Thứ Sáu, 03/04/2015 13:55

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ SAV: Báo lỗ khi “về tay” E-Land, cổ đông nói gì?

Chiều ngày 03/04, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Hợp tác Kinh tế và XNK Savimex (HOSE: SAV) đã bàn về việc thay đổi dàn lãnh đạo mới với yếu tố then chốt từ E-Land và TCM... cũng như những kế hoạch vực dậy công ty trong thời gian tới.

16h30: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình

15h15: Thảo luận

Công ty làm thế nào để giảm dự phòng các khoản phải thu khó đòi?

Các khoản phải thu khó đòi, công ty đã trích lập dự phòng và đang tiến hành thu hồi nợ và nhờ các cơ quan chức năng can thiệp.

E-Land sẽ chuyển đơn hàng trong ngành gỗ về cho SAV

Công ty có định hướng giảm tỷ trọng đầu tư vào bất động sản để tập trung vào ngành gỗ?

E-Land vào sẽ hỗ trợ SAV bằng cách chuyển đơn hàng về cho SAV trong ngành gỗ.

Còn các dự án bất động sản đã hoàn thành thì vẫn duy trì, đối với các khu đất sẽ tùy tình hình tương lai để đầu tư.

SAV có nhiều quỹ đất, kế hoạch đầu tư như thế nào? Tiến trình tại dự án Phú Mỹ?

E-Land có 55 trung tâm thương mại tại Hàn Quốc. Vì thế với tình hình hiện tại, việc xây trung tâm thương mại chưa khả quan. Tuy nhiên, kế hoạch trong tương lai, SAV có quỹ đất lớn 6ha tại quận 12 và Thủ Đức khi xây tuyến metro sẽ rất thuận lợi cho phát triển các dự án tại đây.

Đối với dự án Phú Mỹ, 40% giá trị dự án này, tương ứng 72 tỷ sẽ được hạch toán trong năm 2015.

Lợi nhuận quý 1/2015 chỉ đủ bù đắp chi phí

Kết quả kinh doanh quý 1/2015 của SAV như thế nào?

Quý 1 thường rơi vào mùa thấp điểm, trong khi đó công ty cũng đang cơ cấu lại hoạt động nên lợi nhuận sẽ chỉ đủ bù đắp chi phí.

Kế hoạch 2014 cao nhưng công ty lỗ, kế hoạch 2015 như thế nào để có lời?

Năm 2014 không đạt kết quả mong muốn do thiếu đơn đặt hàng và giá vốn hàng bán cao, chi phí bán hàng cũng cao hơn năm trước.

Để có lợi nhuận trong năm 2015 thì công ty phải tăng doanh số, giữ vững doanh số từ khách hàng Nhật. Tuy nhiên, thị trường Nhật không tốt những năm gần đây. Hàng tuần ban lãnh đạo có gặp khách hàng Nhật để duy trì đơn hàng. Ngoài ra công ty cũng phát triển thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Giảm giá vốn, giảm chi phí bán hàng bằng cách dời trụ sở từ quận 1 về quận 12 và cho thuê lại mặt bằng. Công ty cũng bán những chiếc xe. Giảm chi phí vận chuyển.

Chúng tôi tin chắc năm nay sẽ đạt lợi nhuận.

14h00: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 50 cổ đông đại diện cho 81.07% số cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Hợp tác Kinh tế và XNK Savimex (HOSE: SAV) tổ chức chiều ngày 03/04/2015

Người của E-Land và TCM lấn át hoàn toàn HĐQT

Còn nhớ, ĐHĐCĐ 2014 hồi tháng 4 năm ngoái của SAV “nóng” với việc E-Land bất ngờ “nhảy” vào trước thời điểm tổ chức Đại hội vài ngày khi nắm 24.33% vốn và đưa 2 đại diện vào HĐQT SAV là ông Kim Soung Gyu và ông Kim Huyn Jun.

Trước thềm Đại hội năm nay, ba vị là thành viên HĐQT kiêm TGĐ Bùi Ngọc Quới, thành viên HĐQT Nguyễn Minh Hảo và thành viên BKS Nguyễn Hữu Tuấn cũng xin từ nhiệm. Ứng với từng thời điểm, HĐQT SAV đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT khác là ông Kim Jung Heon và ông Lim Hong Jin. Hai vị này cũng lần lượt vào vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch thay thế ông Kim Soung Gyu và ông Trần Như Tùng.

Còn ông Lê Thành Phương (hiện là Trưởng phòng Nhân sự SAV) vào vị trí thành viên BKS.

Theo đó, Đại hội lần này sẽ thông qua việc từ nhiệm cũng như bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS thay thế trên.

Được biết, Chủ tịch Kim Jung Heon - sinh năm 1966, quốc tịch Hàn Quốc. Từ năm 1995-2001 ông công tác tại Công ty E-Land World, từ 2003-2009 tại E-Land Việt Nam và sau đó quay về E-Land World đến nay. Ông hiện cũng đang giữ chức Tổng giám đốc Công ty SY Vina và Thành viên HĐQT Dệt may Thành Công (TCM).

Còn Phó Chủ tịch kiêm tân Tổng giám đốc SAV (được bầu thay thế khi ông Quới từ nhiệm) là ông Lim Hong Jin – sinh năm 1966, quốc tịch Hàn Quốc. Ông Jin cũng gắn bó với E-Land từ năm 1992 đến tháng 1/2012. Còn từ tháng 2/2012 đến 10/2014, ông là Phó TGĐ Công ty SY Vina Việt Nam.

Đối với trường hợp ông Lee Jung Won, căn cứ tình hình thực tế của công ty và năng lực quản lý điều hành, HĐQT miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT. Và như vậy, nếu Đại hội lần này thông qua, HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 của SAV sẽ có 6 thành viên gồm:

  • Ông Kim Soung Gyu (Chủ tịch E-Land Việt Nam, Phó Chủ tịch SY Vina, Phó TGĐ Thành Công - TCM)
  • Ông Trần Như Tùng (Thành viên HĐQT TCM, Phó Chủ tịch Chứng khoán Thành Công - TCSC)
  • Ông Kim Jung Heon
  • Ông Lim Hong Jin
  • Ông Kim Huyn Jun - Phó TGĐ SAV (Công tác tại TCM, E-Land Fashion China)
  • Bà Huỳnh Thị Thu Sa

Còn Ban kiểm soát gồm:

  • Ông Kim Dong Ju (Phó Chủ tịch kiêm Phó TGĐ TCM)
  • Bà Phạm Thị Thanh Thủy
  • Ông Lê Thành Phương

Tại thời điểm cuối năm 2014, E-Land nắm giữ hơn 40 triệu cp SAV, tương ứng 40.60% vốn, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nắm gần 19 triệu cp, tỷ lệ 18.95%, còn lại là các cổ đông khác.

Ngoài SAV, E-Land còn nắm giữ hơn 21.2 triệu cp TCM, chiếm 43.22% vốn. Được biết, E-Land là tập đoàn toàn cầu và là công ty hàng đầu về thời trang và bán lẻ tại Hàn Quốc, sở hữu 99 nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, 5,000 cửa hàng bán lẻ và 12,600 nhân sự làm việc trong 17 công ty con. 

Vì sao 2014 bất ngờ lỗ gần 24 tỷ đồng?

Kết thúc năm 2014, SAV thực hiện được 694.6 tỷ đồng tổng doanh thu, vượt 18% kế hoạch, trong đó chiếm chủ yếu là xuất khẩu với 436 tỷ đồng, còn nội địa là 258 tỷ đồng. Doanh thu về kinh doanh địa ốc vẫn chiếm ưu thế với 158 tỷ đồng, tiếp theo là bao bì 58 tỷ đồng, đồ gỗ gần 38 tỷ đồng…

Tuy nhiên, do giá vốn chiếm 607 tỷ đồng và hoạt động khác âm 6 tỷ đồng nên SAV bị lỗ ròng gần 24 tỷ đồng, cách xa so con số kế hoạch lãi 7 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức 25% cũng đành gác lại. Cổ phiếu SAV cũng bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 02/04/2015.

Một số chỉ tiêu qua các năm gần đây của SAV (Đvt: Triệu đồng)

Theo ban lãnh đạo SAV, do ảnh hưởng chính sách tăng thuế tiêu dùng và dự báo khả năng giảm phát ở Nhật nên đơn hàng năm 2014 gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán giá. Chi phí tiền lương năm qua tăng do chính sách điều chỉnh lương cơ bản làm ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất và chi phí đầu vào. Đồng thời, công ty cũng tốn nhiều chi phí cho việc giải quyết thủ tục khách hàng và các dự án bất động sản đã hoàn thành kinh doanh trước đây. Cuối cùng, thị trường đồ gỗ bán lẻ tiêu thụ yếu, hàng công trình cạnh tranh giá gay gắt… là những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của SAV suy yếu.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn có thể thấy, hoạt động kinh doanh của SAV bắt đầu lao dốc từ năm 2010 khi lợi nhuận giảm dần đều và năm 2014 lỗ là điều không khó đoán.

Ngoài ra, tại báo cáo tài chính kiểm toán 2014, đơn vị kiểm toán lưu ý, SAV thực hiện phân bổ lãi vay cho các khoản vay nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động là gần 5 tỷ đồng và phân bổ vào các dự án là 5.3 tỷ đồng.

Theo giải trình của SAV, lĩnh vực hoạt động của công ty là sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ; bất động sản. Trong năm 2014 công ty có thực hiện vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và dự án. Quá trình sử dụng vốn không thể phân định rõ ràng vì có sự biến động về sử dụng vốn thay đổi liên tục nên công ty phân bổ một phần chi phí lãi vay như trên vào hoạt động dự án. Hiện tại, do tình hình bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, các dự án dở dang triển khai chậm. Khi dự án hoàn thành, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu đơn vị sẽ kết chuyển lãi lỗ theo quy định.

Kế hoạch 2015 vẫn chưa xóa được lỗ lũy kế

Theo ban lãnh đạo nhận định, ngoài tình hình kinh tế vĩ mô tích cực, năm 2015 SAV “cũng hứa hẹn nhiều thuận lợi”. Cụ thể, công ty đã hoàn thành dự án đầu tư thay thế máy móc thiết bị, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, lựa chọn khách hàng, thị trường… Điều chỉnh giá bán sản phẩm hàng xuất khẩu đối với khách hàng lâu năm từ 3-7%. Sửa chữa và điều chỉnh các lỗi, các điểm yếu trong năm 2014.

Đối với mảng bất động sản (Savihomes), Công ty tiếp tục thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tại dự án khu dân cư Phú Thuận, Bình Trị Đông, Tân Thới Hiệp. SAV cũng tìm kiếm khách hàng thuê tòa nhà 194 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM. Đối với dự án Phú Mỹ, phối hợp với CTCP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan để hoành thành kế hoạch thu tiền và doanh thu theo hợp đồng đã ký. Công ty cũng hoàn tất việc kinh doanh khu thương mại còn lại tại chung cư Ngọc Lan và thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư dự án Đào Trí.

Theo đó, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 730 tỷ đồng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu 562 tỷ đồng, doanh thu nội địa 168 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 13.8 tỷ đồng, trong đó văn phòng công ty dự kiến âm 18 tỷ đồng. Lãi sau thuế hợp nhất là 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vừa mới được HĐQT thay đổi hồi tháng 3 đồng thời với thay đổi Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Theo kế hoạch trước đó, SAV đặt kế hoạch doanh thu là 742.6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.5 tỷ đồng.

Công ty cho biết không phân phối lợi nhuận 2015 do dự kiến lợi nhuận sau thuế lũy kế vẫn còn âm gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vào đó, HĐQT SAV đề xuất phát hành cổ phiếu thưởng 6%, tương ứng 574,060 cp nguồn lấy từ thặng dư cổ phần cuối 2014 là 144 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thêm là 105 tỷ đồng.

Kế hoạch lãi trước thuế của các đơn vị trong 2015

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   NNG: Báo cáo tài chính năm 2014 (Công ty mẹ) (03/04/2015)

>   IHK: Báo cáo tài chính năm 2014 (03/04/2015)

>   LKW: Báo cáo thường niên 2014 (03/04/2015)

>   ABI: Lãi sau thuế 2014 đạt hơn 115 tỷ đồng (03/04/2015)

>   SDH: Báo cáo tài chính năm 2014 (Công ty mẹ) (03/04/2015)

>   SSG: Báo cáo tài chính năm 2014 (03/04/2015)

>   ACB: Thông báo về việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2015 (03/04/2015)

>   KTS: Báo cáo tài chính năm 2014 (03/04/2015)

>   NMK: Báo cáo tài chính năm 2014 (03/04/2015)

>   FLC tiếp tục đầu tư trên 2,300 tỷ đồng vào KCN Hoàng Long tỉnh Thanh Hóa (03/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật