Chức năng, nhiệm vụ của Cục Hàng hải Việt Nam
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam.
Ảnh minh họa
|
Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành hàng hải trong phạm vi cả nước.
Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau: chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc chuyên ngành hàng hải trong phạm vi cả nước; chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải.
Đồng thời, tổ chức quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển; tổ chức giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng cảng biển, luồng hàng hải, các khu nước, vùng nước, cơ sở sửa chữa, phá dỡ và đóng mới tàu thuyền phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm an toàn hàng hải; thực hiện quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải được giao quản lý; tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác bến cảng, cầu cảng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc được giao quản lý theo quy định của pháp luật.
Về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án được giao quản lý theo phân cấp; xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án trong lĩnh vực hàng hải theo hình thức hợp đồng PPP, BOT, BTO, BT và các hình thức hợp đồng khác được Bộ trưởng phân cấp hoặc ủy quyền…
Cơ cấu tổ chức
Về cơ cấu tổ chức, Cục Hàng hải có 14 tổ chức giúp việc gồm: a- Phòng Kế hoạch - Đầu tư; b- Phòng Tài chính; c- Phòng An toàn - An ninh hàng hải; d- Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển; đ- Phòng Công trình hàng hải; e- Phòng Đăng ký tàu biển và Thuyền viên; g- Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải; h- Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường; i- Phòng Pháp chế; k- Phòng hợp tác quốc tế; l- Phòng Tổ chức cán bộ; m- Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; n- Văn phòng Thường trực của Ban Thư ký IMO Việt Nam; o- Văn phòng.
Đồng thời, có 2 Chi cục Hàng hải: Chi cục Hàng hải tại thành phố Hải Phòng; Chi cục Hàng hải tại thành phố Hồ Chí Minh và các Cảng vụ hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng có 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam; Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải; Trường Cao đẳng Hàng hải 1; Trường Cao đẳng nghề Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam có Cục trưởng là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Hàng hải Việt Nam; giúp việc Cục trưởng có các Phó Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được Cục trưởng phân công.
Minh Hoàn
chính phủ
|