đó, khi mà Thông tư 210 chính thức có hiệu lực thì những công ty chứng khoán có lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn điều lệ cũng sẽ phải dừng hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc SBS phải tìm mọi cách trong năm 2015 này để xóa lỗ lũy kế nếu không muốn bị ngừng hoạt động.
Đây là cũng mục tiêu mà HĐQT SBS đưa ra nhằm “tái cấu trúc triệt để” trong năm 2015. Theo đó, bước đầu tiên là SBS sẽ thực hiện sáp nhập với một công ty chứng khoán khác để tính toán lại nguồn vốn và thực hiện xóa lỗ lũy kế. Sau đó, SBS sẽ tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc thực hiện gộp cổ phiếu, tỷ lệ cụ thể sẽ được đưa ra chi tiết khi SBS xác định được giá trị của công ty chứng khoán mà SBS dự kiến sáp nhập.
Cuối cùng, SBS mới tính đến việc phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu hoặc cho đối tác chiến lược.
Được biết, vấn đề sáp nhập đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 trước đó bàn đến nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì cụ thể hơn.
Kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 10 tỷ đồng
Bên cạnh kế hoạch tái cấu trúc triệt để trên, cổ đông SBS cũng thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với doanh thu thuần 40-50 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 10 tỷ đồng.
Ông Huỳnh cho biết, doanh thu và chi phí không có sự thay đổi so với 2014 là do hạn chế về vốn lưu động cũng như giới hạn về phạm vi kinh doanh vì khoản lỗ lũy kế vẫn trên 50% vốn chủ sở hữu.
Ông Huỳnh cũng nhìn nhận trước bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước năm 2015 vẫn rất khó khăn khi mà dư địa giá dầu giảm vẫn còn lớn, cơ chế chính sách chưa thực sự ủng hộ trong khi nhà đầu tư còn chưa nhìn nhận thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn của thị trường.
Ngoài ra, từ lúc Thông tư 36 có hiệu lực, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đã giảm đi khoảng 2/3. Nếu giao dịch trên thị trường chứng khoán quay lại mức bình quân trên 3,000 tỷ đồng/phiên thì doanh thu từ môi giới của SBS có thể đạt 6 tỷ đồng/tháng, ông Huỳnh nói thêm.
Năm 2014, SBS đã khôi phục được hoạt động môi giới với thị phần chiếm bình quân từ 2.5-3%, tăng gấp 4 lần so với thời điểm đáy khủng hoảng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 71 tỷ đồng và 15 tỷ đồng.
Bầu lại HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2015-2019
Cũng tại đại hội lần này, SBS đã tiến hành bầu cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới (2015-2019).
HĐQT SBS nhiệm kỳ mới 2015-2020.
|
Theo đó, danh sách trúng cử vào HĐQT xuất hiện hai thành viên mới là ông Phạm Quang Thành và ông Dương Mạnh Hùng để thay thế cho 3 thành viên cũ là ông Nguyễn Văn Nhơn, bà Nguyễn Thị Thúy Liên và ông Nguyễn Ngọc Giang.
Danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới:
- Ông Trần Văn Lân
- Ông Phan Quốc Huỳnh
- Ông Phạm Quang Thành
- Ông Trần Minh Trung
- Ông Dương Mạnh Hùng
Danh sách BKS nhiệm kỳ mới có 2 thành viên mới là ông Lưu Thanh Hùng và ông Lưu Anh Đức. Cụ thể:
- Ông Hứa Ngọc Nghĩa
- Ông Lưu Thanh Hùng
- Ông Lưu Anh Đức
Sanh Tín
|