Thứ Tư, 22/04/2015 09:27

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ ACB: Cổ đông chất vấn hàng loạt vấn đề

Phần thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) sáng 22/04 rất nóng với hàng loạt câu hỏi từ cổ đông, từ vụ án Huyền Như đến nợ xấu, trích lập dự phòng, M&A ngân hàng, tăng vốn,...

12h50: Đại hội kết thúc và thông qua tất cả các tờ trình.

10h30: Đại hội thảo luận.

Liên quan đến vụ án Huyền Như, ai chịu trách nhiệm cho thất thoát của ngân hàng?

Tòa phúc thẩm kết luận Huyền Như phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại của Ngân hàng, ACB sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để thu hồi khoản tiền này.

Liên quan đến nợ cho vay từ 6 công ty, số dư nợ 2,237 tỷ và khoản đầu tư trái phiếu 2,429 tỷ đồng được xếp vào nợ nhóm 2, trích lập dự phòng 5%. Từ góc độ của ACB thì khả năng thu 95% còn lại là bao nhiêu? Nếu không thu hồi được thì ACB sẽ trích lập dự phòng như thế nào?

ACB đang trong quá trình thu hồi khoản cho vay này. Tính đến thời điểm này, tài sản đảm bảo đã cân bằng và cao hơn nợ vay.

Trong quý 1/2015, ACB đã làm việc với bên vay để bán một phần tài sản và thu về khoảng 1,000 tỷ đồng. ACB sẽ tiếp tục bán tài sản trong quý 2/2015 và dự kiến thu về khoảng 3,000 tỷ đồng. Phần tài sản còn lại ACB kỳ vọng sẽ bán đủ để cân đối với các nợ vay còn lại.

ACB có kế hoạch trích lập dự phòng 2,000 tỷ đồng trong năm 2015 là đã tính đến các tình huống xấu để đảm bảo lợi nhuận kế hoạch hơn 1,300 tỷ đồng.

Khoản tiền gửi 400 tỷ và 700 tỷ đồng tại các ngân hàng khác như thế nào? (theo báo cáo hợp nhất năm 2014, ACB ủy thác cho nhân viên gửi 719 tỷ tại Ngân hàng "A" đã quá hạn, 400 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng "C" đã quá hạn - NHNN đã tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn của Ngân hàng "C" với giá 0 đồng).

Ngân hàng có tiền gửi 400 tỷ và hơn 700 tỷ đồng, ACB tin tưởng theo lộ trình đề án tái cấu trúc cũng như đã làm việc với các ngân hàng là sẽ thu hồi được mặc dù thủ tục chậm hơn. Một trong hai khoản đảm bảo cho khoản tiền gửi này có tài sản đảm bảo là trụ sở làm việc của các ngân hàng này và được đảm bảo bằng 110% giá trị tiền gửi. Ban điều hành ACB hy vọng trong năm 2015 có thể xử lý các vấn đề này, và ACB đã đàm phán với các ngân hàng và cơ quan thanh tra giám sát về quá trình xử lý các khoản nợ tiền gửi còn tồn đọng.

Khoản tiền gửi 600 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại như thế nào? (Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2014, ACB có khoản tiền gửi tại Ngân hàng “E” số tiền 600 tỷ đồng, khoản tiền gửi này đã trở thành khoản vay được đảm bảo thanh toán bằng trái phiếu do một công ty trong nhóm 6 công ty phát hành cho Ngân hàng “E”)?

Khoản tiền gửi 600 tỷ đồng này đã tất toán trong quý 1/2015 và không còn ảnh hưởng trong hoạt động của ACB.

Trích lập dự phòng trong năm 2015?

ACB sẽ sử dụng 2,000 tỷ đồng trích lập dự phòng cho năm 2015. Với mức trích lập này, ACB đã gần như xử lý hết tồn đọng từ trước và hoạt động bình thường từ năm 2016.

ACB có tham gia M&A ngân hàng?

ACB còn có nhiều khả năng phát triển mạng lưới kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, nếu có cơ hội và phương án sáp nhập tốt, ACB sẽ nghiên cứu và trình cổ đông cụ thể.

Kế hoạch phát triển mảng bán lẻ của ACB như thế nào khi nhiều ngân hàng quốc doanh cũng đang đẩy mạnh mảng này?

ACB đang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Dự kiến trong năm 2015, mảng bán lẻ tăng trưởng dư nợ 25% và tổng doanh thu mang về tăng 22% đối với khách hàng cá nhân. Trong hoạt động khách hàng doanh nghiệp, dư nợ tăng trưởng 20%, doanh thu mang về xấp xỉ 22%.

Như vậy, hoạt động bán lẻ sẽ mang về thu nhập đáng kể cho ngân hàng trong năm 2015 và ACB sẽ củng cố phát triển tiếp cho năm 2016.

Kế hoạch cổ tức cho năm 2015?

ACB dự trù tỷ lệ cổ tức 2015 dựa trên dự phóng lợi nhuận là 9%.

Standard Chartered Bank có tiếp tục là cổ đông chiến lược của ACB?

Standard Chartered Bank đang nắm giữ 15% vốn tại ACB, đây là việc hợp tác lâu dài.

Standard Chartered Bank đã đầu tư từ năm 2005 và tiếp tục cam kết cùng ACB là đối tác chiến lược.

Kết quả kinh doanh quý 1/2015?

Lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn trong quý 1/2015 là 359 tỷ đồng.

Tín dụng của ACB tăng trên 3%, huy động tăng tương đương nhằm phục vụ cho vay (do nếu huy động dư và đem gửi liên ngân hàng thì không hiệu quả). ACB đã trích lập dự phòng theo quy định.

ACB có kế hoạch gì với số lượng cổ phiếu quỹ hiện tại?

Hiện ACB có hơn 41 triệu cp quỹ, ACB sẽ bán cổ phiếu quỹ để lấy tiền hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Nếu không có nhu cầu tăng vốn thì ACB có thể chia lại cho cổ đông.

ACB không có kế hoạch mua cp quỹ trong năm 2015.

ACB có kế hoạch tăng vốn không trong khi hàng loạt các ngân hàng khác đang có kế hoạch tăng vốn nhiều trong năm 2015?

Hệ số an toàn vốn của ACB là khá cao, ACB chưa cần tăng vốn.

Trong những năm qua, ACB đã trích lập dự phòng rủi ro và thu hồi bao nhiêu?

Trong năm 2014, ACB đã trích lập 1,531 tỷ, tích cực xử lý nợ xấu giúp hoàn nhập 593 tỷ đồng.

ACB đã bán bao nhiêu nợ xấu cho VAMC trong năm 2014?

Trong năm 2014, ACB đã bán 1,043 tỷ đồng cho VAMC và nhận lại trái phiếu đặc biệt ở mức 970 tỷ đồng.

Đến cuối quý 1/2015, nợ xấu của ACB như thế nào?

Nợ xấu kết thúc quý 1/2015 ở mức 2.08%, số dư tuyệt đối nợ xấu cũng giảm so với trước đó. Trong quý 1/2015, ACB đã xử lý nợ xấu của năm 2014 trở về trước, mục tiêu xử lý nợ xấu tự thân vận động của Ngân hàng là 1,640 tỷ đồng trong danh mục nợ xấu phải xử lý trong năm 2015.

Chi phí hoạt động của ACB cao hơn mức bình quân ngành, ở mức hơn 63%, ACB có giải pháp để giảm tỷ lệ này?

Tỷ lệ chi phí hoạt động của ACB còn ở mức cao chứng tỏ Ban điều hành vẫn còn trách nhiệm để giảm tỷ lệ này. Nguyên nhân một phần là do biến cố từ năm 2012, chi phí do nợ quá hạn gây ra nên nhiều hoạt động của ACB đã bị ảnh hưởng.

ACB sẽ tập trung các hoạt động cốt lõi là thế mạnh để giảm chi phí, mục tiêu 2015-2016 ACB sẽ giảm tỷ lệ này về dưới 50%.

Tỷ lệ an toàn vốn của ACB theo báo cáo của HĐQT là 9.8%, còn theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc duy trì qua các năm đều trên 12%, như vậy số nào là đúng? ACB có kế hoạch huy động vốn không? Năm 2014 nếu loại trừ các vấn đề thoái thu lãi, dự phòng, lợi nhuận ngân hàng thực sự là bao nhiêu? Kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC và trích lập dự phòng năm 2015?

Tỷ lệ an toàn vốn của ACB là 12%. Dư địa tăng trưởng tín dụng của ACB trong năm 2015 còn khá lớn, ở mức 13-15%. ACB còn lượng lớn cổ phiếu quỹ có thể thoái ra, tăng thêm vốn chủ sở hữu cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Về việc xử lý các tồn đọng còn lại, ACB cho biết lợi nhuận của năm 2016 (sau khi giải quyết khoảng 90% vấn đề tồn đọng của năm 2012 trở về trước) dự kiến sẽ đạt gần 3,000 tỷ đồng.

Về xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của ACB dưới 2.2% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, để chủ động trong việc xử lý nợ, ACB vẫn sẽ đăng ký bán xấp xỉ 1,000 tỷ đồng nợ trong năm 2015 cho VAMC, ACB sẽ chủ động xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Về tờ trình phân phối lợi nhuận, HĐQT nên ấn định thời gian sẽ chi trả cổ tức?

ACB sẽ đẩy nhanh tiến trình trả cổ tức cho cổ đông càng sớm càng tốt, dự kiến vào tháng 05/2015.

Kế hoạch lãi hơn 1,300 tỷ, xử lý gần hết tồn đọng trong năm 2015

10h20: Phát biểu của ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB.

Ông Trần Hùng Huy cho biết năm 2014 là năm thứ hai trong chiến lược giai đoạn 2013-2018 và cũng là năm thứ hai ACB thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, ACB đã tách biệt độc lập xử lý vấn đề tồn đọng của ngân hàng từ năm 2012. Ngân hàng đã trích lập dự phòng, thoái thu các khoản lãi phải thực hiện theo quy định và trích lập dự phòng một phần cho năm 2015.

ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 1,300 tỷ đồng, đặc biệt tất cả các vấn đề tồn đọng phải được xử lý hết trong năm 2015 – năm cuối của lộ trình tái cơ cấu.

09h10: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của các cổ đông đại diện tỷ lệ 75% cổ phần có quyền biểu quyết. Đại diện ngân hàng lần lượt trình bày báo cáo của HĐQT và Ban điều hành.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Đã mua 665 tỷ đồng cổ phiếu quỹ, cổ tức 7%

HĐQT ACB sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 1,314 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2014. Các chỉ tiêu tổng tài sản, tiền gửi huy động từ khách hàng và tín dụng đều tăng trưởng 13%, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.

Về kết quả kinh doanh năm 2014, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 1,215 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013. Về phương án phân phối lợi nhuận cho năm 2014, ACB sẽ trình cổ đông thông qua tỷ lệ chia cổ tức là 7%, tương đương 627.4 tỷ đồng.

Số lượng cổ phiếu quỹ đã mua là 41,422,608 cp. Được biết lợi nhuận giữ lại dùng để mua cổ phiếu quỹ trong năm 2014 là hơn 665 tỷ đồng.

Trong năm 2014, ACB đã hoàn tất thay đổi logo, bảng hiệu theo nhận diện thương hiệu mới.

Sẽ thành lập hoặc mua lại công ty tài chính

ACB sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính Tổng hợp Ngân hàng Á Châu (Công ty Tài chính ACB) hoặc mua lại một công ty tài chính có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Theo phương án này, sau khi Công ty Tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê Tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép NHNN sáp nhập vào Công ty Tài chính ACB. Dự kiến sau khi thành lập, lợi nhuận sau thuế năm đầu của Công ty Tài chính ACB là 69.4 tỷ đồng, năm thứ hai là 81.9 tỷ và 96.3 tỷ trong năm thứ 3.

Ngoài ra, HĐQT ACB đề cử ông Dominic Timothy Charles Scriven, Cổ đông sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Dragon Capital Group Ltd, nguyên Thành viên HĐQT ACB (2008-2011), bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 thay ông Alain Xavier Cany đã từ nhiệm.

Các sự kiện chính trong 1 năm trở lại đây

  • Ngày 04/02/2015: Vinalines chuyển nhượng gần 13 triệu cp VOS cho ACB để cấn trừ nợ.
  • Ngày 07/01/2015: Tại phiên xử phúc thẩm vụ Huyền Như, tòa đã bác kháng cáo của ACB. Theo đó, ACB trên thực tế không giao dịch với Vietinbank, do đó ngân hàng ACB không thể là nguyên đơn dân sự trong vụ án này và Vietinbank cũng không phải là bị đơn dân sự đối với ACB.
  • Ngày 26/09/2014: Tòa án chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đối với CTCP Thiết bị điện Thạch Anh (QEC) và đồng ý phát mãi tài sản QEC thế chấp cho ACB để ACB thu hồi nợ và lãi gần 50 tỷ đồng.
  • Ngày 22/09/2014: Moody's nâng triển vọng ACB lên “tích cực”.
  • Ngày 09/05/2014: Liên quan trong vụ án “bầu Kiên” và Huỳnh Thị Huyền Như, Hội đồng xét xử xét thấy có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép tại ACB và Vietbank, quyết định khởi tố vụ án hình sự tại hai ngân hàng này. Còn “bầu” Kiên bị tuyên án 30 năm tù.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   VNF: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   SMB: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   PGS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   SPH: gia hạn thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   TIS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   ADP: Nghị quyết Hội Đồng Quản Trị (22/04/2015)

>   VE4: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   VCX: Thông báo lùi thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 (22/04/2015)

>   TV2: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (22/04/2015)

>   CMS: Nghị quyết HĐQT về việc đăng ký mở tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng (22/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật