Thứ Sáu, 17/04/2015 18:42

Chứng khoán Tuần 13 – 17/04: Khối ngoại trở lại, Large Cap phục hồi mạnh mẽ!

Sắc xanh trở lại tích cực trên thị trường trong tuần qua dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Large Cap. Việc khối ngoại gom ròng mạnh trở lại được xem là động lực chính thúc đẩy đà tăng của nhóm cổ phiếu này.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 13 – 17.04.2015

Giao dịch: Khối ngoại trở lại, cổ phiếu Large Cap phục hồi mạnh mẽ. Giao dịch đầu tuần diễn ra còn trầm lắng, nhưng xu thế tích cực tăng dần về các phiên sau đó giúp thị trường trở nên sôi động, đà tăng lan rộng và hai chỉ số chính duy trì được sắc xanh trong hầu hết các phiên. VN-Index kết thúc tuần tăng 2.58% lên 568.32 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0.76% lên 83.61 điểm. Cùng chung xu hướng, VS100 tăng 2.52% lên mức 131.84 điểm, VN30 cũng tăng 2.71% và chốt tại 599.12 điểm.

VS-Large Cap là nhóm tăng mạnh nhất tuần với 4.47%, trở thành yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Các nhóm VS-Micro Cap và VS-Mid Cap tăng nhẹ 0.11% và 0.1%, trong khi VS-Small Cap là nhóm duy nhất giảm điểm với mức giảm 0.92%.

Tuần qua, giao dịch trở nên sôi động hơn khi tổng khối lượng khớp lệnh đều tăng trên hai sàn. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng 4.2% và đạt 408.9 triệu đơn vị; trên HNX, thanh khoản tăng mạnh 24% và đạt 211.25 triệu đơn vị khớp lệnh. Nhiều khả năng việc mua ròng của khối ngoại trong tuần qua đã góp phần thúc đẩy dòng tiền tham gia vào thị trường mạnh hơn.

Sự phục hồi mạnh mẽ của các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, VNM, VIC đã giúp VN-Index có được sắc xanh trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt ở nhóm Ngân hàng đã kìm hãm đà tăng của thị trường và khiến chỉ số quay về giảm điểm ngay phiên kế tiếp.

Tâm lý giới đầu tư được cải thiện ở các phiên sau đó khi khối ngoại tăng cường mua ròng mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn như Ngân hàng và Dầu khí; trong đó, nhóm cổ phiếu Dầu khí đóng vai trò chủ đạo. Cụ thể, nhiều mã trong nhóm “P” đồng loạt tăng điểm và duy trì sắc xanh trong hầu hết các phiên. Một số mã thu hút được lượng giao dịch lớn như GAS, PVD, PXS, PVS, PXL. Đà tăng tích cực ở nhóm cổ phiếu này đã góp phần lôi kéo sự lạc quan của giới đầu tư trở lại thị trường.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu Dầu khí, Ngân hàng thì giao dịch ở các cổ phiếu dẫn dắt khác cũng diễn ra tích cực như VNM, MSN, VIC… Tuy nhiên, đà tăng ở các mã này là không quá mạnh với giao dịch diễn ra giằng co ở các phiên trong tuần.

Nhóm đầu cơ gồm FLC, FIT, CII, KLF, ITQ, HAI vẫn nằm trong nhóm được giao dịch nhiều nhất, tuy nhiên các mã này lại không mấy khả quan khi đứng giá và giằng co quanh mốc tham chiếu. Trong khi đó, dòng tiền hướng về các công ty có thông tin hỗ trợ tích cực như HHS.

Phiên cuối tuần. đà tăng bị thu hẹp do lực bán chốt lời tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là các cổ phiếu Dầu khí. Tuy vậy, dòng tiền đã có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu nóng khi nhóm này tiếp tục hút mạnh dòng tiền về các mã như ITA, FLC, HAI, HHS, FIT, KLF, CEO… và giúp duy trì sự sôi động cũng như sắc xanh của thị trường. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ đà tăng ở VIC, MSN, VCB cũng góp phần quan trọng.

Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng mạnh gần 1,000 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng được khối ngoại quan tâm nhiều trong tuần qua. Theo đó, các mã lớn như BID, VCB, CTG đều nằm trong danh sách những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HOSE. Ngoài ra, các mã bluechip như MSN, VIC, PVD cũng được họ gom mua trở lại. Việc thu gom mạnh trở lại của khối ngoại không chỉ tác động trực tiếp lên các chỉ số thị trường mà còn góp phần không nhỏ trong việc khôi phục sự lạc quan của giới đầu tư trong nước.

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng đến 924.5 tỷ đồng với lượng mua ròng tăng dần qua các phiên. Đặc biệt, dòng tiền khối ngoại tăng mạnh vào hai phiên cuối tuần lần lượt với 203 tỷ đồng và 319 tỷ đồng, cao gấp 2 và 3 lần so với các phiên trước đó. Họ mua mạnh nhất ở PVD (tổng cộng đến 166.6 tỷ đồng), tiếp đó là HHS (97 tỷ đồng), VCB (80 tỷ đồng), BID (79.4 tỷ đồng), VIC (60.2 tỷ đồng); trong khi bán ròng chủ yếu ở TIX (39 tỷ đồng), HPG (25.3 tỷ đồng), NSC (8.4 tỷ đồng), DXG (8.2 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 75 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở PVS (40.2 tỷ đồng), SHB (13.6 tỷ đồng), BCC (10.2 tỷ đồng); trong khi bán ròng mạnh ở DBC (8.3 tỷ đồng), LAS (7.8 tỷ đồng), IVS (6.6 tỷ đồng).

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm chiếm ưu thế với 14/23 nhóm ngành. Đáng chú ý trong tuần này là sự phục hồi của các nhóm ngành nóng, theo đó trong top ba nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất có tới hai nhóm ngành nóng. Cụ thể, Khai khoáng dẫn đầu với mức tăng 8.7%, kế tiếp là Vận tải – Kho bãi tăng 5.71% và Chứng khoán tăng 2.61%. Các nhóm ngành nóng còn lại như Bất động sản và Xây dựng đều tăng điểm lần lượt là 2.05% và 0.19%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HHS tăng 11.29%, PVD tăng 16.74%, và PXL tăng 9.68%; trên HNX là NHP tăng 17.68%.

HHS tăng 11.29%. Cổ phiếu HHS tăng mạnh có thể do việc công bố kết quả doanh thu hợp nhất quý 1/2015 tích cực. Theo đó, doanh thu của doanh nghiệp đạt gần 594 tỷ đồng, lãi ròng hợp nhất đạt 191.5 tỷ đồng. Sự tăng “đột biến” của kết quả kinh doanh được xem là yếu tố thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu này.

PVD tăng 16.74%. PVD tăng mạnh nhờ sự phục hồi ấn tượng của giá dầu thế giới. Bên cạnh đó là viêc khối ngoại gom ròng mạnh trở lại ở cổ phiếu này sau quãng thời gian tháo hàng trước đó.

PXL tăng 9.68%. Tương tự PVD, cổ phiếu PXL tăng nhờ ảnh hưởng tích cực của giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, PXL cũng ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2015 lãi ròng 1.5 tỷ, tăng hơn 35 lần so với cùng kỳ nằm ngoái. Đây có thể là yếu tố thu hút dòng tiền đầu cơ đổ về cổ phiếu này.

NHP tăng 17.68%. NHP tăng mạnh nhiều khả năng do kết quả kinh doanh năm 2014 vừa được công bố, theo đó doanh nghiệp có lãi 5.9 tỷ đồng vượt xa so với khoản lỗ năm ngoái 0.4 tỷ đồng. Điều này giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VIS giảm 7.8%; trên HNX, ITQ giảm 33.67%, KSK giảm 13.89%.

VIS giảm 7.8%. VIS giảm điểm mạnh nhiều khả năng do việc đón nhận thông tin không mấy tích cực. Theo đó, (i) giá thép tiếp tục sụt giảm trong tuần qua, (ii) kết quả kinh doanh quý 1/2015 không khả quan khi VIS đã lỗ gần 40 tỷ đồng.

ITQ giảm 33.67%. ITQ giảm khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng đà sụt giảm là do dòng tiền đầu cơ đang rời bỏ cổ phiếu này.

KSK giảm 13.89%. KSK giảm có thể do việc công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 trong tuần qua. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm 73.31% và chỉ đạt 4.2 tỷ đồng. Nhiều khả năng thông tin này tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và khiến họ rời bỏ cổ phiếu này.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật