BVG: "Ngắc ngoải" chờ chết, chưa có biện pháp khắc phục
Theo giải trình nguyên nhân hủy niêm yết và phương án khắc phục, CTCP Thép Bắc Việt (HNX: BVG) cho biết tình hình kinh doanh khá bi đát, doanh số sụt giảm, chi phí tài chính vẫn cao, hoạt động liên doanh không đem lại hiệu quả, dẫn đến kết quả lỗ 3 năm liên tiếp và phải hủy niêm yết trên HNX. Song BVG cũng không đưa ra được phương án khắc phục tình trạng.
Cụ thể, trong vòng 5 năm trở lại đây, nền kinh tế suy thoái nên bất động sản và các công trình xây dựng... là nguồn tiêu thụ sắt thép, kết cấu, các sản phẩm cơ khí... đầu ra của BVG gần như đóng băng và hoạt động cầm chừng. Do vậy, doanh số của công ty sụt giảm mạnh, giá các mặt hàng sắt thép chịu sức ép giảm giá từ thị trường Trung Quốc do khủng hoảng thừa liên tục giảm sâu khiến lợi nhuận gộp kinh doanh giảm.
Bên cạnh đó, lãi vay có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng chi phí lớn nhất và lớn hơn so với lợi nhuận gộp từ kinh doanh. Hoạt động thanh lý tài sản đặc biệt là các khu đất tại các dự án như Bắc Ninh, Đình Vũ Hải Phòng để trả nợ vay cũng khó khăn do các doanh nghiệp đầu tư cầm chừng nên bài toán giảm số nợ vay ngân hàng cũng khó khăn.
Đồng thời, hoạt động đầu tư liên doanh liên kết với các đối tác Nhật Bản không đem lại hiệu quả như mong muốn ban đầu. Liên doanh hoạt động thua lỗ 2 năm liên tiếp và BVG phải trích dự phòng khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng theo tỷ lệ vốn góp thực tế vào liên doanh.
Công ty mẹ đã chủ động cắt giảm toàn bộ hoạt động kinh doanh thương mại sắt thép là ngành nghề kinh doanh truyền thống từ cách đây vài năm nên doanh thu và lợi nhuận gộp giảm trong khi vẫn phải chi phí cho bộ máy quản lý, chi phí cho các dịch vụ khác để duy trì hoạt động của công ty. Chi phí tài chính lớn do các khoản vay dồn tích từ các năm trước dẫn tới kết quả kinh doanh lỗ lớn.
Với những khó khăn chồng chất này, BVG vẫn chưa tìm ra phương án khắc phục.
Kết quả kinh doanh BVG 4 năm gần đây (2011-2014)
.
Mỹ Hà
|