Cà phê: Giữ giá hay giữ thị trường?
Giá xuất khẩu cà phê robusta nước ta chào cao hơn giá kỳ hạn. Một chọn lựa khó khăn cho ngành cà phê: vì giá hay vì thị trường xuất khẩu?
Biểu đồ: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu (tác giả tổng hợp)
|
Bớt lệ thuộc vào giá kỳ hạn
“Thỉnh thoảng mới thấy một vài xe tải chở cà phê xuống các kho chứa gần TPHCM. Giá dưới 39 triệu đồng/tấn, khó lòng mua được hàng của dân,” một chủ doanh nghiệp cung ứng cà phê có kho nằm ở trung tâm huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, ngay mặt tiền Quốc lộ 20 nối TP Đà Lạt với Ngã ba Dầu Giây tỉnh Đồng Nai để xuống TPHCM, cho biết.
Tuy có lúc giá cà phê đã xuống mức 35 triệu đồng/tấn nhưng mức ấy chỉ là con số “tượng trưng”, thị trường chỉ hoạt động thực sự khi giá cà phê từ 39 triệu đồng/tấn trở lên, ông ta nói thêm.
Từ cả tuần nay, giá cà phê nội địa dao động quanh mức trên dưới 39 triệu đồng/tấn, tức tương đương với 1.815 đô la/tấn tại các vùng nguyên liệu tỉnh Lâm Đồng. Đây là mức cao nếu so sánh với giá niêm yết cà phê trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu.
Giá đóng cửa phiên thứ Sáu 17-4 giá sàn kỳ hạn này chốt mức 1.826 đô la/tấn, giảm 11 đô la/tấn so với cuối tuần trước (xin xem biểu đồ trên) nhưng giá cà phê nội địa vẫn đứng rất vững tại mức 39 triệu đồng/tấn. Như vậy, mức lệ thuộc vào giá kỳ hạn đã bớt khi giá mua bán nội địa và xuất khẩu không còn theo cách định giá của người mua trước đây.
Giá nội đội giá “ngoại”
Tin thị trường cho rằng chỉ có người có hàng mới dám chào bán trao tay với lượng không nhiều. Do giá nội địa cao, mức giá xuất khẩu loại 2,5% phải cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn mới đủ sở hụi. Hiện có người chào bán xuất khẩu loại này ở mức cộng 20 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB); dù ở mức ấy, giá đầu vào và đầu ra vẫn chưa cân đối được để bán xuất khẩu vì chi phí chuyên chở, làm hàng, hao hụt và tài chính từ vùng nguyên liệu đến TPHCM phải mất đi cả trăm đô la/tấn.
Nếu gọi giá kỳ hạn là giá “ngoại” như nhiều người quen dùng, giá cho cà phê robusta đạt chuẩn chất lượng loại 2 của sàn kỳ hạn Ice tại châu Âu được định ở mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết cho hàng có sẵn tại các kho được sàn chỉ định tại châu Âu. Chi phí từ đầu cảng đi TPHCM đến cảng dỡ hàng chính tại nhiều nước châu Âu phải mất thêm bình quân chừng 100 đô la/tấn nữa. Vì thế nên giao dịch cà phê tại thị trường cà phê nội địa hiện nay chỉ phục vụ cho những người thực sự cần hàng giao với lượng không nhiều; mua bán vì mục đích xuất khẩu lớn đang chùng lại từ đầu vụ đến nay.
Bài toán giữ giá hay giữ thị trường xuất khẩu
Báo cáo sơ bộ tháng 3-2015 của Hải quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 130.494 tấn (2.175.000 bao), giảm 52,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2014/2015 tính từ đầu tháng 10-2014 đạt tổng cộng 10,83 triệu bao (1 bao = 60 kg), giảm 25,40% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Lượng xuất khẩu cà phê từ nước ta giảm mạnh trong nửa đầu niên vụ có thể có nhiều lý do như mất mùa, nhiều người đua nhau mua trữ hàng “đầu cơ” giá cao do tin hạn hán, dịch bệnh cà phê tại nhiều nước sản xuất khác…“Giữ giá” không bán rẻ cũng là một yếu tố quan trọng làm giảm lượng xuất khẩu. Vì hiện nay người mua vẫn trông chờ một mức trừ cho giá FOB nhưng người có hàng trong tay tại nước ta chỉ chấp nhận bán giá trên 39 triệu đồng/tấn, hay giá FOB phải cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn tại châu Âu.
Có thể nói đây là bài toán khó giải: hoặc giữ giá cao bán ít hoặc mất dần thị trường xuất khẩu và giảm kim ngạch xuất khẩu cà phê. Nên lưu ý cà phê là một mặt hàng nông sản rất dễ bị thay thế: hai chủng loại cà phê arabica và robusta có thể thay thế cho nhau, cà phê xuất xứ từ nhiều nước xuất khẩu trên thế giới.
Trong khi nước ta giảm cung ứng, Brazil vẫn đẩy mạnh xuất khẩu nhờ đồng bản tệ real bị mất giá. Nhà phân tích thị trường Safras e Mercado (Brazil) ước đến hết tháng 3-2015 nước này đã bán ra chừng 87% lượng cà phê của vụ mùa 2014 được họ ước tính chừng 49 triệu bao trước khi vào vụ mới.
Sau giai đoạn tái canh, sản lượng cà phê arabica của Colombia đang lớn dần. Hiện nay, nước này đang chuẩn bị vào vụ “phụ” và đang tích cực bán ra dù giá kỳ hạn arabica New York đang ở mức thấp 141 cts/lb tương đương với 3.100 đô la/tấn, giảm từ trên 210 cts/lb thời điểm tháng 10-2014 đầu vụ.
Thị trường nhập khẩu nhiều cà phê của nước ta là Trung Quốc cũng đang mạnh tay phát triển cây cà phê để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và xuất khẩu. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí gần đây, một quan chức thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Vân Nam Trung Quốc cho biết diện tích cà phê của tỉnh này đã lên đến 124.667 héc-ta (so với cách nay vài ba năm chỉ 40.000 héc-ta), chiếm 85% diện tích cà phê của toàn Trung Quốc, sản lượng năm 2014 đạt 1,97 triệu bao. Chắc chắn chỉ trong vài ba năm tới, khi cây cà phê Vân Nam vào giai đoạn khai thác, sản lượng có thể tăng gấp vài ba lần so với con số hiện có.
Bài giải cho một chính sách sản xuất và kinh doanh cà phê từ nhiều nguồn lực khác nhau vì tính lâu bền của nó đang cần được giải đáp cấp bách vì “nước đã đến chân”.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|