Thứ Năm, 23/04/2015 17:24

ĐHĐCĐ CHP: Cổ đông bức xúc kế hoạch ESOP, HĐQT rút tờ trình

Sáng ngày 23/04, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Thủy điện Miền Trung (HNX: CHP), nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc về kế hoạch phát hành 3.5 triệu cổ phiếu dành cho cán bộ công nhân viên (ESOP) khiến HĐQT phải rút tờ trình này.

Hủy bỏ phương án phát hành ESOP

HĐQT trình cổ đông phương án tăng vốn đều lệ thêm 95 tỷ đồng lên mức 1,295 tỷ đồng để thực hiện trả nợ cho các nhà thầu. Trong đó, phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5%, tương ứng 60 tỷ đồng, và phát hành 3.5 triệu cổ phiếu, tương ứng 35 tỷ đồng, cho cán bộ công nhân viên – HĐQT – BKS. Giá phát hành cổ phiếu ESOP là 10,000 đồng/cp.

Trước phương án phát hành này, rất nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc như: Phát hành cho những ai? Tiêu chí phát hành là gì, và nếu chỉ phát hành cho HĐQT và BKS thì 3.5 triệu cổ phiếu này chia cho HĐQT và BKS thì quá nhiều. Thêm vào đó, nhiều thành viên HĐQT-BKS từ trước đến nay chưa đóng góp cổ phần nào cho công ty hay nếu đóng góp cũng rất ít từ ban đầu, vậy nếu được hưởng quyền lợi như hiện tại vậy có hợp lý không? Các thành viên HĐQT-BKS là người đại diện phần vốn của nhà nước ở công ty, đã được hưởng các quyền lợi và lợi ích từ tổng công ty, vậy không nên phát hành cho các thành viên này nữa. Công ty nên chú ý đến các cổ đông đã gắn bó từ đầu, công ty đi lên là từ các cổ đông này và đây là gốc của công ty...

Đại diện Ban chủ tọa, ông Trương Công Giới - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty trả lời, việc phát hành là phù hợp, đúng Luật và sẽ tạo thêm sự gắn kết giữa người lao động với công ty, giúp công ty có kết hoạch phát triển lâu dài. HĐQT cũng mời công ty tư vấn SSI lên giải thích thêm một số vấn đề liên quan về tính pháp lý, người được thụ hưởng,...

Tuy nhiên, các cổ đông vẫn có ý kiến cho rằng việc phát hành chưa thỏa đáng, người lao động sẽ không bao gồm HĐQT và BKS.

Cuối cùng, HĐQT đã rút tờ trình phát hành cổ phiếu theo dạng ESOP. Như vậy, kế hoạch tăng vốn điều lệ chỉ còn 60 tỷ đồng trả cổ tức với tỷ lệ 5%. Sau phát hành vốn điều lệ của CHP là 1,260 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CHP

Kế hoạch doanh thu – lợi nhuận 2015 suy giảm

Quý 1/2015 đạt 44% kế hoạch lợi nhuận năm

CHP công bố kết quả kinh doanh quý 1/2015 với doanh thu gần 174 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 79 tỷ đồng, tăng lần lượt 51% và 212% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của công ty, doanh thu tăng do đã điều chỉnh giá bán điện bình quân từ 804.3 đồng/kWh lên 926.33 đồng/kWh, điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng nước về hồ nhiều nên sản lượng phát điện gia tăng. Bên cạnh đó, chi phí trong kỳ không có biến động lớn giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng tốt.

Với mức lợi nhuận thu được trong quý 1, công ty đã thực hiện được 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà HĐQT đưa ra (180.4 tỷ đồng).

Năm 2015, CHP đặt kế hoạch sản lượng điện sản xuất 589,454 triệu kWh, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2014. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm 583,560 triệu kWh. Kế hoạch tổng doanh thu hơn 605 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện 597.3 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 180.4 tỷ đồng, đều suy giảm so với thực hiện năm 2014; cổ tức dự kiến 12-14%.

Trước kế hoạch này, cổ đông có ý kiến tại sao sản lượng gia tăng nhưng doanh thu và lợi nhuận lại suy giảm so với thực hiện năm 2014? Ông Giới cho biết, vấn đề thủy văn quyết định khá nhiều đến kế hoạch sản lượng. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra dựa vào giá bán hợp đồng kết hợp với mức sản lượng. Do rủi ro thị trường và giá bán điện có sự thay đổi nên kế hoạch mang tính thận trọng hơn. Nếu diễn biến giá tốt, CHP có thể vượt kế hoạch, còn kế hoạch 2015 đưa ra là đúng theo con số giá bán hợp đồng.

Trong năm 2015, CHP đưa ra một số mục tiêu như khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công dự án mới với giá trị sản lượng khoảng 10 tỷ đồng. Lập phương án trồng rừng trong phạm vi đất bán ngập lòng hồ thủy điện A Lưới khoảng 80 triệu đồng. Các hỗ trợ, giấy chứng nhận, thiết kế, trồng rừng bảo vệ dự án A Lưới khoảng 6,675 tỷ đồng.

Ngoài ra, CHP lên kế hoạch tiếp cận các chính sách, chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tiếp cận thị trường bán buôn từ năm 2015; nghiên cứu đầu tư dự án Đăk Drinh2, Đăk Rông 4; chuẩn bị đủ điều kiện để đưa dựa án thủy điện Đăk Drinh2 khởi công trong mùa khô 2016.

Với những mục tiêu này, cổ đông muốn biết hiện tại hồ chứa của CHP như thế nào? Và trữ lượng nước ra sao? Thay mặt Ban chủ tọa, ông Giới cho biết, hiện CHP có hồ chứa nước A Lưới, hồ này không lớn, dung tích chỉ 60 triệu m3 và dung tích hữu ích có 24 triệu m3. Nếu không có nước về thì lượng nước trữ trong hồ cũng chỉ có thể dùng được trong 7 ngày. Do đó, CHP phải đưa ra các dự báo về lượng nước để có thể đưa giá bán cạnh tranh nhất.

Năm 2014 vừa qua, CHP thu về 641.5 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 213 tỷ đồng, vượt lần lượt 22% và 85% so với kế hoạch đề ra; cổ tức 14%, trong đó 9% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu (dự kiến phát hành trong quý 2/2015).

Chiến lược tới năm 2020 lãi ròng đạt hơn 429 tỷ đồng

Bên cạnh xây dựng kế hoạch năm 2015, HĐQT cũng xây dựng kế hoạch 5 năm. Trong đó, đến năm 2020 lãi ròng của CHP sẽ đạt hơn 429 tỷ đồng, tương ứng với mức sản lượng điện thương phẩm gần 804 triệu kWh. Tuy nhiên điểm đáng chú ý trong kế hoạch là lãi ròng năm 2018 bất ngờ suy giảm sau ba năm tăng trưởng trước đó. Mức lãi ròng năm 2018 chỉ 207 tỷ đồng, giảm gần 32% so với năm 2017. Trong khi đó, giai đoạn này nhà máy Đăk Drinh2 cũng đã đi vào hoạt động.

Giải thích về vấn đề này, ông Giới cho biết, chiến lược phát triển của công ty từ 2015-2020 theo nguyên lý tính toán dựa trên thủy văn 27 năm mà tổ tư vấn thiết kế  đã tư vấn, trên cơ sở nghiên cứu kết hợp quan trắc để đưa vào tính toán, những con số này theo Ban lãnh đạo nhận thấy là hợp lý (dự kiến sản lượng 2018 suy giảm làm lãi ròng suy giảm).

Bảng kế hoạch cho giai đoạn 2015-2020 của CHP

Trong chiến lược 2015-2020, kế hoạch sản lượng điện trung bình nhiều năm thiết kế đạt 649 triệu kWh, phấn đấu trở thành đơn vị bán buôn điện và ký hợp đồng bán/mua buôn điện song phương với đơn vị mua/bán điện trong năm 2017-2019. Đầu tư hai hoặc ba dự án thủy điện thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Cuối đại hội, các cổ đông thông qua các báo cáo và tờ trình còn lại được HĐQT đưa ra. Bên cạnh đó, thông qua thành viên HĐQT-BKS nhiệm kỳ 2015-2020. Cụ thể:

HĐQT sẽ có thêm hai thành viên mới để đảm bảo đủ ít nhất 1/3 số thành viên độc lập có mặt. Danh sách HĐQT mới bao gồm các thành viên:

  • Ông Nguyễn Tuấn Anh
  • Ông Nguyễn Danh Duyên
  • Ông Trương Công Giới
  • Ông Lê Kim Hùng
  • Ông Phạm Ngọc Lễ
  • Ông Nguyễn Hữu Phương
  • Ông Nguyễn Hữu Tâm (Bầu mới)
  • Ông Hồ Quốc Việt (Bầu mới)

BKS bao gồm các thành viên:

  • Ông Thanh Thanh Hà
  • Ông Nguyễn Thành Sơn (Thay thế cho ông Ngô Tấn Hồng)
  • Ông Trần Văn Thương

Triệu Linh

Các tin tức khác

>   DPM: Báo cáo về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn (23/04/2015)

>   PPC: Kế hoạch lãi giảm 45%, chỉ còn 710 tỷ đồng (24/04/2015)

>   GIL: Quý 1 lãi ròng 8 tỷ đồng, giảm 16% (01/05/2015)

>   SSM: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (23/04/2015)

>   S12: Báo cáo thường niên năm 2014 (23/04/2015)

>   TNC: BCTC quý 1 năm 2015 (23/04/2015)

>   SCJ: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (23/04/2015)

>   VNL: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (23/04/2015)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tại ngày 22/04/2015 (23/04/2015)

>   VIP: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (23/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật