Thứ Bảy, 11/04/2015 15:06

ĐHĐCĐ C21: Cổ đông kịch liệt phản đối cuộc “trốn chạy thị trường”

Từ những cổ đông lớn như Vietnam Property Holding (sở hữu hơn 19%), Mutual Fund Elite (Non-Ucits) (hơn 6%) cho đến những cổ đông nhỏ lẻ tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CTCP Thế kỷ 21 (HOSE: C21) đều kịch liệt phản đối phương án hủy niêm yết mà HĐQT C21 đã đưa ra.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 của C21 tổ chức sáng ngày 11/04 đã rất "nóng" với phương án hủy niêm yết được đưa ra.

Cuộc “trốn chạy thị trường” của C21

Tại đại hội, HĐQT C21 trình cổ đông phương án sẽ rời sàn một thời gian, khi thuận lợi sẽ đăng ký niêm yết trở lại.

Lý do HĐQT đưa ra là trong hơn 4 năm niêm yết, C21 không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn. Giá hiện tại của cp C21 rất thấp, nếu phát hành số lượng vài triệu cp thì giá sẽ xuống thấp hơn nữa.

Ngoài ra, hiện có một số cổ đông cần tiền hoặc không muốn nắm giữ cp C21, muốn công ty mua lại cp với giá cao hơn giá thị trường và số cổ đông không có nhu cầu bán cp không thiết tha việc giao dịch cp trên sàn, muốn công ty rời sàn và trở lại mua/bán cp như trước khi niêm yết. 

Theo phương án mua lại cổ phiếu, C21 sẽ dùng tổng quỹ để mua lại 4.8 triệu cp với mức giá 22,000 đồng/cp, trong đó HĐQT được quyết định mua lại 200,000 cp của cổ đông nhỏ lẻ.

Song, kế hoạch này đã vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối của các cổ đông tham dự đại hội. Ông Louis T. Nguyễn, đại diện vốn góp của Vietnam Property Holding, cho biết quyết định đầu tư 5 triệu USD vào C21 vì nhìn thấy tiềm năng phát triển của Công ty cùng với nhiều quỹ đất rất tốt. Tuy nhiên, việc C21 quyết định hủy niêm yết hôm nay sẽ trở thành một tiền lệ để nhà đầu tư nước ngoài đánh giá vào thị trường chứng khoán Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định rút tiền ra hay đổ vào thị trường Việt Nam.

Do đó, ông Louis T. Nguyễn kêu gọi “xin vui lòng đừng bỏ phiếu thuận!”.

Còn đại diện quỹ đầu tư Mutual Fund Elite cho rằng, phương án hủy niêm yết của C21 là bước lùi, kém minh bạch. Việc giá cổ phiếu giao dịch thấp hơn giá trị thực là do quyết định của cung cầu. Quỹ này cũng nhấn mạnh rằng C21 dường như “chỉ có thế mạnh trong khó khăn, còn khi kinh tế đi lên thì có vẻ lấn cấn”.

Ngoài ra, rất nhiều cổ đông tham dự khác cũng bày tỏ quan điểm không đồng ý với phương án hủy niêm yết của C21, tất cả đều cho rằng đây là một bước lùi, kém minh bạch, đó là chưa kể đến khả năng vì lợi ích nhóm.

Cổ đông còn gọi đây là cuộc “trốn chạy thị trường” của C21 khi dùng tiền của cổ đông để mua lại cổ phiếu quỹ thay vì dùng tiền đó để đầu tư vào các dự án khác khi thị trường nhìn chung đang ấm lên.

Ông Trần Minh Đức – Chủ tịch C21 ghi nhận ý kiến đóng góp của cổ đông, tuy nhiên khẳng định không vì lợi ích nhóm, tất cả cổ đông đều bình đẳng. Ông nhấn mạnh: “Tôi chấp nhận mọi kết quả biểu quyết”.

Ông Đức cũng cho biết việc hủy niêm yết là nhằm “lùi một bước để tiến ba bước”, sau khi lựa chọn thời cơ khác sẽ niêm yết trở lại với giá trị cổ phần sẽ cao hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.

Mặc dù rất nhiều ý kiến không đồng ý nhưng kết quả phương án hủy niêm yết vẫn được thông qua với sự đồng ý của hơn 75% tỷ lệ tham dự có quyền biểu quyết.

Kế hoạch lãi ròng giảm 50%

Một vấn đề khác cũng không kém phần “nóng” tại Đại hội đó là việc HĐQT C21 đề ra kế hoạch 2015 với tổng doanh thu và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ ước đạt 111 tỷ và 18.6 tỷ đồng, giảm xấp xỉ một nửa so với kết quả năm 2014.

Nhiều cổ đông cho rằng kế hoạch của HĐQT đưa ra là không có động lực để Ban lãnh đạo công ty cố gắng. Ông Đức giải thích, năm 2015, C21 sẽ khởi động rất nhiều dự án (dự án Khu Nam Sài Gòn, khu dân cư Gò Sao…) nhưng sẽ không có doanh thu và lợi nhuận ngay trong năm mà phải đợi đến những năm sau đó.

Kết quả năm 2015 sẽ đến chủ yếu từ Cao ốc văn phòng Yoco (lãi 5.7 tỷ đồng) và dự án Tháp Bà (gần 19 tỷ đồng). Còn lại dự án Mỏm Đá Chim vẫn phải chịu lỗ 3.3 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư các dự án trong năm 2015 của C21 dự kiến khoản 641 tỷ đồng.

Kết quả, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 mà HĐQT đã trình. Được biết trong năm 2014, C21 đạt 209 tỷ đồng doanh thu và 37.8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, vượt 7% doanh thu và thực hiện được 12% kế hoạch lợi nhuận. Cổ tức 2014 được chia ở mức 15%, gồm 7% đã tạm ứng.

Bầu lại 1/3 số thành viên HĐQT

Cổ đông thông qua phương án HĐQT sẽ đề cử ứng viên mới giới thiệu ĐHĐCĐ. Nếu số Thành viên HĐQT xin rút ra không đủ ít nhất 1/3 (tức 2 người), HĐQT sẽ biểu quyết người rút ra và đề cử ứng viên mới. Thành viên rút ra không được ứng cử, đề cử vào HĐQT đương nhiệm.

Sanh Tín

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ HDG: Sẽ M&A một số doanh nghiệp sắp cổ phần hóa có quỹ đất (11/04/2015)

>   SVC: Sài Gòn Ford – Trần Hưng Đạo có vốn hoạt động 30 tỷ đồng (10/04/2015)

>   DMC: Bồn chứa cồn nổ tung gây chấn động xa 100m, một người chết tại chỗ (10/04/2015)

>   SHN: Báo cáo tài chính năm 2014 (Công ty mẹ) (10/04/2015)

>   SHA: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (10/04/2015)

>   TTR: HĐQT không phản đối việc chào mua 350,000 cp của cổ đông cá nhân (10/04/2015)

>   KBC: Đính chính thông tin liên quan đến ngày ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (10/04/2015)

>   PET: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (10/04/2015)

>   HAX: Báo cáo thường niên năm 2014 (10/04/2015)

>   PXL: Xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 (10/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật