[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ NamABank: Sẽ niêm yết vào quý 3/2015
ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) tổ chức vào sáng ngày 17/04 đã thông qua kế hoạch năm 2015 với lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng, tiếp tục tăng vốn lên 4,000 tỷ và sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán.
* Ngân hàng Nam Á xếp thứ hai về chi trả cổ tức tại khu vực TPHCM
Ngân hàng Nhà nước lý giải về việc can thiệp vào chi trả cổ tức
12h50: Ý kiến của đại diện NHNN
Năm 2014, NHNN ghi nhận hoạt động của NamABank khẳng định từng bước đi lên trong bối cảnh nền kinh tế vừa qua khi hệ thống ngân hàng tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng. Trong đó NHNN phải áp dụng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Đại diện từ NHNN cho biết NamABank có được 5 kết quả đáng ghi nhận, theo xu hướng tăng giảm tích cực. (1) Tất cả chỉ tiêu không những tăng so với năm 2013 mà còn khá cao so với kế hoạch năm 2014 và cao hơn mức tăng trưởng bình quân trên địa bàn TPHCM; (2) Đảm bảo chỉ tiêu an toàn hoạt động, nợ xấu dưới 3%; (3) Năng lực quản trị điều hành đã được chú trọng và nâng cao; (4) Phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch; (5) Lợi nhuận tăng trưởng và chia cổ tức.
Đặc biệt, thành tích của NamABank và cũng là trăn trở của cổ đông là việc chia cổ tức và phân phối lợi nhuận năm 2014. Bức xúc của cổ đông là có cơ sở khi NHNN can thiệp chi tiết vào việc chia cổ tức. Tuy nhiên, NHNN mong cổ đông hiểu và chia sẻ với 3 nguyên nhân chính:
(1) Về cơ sở pháp lý, theo điều 59 Luật các TCTD ghi nhận cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức. Tuy nhiên, theo Luật NHNN, NHNN có thể áp dụng một số biện pháp, trong đó có liên quan đến việc chia cổ tức của TCTD vì an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vị này cho biết NHNN không vượt quyền mà có cơ sở pháp lý khi can thiệp vào vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo Đề án tài cơ cấu các TCTD đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, các TCTD phải thực hiện tái cơ cấu, đảm bảo năng lực tài chính, trong đó lợi nhuận giữ lại cũng là một hình thức tăng vốn để nâng cao năng lực quản trị điều hành.
Thêm vào đó, sự ra đời của Thông tư 02 nhằm triệt để xử lý nợ xấu, yêu cầu các TCTD trích lập dự phòng rủi ro, dùng lợi nhuận giữ lại để nâng cao năng lực tài chính.
(2) Về nội tại hoạt động, NamABank phải đặt an toàn cho ngân hàng lên trên hết, nâng cao năng lực tài chính, an toàn vốn, nếu có rủi ro thì còn có nguồn để xử lý. Cổ tức NamABank là 4% trong khi nhiều TCTD không chia cổ tức (trên địa bàn TPHCM, NamABank đứng thứ hai trong việc chia cổ tức, có ngân hàng chia 3%, 1.5%... hay có ngân hàng 3 năm nay không chia đồng nào), NamABank khá hơn rất nhiều ngân hàng khác. NamABank đã làm rất nhiều để trả mức cổ tức này.
(3) NHNN đứng ở góc độ hài hòa mọi lợi ích trong tổng thể các mối quan hệ kinh tế khi năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2015 là năm then chốt để hoàn thành tái cơ cấu. NHNN cho biết năm 2015 là năm cuối kết thúc quá trình tái cơ cấu nhằm hoạt động an toàn và hiệu quả. Riêng NamABank đã đi đúng hướng tái cơ cấu, chỉ tiêu năm 2015 của Ngân hàng là khá cao, tuy nhiên với các giải pháp đưa ra, NHNN cho rằng NamABank sẽ thành công.
12h45: Đại hội kết thúc và thông qua tất cả các tờ trình.
11h00: Đại hội thảo luận.
Trong năm 2014, NamABank tương đối hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh nên về vấn đề cổ tức, NHNN không nên can thiệp quá chi tiết. Tỷ lệ nợ xấu nên đặt mục tiêu dưới 2%? Lý do ông Vũ từ nhiệm là gì? Tái cơ cấu và sáp nhập ngân hàng như thế nào?
Ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, điều hành 2014 cũng là thắng lợi của ngân hàng về các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh. Về cổ tức, HĐQT từng đưa ra đề xuất cổ đông lớn nhận cổ tức 4% và cổ đông nhỏ lẻ nhận 9%, tuy nhiên xét về góc độ chung NHNN đã có điều chỉnh phù hợp. Vấn đề này đại diện từ NHNN sẽ trả lời cổ đông.
NamABank không nằm ngoài vòng xoáy tái cơ cấu hiện nay, Ngân hàng đã làm hết sức và được NHNN cho phép tự tái cơ cấu. Ông Vũ khẳng định NamABank đang đi đúng lộ trình.
Về tỷ lệ nợ xấu, NamABank vẫn đang kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu.
Về lý do xin miễn nhiệm tại NamABank, ông Vũ chia sẻ, việc nhân sự cấp cao của các ngân hàng di chuyển qua tổ chức khác là chuyện bình thường hiện nay. Được sự tín nhiệm cũng như lời mời của nhà đầu tư và ngân hàng bạn nên ông Vũ đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới.
Nếu trong thời gian tới được NHNN cho phép sáp nhập thì vấn đề này sẽ do cổ đông quyết định do NamABank không thuộc diện bắt buộc tái cơ cấu. HĐQT NamABank cam kết sẽ tránh tổn thất cho cổ đông.
Người của NamABank ứng cử HĐQT Eximbank
10h40: NamABank trình cổ đông về việc thay đổi nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát.
Đại diện NamABank trình đại hội thông qua việc chấp thuận cho ông Trần Ngô Phúc Vũ miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT và ông Trần Ngọc Dũng miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2011-2016 (HĐQT đã có quyết định chấp thuận ngày 16/03/2015).
Được biết, ông Trần Ngô Phúc Vũ được đề cử vào HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (EIB) nhiệm kỳ mới vào ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.
Đồng thời, NamABank dự kiến bầu bổ sung 2 người vào HĐQT và 2 người vào Ban kiểm soát. Do không có cổ đông nào nộp hồ sơ ứng cử, đề cử nên HĐQT NamABank đã họp và thống nhất đề cử 1 ứng viên vào HĐQT và 1 ứng viên vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2011-2016 và giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT là 6 người và thành viên Ban kiểm soát là 3 người.
Ứng viên vào HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú – Tổng giám đốc NamABank. Ứng cử viên tham gia vào Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thùy Vân – Phó Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ NamABank.
10h20: Chia sẻ bên lề đại hội, ông Trần Ngọc Tâm - Nguyên Phó Tổng giám đốc NamABank cho biết Ngân hàng dự kiến niêm yết vào quý 3/2015.
9h40: Người viết điểm qua một số sự kiện đáng chú ý về NamABank từ năm 2014 đến nay.
Ngày 14/04/2015: NamABank thông báo chào bán 100 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:3.33 với giá 10,000 đồng/cp. Ngày chốt danh sách phân bổ quyền mua là 24/04/2015.
Ngày 04/04/2015: Bà Lương Thị Cẩm Tú - Phó Tổng Giám đốc thường trực giữ chức Tổng Giám đốc NamABank kể từ ngày 04/04/2015.
Ngày 03/04/2015: Ông Trần Ngô Phúc Vũ thôi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc NamABank kể từ ngày 02/04/2015.
Ngày 26/03/2015: Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT - ông Trần Ngô Phúc Vũ và Nguyên Phó Tổng giám đốc NamABank - ông Trần Ngọc Tâm được đề cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới (2015-2020) với tổng cộng hơn 20% tổng cổ phần có quyền biểu quyết.
Ngày 07/01/2015: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận việc NamABank tăng vốn điều lệ từ 3,000 tỷ đồng lên 4,000 tỷ đồng.
Ngày 27/03/2014: Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, NamABank đón Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Quốc Toàn (Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu) thay bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
* Bí ẩn thâu tóm Eximbank dần hé mở
* Sếp Tổng và Phó của NamABank được đề cử vào HĐQT Eximbank
09h05: Đại hội bắt đầu, bà Lương Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc NamABank trình cổ đông kết quả kinh doanh năm 2014 và kế hoạch hoạt động năm 2015.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của NamABank diễn ra tại TPHCM sáng ngày 17/04/2015
|
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Kế hoạch lãi trước thuế 2015 đạt 360 tỷ đồng, tăng gần 50%
Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, NamABank trình cổ đông thông qua chỉ tiêu tổng tài sản ở mức 40,000 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm trước. Huy động tiền gửi và dư nợ cho vay tăng lần lượt 16% và 26%, đạt 23,500 tỷ và 21,000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận kế hoạch năm 2015 của NamABank đạt 360 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014.
Đặc biệt là việc thực hiện niêm yết cổ phiếu NamABank trên sàn chứng khoán nhằm tạo điều kiện, cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư, gia tăng quyền lợi cho các cổ đông Ngân hàng. NamABank cho biết đã đủ điều kiện và đang tiến hành các thủ tục để được NHNN và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép niêm yết trên sàn chứng khoán.
NamABank nhận định hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán năm 2015 là thời cơ lớn, tạo ra lợi nhuận đột phá nên sẽ trình đại hội thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp (bao gồm các TCTD), quỹ đầu tư, dự án, góp vốn liên doanh, thành lập công ty trực thuộc.
Trong năm 2015, NamABank dự kiến phát triển thêm 9 điểm giao dịch gồm 5 chi nhánh và 4 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch đến cuối năm 2015 lên 69 điểm.
Ngoài ra, NamABank tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4,000 tỷ đồng và sẽ hoàn tất sau khi được UBCKNN chấp thuận. NamABank cho biết khối lượng vốn cần huy động là 1,000 tỷ đồng dùng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến thương hiệu, mua sắm tài sản cố định, thành lập công ty trực thuộc và phát triển các sản phẩm tín dụng.
NamABank sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2011-2016. Ứng viên vào HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú –Tổng giám đốc và ứng viên tham gia vào Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thùy Vân – Phó Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ NamABank.
Về kết quả đạt được trong năm 2014, tổng tài sản của NamABank tính đến cuối năm đạt 37,293 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm. Huy động vốn và dư nợ cho vay của NamABank đạt 33,481 tỷ và 16,629 tỷ đồng, tăng 49% và 44% so với đầu năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu là 1.4%.
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng 32% lên 242 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 4%, tương đương 120 tỷ đồng.
Minh Hằng
|