[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ KSA: Kế hoạch HĐQT cũ là quá tham vọng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE:KSA) sáng ngày 20/04, bà Phạm Thị Hinh - Chủ tịch HĐQT KSA nhìn nhận kế hoạch doanh thu 1,000 tỷ đồng và lãi 100 tỷ đồng mà HĐQT cũ đã thông qua là quá tham vọng.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ bất thường cuối năm 2014, cổ đông đã thông qua phương án kinh doanh 2015 mà HĐQT cũ đưa ra là 1,000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Còn tại ĐHĐCĐ thường niên lần này, chỉ tiêu kinh doanh 2015 được trình cổ đông theo chiều hướng giảm mạnh, với doanh thu thuần 150 tỷ đồng và lãi ròng 30 tỷ đồng.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hinh – Chủ tịch HĐQT KSA (được bầu giữ chức chủ tịch từ 26/03/2015) cho biết, với mỗi giai đoạn lãnh đạo công ty có những chiến lược khác nhau, ở giai đoạn đề ra kế hoạch doanh thu 1,000 tỷ đồng, HĐQT có cân nhắc và kỳ vọng cao ở mảng thương mại bất động sản và đầu tư các lĩnh vực khác ngoài mảng kinh doanh cốt lõi.
Khi tiếp quản KSA, bà Hinh nhận thấy kế hoạch được HĐQT cũ đề ra là tham vọng quá cao và khó có khả năng thực hiện. Theo quan điểm của HĐQT mới, KSA nên tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh cốt lõi là khai thác và chế biến titan. Không đầu tư ngoài ngành vào bất động sản, do đó kế hoạch kinh doanh cũng có những thay đổi nhất định.
KSA sẽ liên kết với Đầu tư Sài Gòn, thông qua hợp tác với đơn vị này thì nguồn nguyên liệu cho giai đoạn 2015-2020 sẽ ổn định. Sau giai đoạn này, KSA mới tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh.
12h05: Đại hội thông qua các báo cáo và các tờ trình.
11h50: Ông Lê Đức Huy đọc biên bản kiểm phiếu bầu thành viên HĐQT và BKS
Theo đó, tất cả các thành viên tham gia ứng cử HĐQT và BKS đều trúng cử cho nhiệm kỳ mới 2015-2019. HĐQT mới cũng thống nhất bầu bà Phạm Thị Hinh làm Chủ tịch HĐQT và BKS bầu bà Trần Thị Kim Thu làm Trưởng ban kiểm soát.
HĐQT và BKS mới nhiệm kỳ 2015-2019 ra mắt cổ đông.
|
10h30: Đại hội thảo luận
Thoái vốn khỏi CTCP Bảo Thư (HNX:BII) ghi nhận lợi nhuận bao nhiêu? Kết quả kinh doanh quý 1/2015 như thế nào? Và nhờ vào mảng hoạt động nào là chính?
Doanh số đạt được trong quý 1/2015 là 65 tỷ đồng. Còn phần lãi thu được từ BII là 920 triệu đồng thông qua chuyển nhượng cổ phần của CTCP Bảo Thư.
Hiệu quả của một công ty cổ phần là phục thuộc vào Ban lãnh đạo. Nhìn ra các công ty nước ngoài thì Ban lãnh đạo hầu hết có sở hữu cổ phiếu, vậy có thể cho biết Ban lãnh đạo KSA có sở hữu cổ phiếu không và tỷ lệ bao nhiêu?
Hiện các thành viên HĐQT sở hữu cổ phần theo hình thức gián tiếp, HĐQT KSA sẽ xem xét nắm giữ trực tiếp trong thời gian tới.
Tại ĐHĐCĐ bất thường 2014, KSA có phương án tái cấu trúc 2014 vậy tại sao hủy phương án bất thường?
Do trong quá trình hợp tác, các cổ đông chiến lược gặp phải vấn đề pháp lý nên chưa thể hợp tác được. KSA tạm thời dừng hợp đồng này để hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn nhằm đầu tư dự án trong giai đoạn chờ đợi.
Chiến lược được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường là đầu tư vào các mỏ và titan. Tuy nhiên, theo nhìn nhận thị trường, HĐQT nhận thấy nên tập trung vào các sản phẩm titan, đây là mảng chiến lược của công ty trong năm 2015.
Đến năm 2016 mới chia cổ tức
Kế hoạch chia cổ tức 2014 như thế nào? Kế hoạch tăng vốn có phần thanh toán tiền thuê đất cho BII, phần liên quan đến phát hành cho ông Dũng (hiện là thành viên của BII) là 8 triệu cp vậy có phải cấn trừ tiền thuê đất không?
Do hiện tại cần huy động vốn trên thị trường để xây nhà máy và thực hiện các dự án nên công ty chưa thể chi trả cổ tức năm 2014. Dự kiến năm 2016 công ty sẽ trả cổ tức.
Việc phát hành cổ phiếu cho ông Dũng chỉ là phát hành cho cá nhân, chứ BII là tổ chức nên không có gì khác biệt. Mâu thuẫn giữa cá nhân và công ty sẽ không có.
Dự án nhà máy chế biến sâu titan có thời gian khởi công, địa điểm nhưng không đề cập đến thời điểm hoàn thành. Vậy đến bao giờ sẽ hoàn thành?
Nhà máy xỉ titan đã được khởi công từ đầu năm 2015 với hai giai đoạn. Dự kiến 2016 hoàn thành xây dựng và sản phẩm đưa ra thị trường trong quý 3/2016.
10h15: Ông Võ Phương Lâm – Thành viên HĐQT giới thiệu dự án khai thác mỏ titan-zircon khu vực Long Sơn – Suối Nước.
Theo ông Lâm, tổng trữ lượng khai thác dự tính 378,994 tấn trên tổng diện tích 156.4 ha. KSA dự kiến hợp tác hoặc đầu tư vốn với công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn vào dự án này 150 tỷ đồng.
10h10: Bà Phạm Thị Hinh – Chủ tịch HĐQT đọc tờ trình phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo đó, KSA sẽ phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 1,044 tỷ đồng.
Đáng chú ý, KSA sẽ hủy phương án tái cấu trúc và phương án phát hành riêng lẻ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 12/11/2014 và hủy phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 26/04/2014 nhằm tập trung vào hoạt động cốt lõi là chế biến sâu các sản phẩm titan.
Bầu mới toàn bộ Thành viên HĐQT và BKS
10h00: Đại diện công ty lên đọc tờ trình miễn nhiệm và bầu thay thế HĐQT – BKS
Theo đó, KSA sẽ thay mới tất cả các thành viên trong HĐQT và BKS.
Các thành viên HĐQT cũ gồm:
- Ông Nguyễn Văn Hoàng
- Ông Phạm Ngọc An
- Ông You Shen Sen
- Ông Võ Hữu Tuấn
- Ông Vũ Tuấn Hưng
- Hoàng Đức Hải
- Nguyễn Văn Phú
Thành viên BKS cũ gồm:
- Ông Tăng Kỳ Anh
- Ông Lê Văn Hạp
- Ông Nguyễn Hoàng Vũ
Các thành viên tham gia ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2019:
- Bà Phạm Thị Hinh
- Ông Hoàng Đình Kế
- Ông Võ Phương Lâm
- Ông Lâm Hoàng Giang
- Ông Phạm Quốc Tuệ
Các thành viên ứng cử vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới:
- Bà Trần Thị Kim Thu
- Ông Nguyễn Đình Trường
- Ông Trần Kiên Cường
9h35: Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc công ty đọc báo cáo kết quả năm 2014 và định hướng kinh doanh năm 2015.
Ông Minh cho biết, hiện tại, Châu Á tiếp tục là khu vực tiêu thụ titan lớn nhất thế giới với 38% tổng cầu thế giới. Dự đoán trong năm 2015, nhu cầu về sản phẩm titan tăng và chạm mức 8.4 triệu tấn. Đây sẽ là những điểm thuận lợi cho hoạt động của KSA trong lĩnh vực khai thác titan.
9h00: Đại hội bắt đầu với 74 cổ đông tham dự, tương ứng 69.26% số cổ phần có quyền biểu quyết.
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của KSA.
|
Trong năm 2015, KSA đề ra kế hoạch tập trung mọi nguồn lực vào ngành chế biến sâu titan, trọng điểm là nhà máy chế biến xỉ titan; hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến xỉ titan, công suất 30,000 tấn/năm đi vào hoạt động và tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 để nâng công suất lên 60,000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, KSA cũng tập trung vào chiến lược sở hữu mỏ titan, không những cho một nhà máy mà phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào cho cả chuỗi liên hợp từ mỏ, khai thác mỏ đến 2 nhà máy chế biến xỉ titan với tổng công suất 120,000 tấn/năm, nhà máy Pigment & nano Titan.
Trên cơ sở đó, HĐQT KSA trình cổ đông thông qua mức kế hoạch doanh thu thuần 150 tỷ đồng và lãi ròng 30 tỷ đồng, lần lượt tăng 67% và 11% so với kết quả năm 2014.
Kết thúc năm 2014, KSA thu về 69.3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.2 tỷ đồng.
Song, phương án chia cổ tức 2014 và 2015 đều không thấy HĐQT trình Đại hội lần này.
Phát hành 67 triệu cp để tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng
HĐQT cũng thống nhất trình ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn điều lệ từ gần 374 tỷ đồng lên hơn 1,000 tỷ đồng.
Cụ thể, phát hành cho cổ đông hiện hữu hơn 56 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 2:3, cổ phiếu sau phát hành được chuyển nhượng tự do.
Sau đó, KSA sẽ phát hành tiếp 11 triệu cổ phiếu cho hai đối tác chiến lược là ông Nguyễn Văn Dũng – Nguyên chủ tịch của KSA (8 triệu cổ phiếu) và CTCP Quản lý quỹ Vinawealth (3 triệu cổ phiếu). Và số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Hiện ông Dũng đang nắm gần 1.5 triệu cổ phiếu KSA, tương ứng 3.62% vốn.
Dự kiến thực hiện trong năm 2015, tuy nhiên, trường hợp trong năm 2015, công ty không thực hiện được việc phát hành do tình hình thị trường vốn khó khăn thì sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo để thực hiện dự án.
Số vốn thu được sẽ dùng để hợp tác hoặc đầu tư vốn với Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khai thác Mỏ Titan – Zircon khu vực Long Sơn – Suối Nước phường Mũi Né, Thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận; xây dựng giai đoạn 1 nhà máy chế biến Titan tại Bình Thuận công suất 60,000 tấn/năm; tiến hành các thủ tục xin phép cấp mỏ Titan - Zircon khu vực Suối Nhum - xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - và chuẩn bị nguồn lực thực hiện giai đoạn 1 của dự án; thanh toán tiền thuê đất cho CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII); bổ sung vốn lưu động và xin cấp phép mỏ khai thác.
Duy Hoàng
|