Chủ tịch HQC: “Hoàng Quân không hề trục lợi từ gói 30,000 tỷ đồng”
Đã có một sự ngộ nhận về việc Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) dùng tiền trong gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng để cho khách hàng vay. Thực tế số tiền này hoàn toàn phát sinh từ nguồn vốn tự có của HQC, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HQC giải trình về nghi vấn trục lợi gói 30,000 tỷ đồng gần đây.
Trong mấy ngày gần đây, xuất hiện thông tin HQC sử dụng nguồn tiền trong gói 30,000 tỷ đồng để cho vay khách hàng với lãi suất 6% (mua căn hộ dự án HQC Plaza), qua đó gián tiếp trục lợi trên gói hỗ trợ này. Để giải thích vấn đề này, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HQC đã tổ chức buổi họp báo vào ngày 15/04.
Ông Trương Anh Tuấn (đứng) khẳng định HQC không hề trục lợi trong gói 30,000 tỷ đồng.
|
Theo ông Tuấn, tính đến hiện nay thì HQC đã bỏ vào dự án HQC Plaza số tiền là 900 tỷ đồng, bao gồm việc đầu tư 3.76 ha đất sạch và tiến hành xây 4 block (3 block HQ1, HQ2 và HQ3 đã cất nóc, HQ4 sẽ cất nóc vào 30/04). Điều này khẳng định đây là một dự án có thật.
Tổng vốn đầu tư của dự án này là 1,500 tỷ đồng, ngân hàng BIDV cam kết cho vay 540 tỷ đồng (1/3 dự án) và đã giải ngân 378 tỷ đồng. Quy trình giải ngân cho doanh nghiệp hết sức chặt chẽ (phải có khối lượng được kiểm toán thì ngân hàng mới giải ngân), do đó số tiền mà BIDV giải ngân cho HQC đã được chuyển thẳng đến các nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế… thực hiện xây dựng dự án HQC Plaza. Ông Tuấn nhấn mạnh, quy trình giải ngân nghiêm ngặt như vậy cho thấy HQC có muốn cũng không thể lấy được một đồng nào từ tiền giải ngân cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi chỉ mới vay ngân hàng 378 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư vào HQC Palza đã là 900 tỷ đồng. Con số này đã được kiểm toán và được chứng minh qua khối lượng đang xây dựng tại dự án”, ông Tuấn nói thêm
Ngoài ra, tính đến 15/04, BIDV cũng đã giải ngân cho 339 khách hàng mua nhà của dự án này, số vốn là 113 tỷ đồng. HQC Plaza đã bán được 1,350 trên tổng số 1,735 căn hộ, trong đó trên 800 khách hàng chưa được BIDV giải ngân vì còn nhiều thủ tục vay mà khách hàng chưa đáp ứng được theo yêu cầu phía ngân hàng.
Việc khách hàng tiếp cận gói 30,000 tỷ đồng tại dự án HQC Plaza sẽ nằm trong 3 trường hợp. Trường hợp được BIDV đồng ý thì không sao, vấn đề phát sinh khi khách hàng được ngân hàng thông báo đồng ý nhưng có điều kiện (sắp đến tuổi hưu hay thiếu thu nhập một ít…). Khi đó, HQC sẽ đứng ra làm công tác bảo lãnh cho khách hàng để đủ điều kiện vay vốn.
Vấn đề lớn hơn là đối với trường hợp là không đủ điều kiện vay như chưa chứng minh rõ ràng có thuộc đối tượng nhà ở xã hội không hay chưa chứng minh được thu nhập thì ngân hàng tạm thời “để qua một bên”.
Trong lúc này, hợp đồng mua bán giữa HQC và khách hàng vẫn còn giá trị. Do đó, HQC và khách hàng tiếp tục ký một phụ lục hợp đồng về việc trong trường hợp khách hàng chưa chứng minh đủ thủ tục mà đến hạn phải thanh toán thì tạm đóng khoản tiền phạt lãi suất 6%/năm. Khoản lãi suất này là ngắn hạn trong lúc chờ ngân hàng xem xét hồ sơ hoặc khách hàng chứng minh (được bảo lãnh của người thân). Và ngay sau khi ngân hàng đồng ý thì HQC lập tức chuyển tiền để ngân hàng giải chấp căn hộ và ký hợp đồng lại với khách hàng.
Song, xuất phát từ mức lãi suất 6% này mà nhiều thông tin cho rằng HQC đã sử dụng tiền tài trợ trong gói 30,000 tỷ đồng để cho khách hàng vay lại và trục lợi.
Trước việc này, ông Tuấn khẳng định: “Không thể nào có chuyện vay của ngân hàng với lãi suất 5% rồi cho khách hàng vay lại 6%. Chi phí vốn cho dự án của chúng tôi hiện nay là 8%, trong khi chúng tôi chỉ cho vay 6% và đây là nguồn vốn tự có của Hoàng Quân, tức là đang chịu lỗ 2%. Với mong muốn đẩy nhanh dự án ra thị trường, ngoài việc hỗ trợ vay vốn như thế, chúng tôi còn đứng ra bảo lãnh dưới nhiều hình thức như bỏ tiền mặt hoặc bằng tài sản khác cho một số đối tượng không đủ khả năng vay vốn như người ở độ tuổi gần về hưu, thu nhập dưới chuẩn".
Bán căn hộ chưa giải chấp, ai là người thiệt hại?
Trong số 1,375 căn hộ đã bán thuộc dự án HQC Plaza, 300 căn đặt cọc 10 triệu và 5%, số còn lại là ký hợp đồng mua bán (450 căn đã được ngân hàng giải chấp).
Theo ông Tuấn, nguyên nhân một số căn hộ đã bán chưa tiến hành giải chấp là do chưa nhận được thông báo từ khách hàng. Và việc này bên thiệt hại không phải là ngân hàng hay khách hàng mà là chủ đầu tư.
Ông Tuấn chứng minh: “Ngân hàng không thiệt hại vì đang nắm giữ tài sản là 1,735 căn của dự án. Khách hàng cũng không thiệt hại vì theo hợp đồng mua bán khách hàng đến thời điểm này phải thanh toán 70% nhưng mới chỉ thanh toán 20% và cũng không phải chịu lãi vay do chưa nhận thông báo từ ngân hàng. Như vậy, người chịu thiệt ở đây là chủ đầu tư”.
Theo quy định của ngân hàng, trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư vào dự án gồm nguồn vốn tự có của HQC, nguồn vốn khách hàng và nguồn vốn ngân hàng. Nguồn vốn của khách hàng phải được giải ngân thì nguồn vốn giải ngân gói doanh nghiệp (540 tỷ đồng mà BIDV cam kết cho HQC vay) mới được giải ngân tương ứng.
Trường hợp của HQC Plaza, nguồn vốn của khách hàng đang bị động nên ngân hàng không thể giải ngân được. Song, do yêu cầu phải tiếp tục thực hiện dự án nên HQC phải tự bỏ thêm nguồn vốn tự có vào để đảm bảo dự án được triển khai, ông Quân cho biết.
Riêng vấn đề thế chấp căn hộ tại ngân hàng, ông Tuấn nhấn mạnh, bất kỳ chủ đầu tư nào khi thế chấp căn hộ tại ngân hàng không có nghĩa là họ mất hết các quyền bán hàng. Theo đó, HQC có quyền bán căn hộ cho khách hàng (ký hợp đồng 20%) nhưng sau khi được ngân hàng thông báo thì lập tức mang tiền vào ngân hàng để giải chấp.
Sanh Tín
|