Công ty trong nước sẽ đầu tư khu Ba Son
Bộ Quốc phòng vừa đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư mua tài sản trên đất gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son hiện hữu.
Ụ tàu trong khu Ba Son (ảnh chụp năm 2009) - Ảnh tư liệu
|
Theo đó, Thường vụ Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng thống nhất chọn Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ thương mại TP.HCM là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son (Q.1, TP.HCM) .
Theo Bộ Quốc phòng, việc lựa chọn nhà đầu tư trên phù hợp với cơ chế bán tài sản trên đất gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất Ba Son hiện hữu đã được Thủ tướng cho phép.
Nhà đầu tư được chọn là doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong quản lý và triển khai các dự án bất động sản quy mô lớn, có tiềm lực tài chính mạnh để thực hiện các cam kết về ứng trước 4.500 tỉ đồng trong năm 2015 và năm 2016 nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời, xây dựng Nhà máy đóng tàu Ba Son mới.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, nếu chọn nhà đầu tư nước ngoài cho khu đất trên thì việc hoàn tất thủ tục pháp lý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ tạo vốn di dời, đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu Ba Son mới.
Trước đó, theo thông tin từ UBND TP.HCM, dự án tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son được Tập đoàn Eunsan và OUE (Hàn Quốc) đề nghị đầu tư với tổng vốn dự kiến 5 tỉ USD. Nếu được Chính phủ, Bộ Quốc phòng đồng ý thì Tập đoàn Eunsan và OUE làm lễ khởi công dự án vào dịp lễ 2-9 năm nay.
Khu đất Nhà máy đóng tàu Ba Son được xem là một trong những “khu đất vàng” tại TP.HCM với diện tích 30ha. Theo Bộ Quốc phòng, đến nay Tổng công ty Ba Son đã bàn giao khu đất diện tích khoảng 22.627m2 cho TP.HCM để xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Đối với dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, dự kiến diện tích đất mà Nhà máy đóng tàu Ba Son bàn giao cho TP là 12.000m2.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ dành một khu đất riêng, có diện tích phù hợp với quy hoạch khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son để xây dựng nhà truyền thống, khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các công trình di tích lịch sử khác của Ba Son.
Trước đây đã từng có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu nêu cần bảo tồn nguyên trạng thủy xưởng Ba Son. Ụ tàu Ba Son trong ảnh chụp từ năm 1943 - Ảnh tư liệu
|
Mậu Trường
tuổi trẻ
|