Thứ Ba, 17/03/2015 20:00

USD đang mất dần ảnh hưởng tại thị trường mới nổi?

Vị thế của đồng bạc xanh tại các nước đang phát triển có nguy cơ bị đe dọa khi mà ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào đồng tiền thương mại toàn cầu này.

* Đồng USD đang “giết chết” các đồng tiền khác

 

Ông Jim Rickards, Trưởng chiến lược gia toàn cầu của West Shore Funds nhận định rằng: “Việc cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD đang dần trở thành một xu hướng quan trọng và ngày càng thịnh hành. Đối với các thị trường mới nổi, sự gia tăng của hoạt động giao dịch thương mại song phương là rất cần thiết cho tương lai của đồng USD”.

Theo dữ liệu tháng 1/2015 của SWIFT, khoảng 80% nguồn tài chính cho hoạt động giao thương toàn cầu được thực hiện bằng đồng USD. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, Nga và Trung Quốc đã tiên phong trong một phong trào chỉ sử dụng nội tệ cho giao dịch song phương nhằm từ bỏ dần những thanh toán được thực hiện bằng đồng USD. Gần đây, hai nước đã ký kết một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ kỳ hạn 3 năm trị giá 24 tỷ USD nhằm tăng gấp đôi lượng giao dịch.

Trong khi đó thì theo báo cáo cách đây khoảng 2 tuần của hãng thông tấn Nga TASS, Nga và Ấn Độ có thể sẽ tiến đến một thỏa thuận tiền tệ trong năm tới. Còn theo truyền thông Ai Cập trong  tháng trước, Nga và Ai Cập cũng đang xem xét một thỏa thuận chung.

Nhắm đến các khoản dự trữ

Không chỉ ở khía cạnh thương mại, Nga và Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong quỹ dự trữ chung 100 tỷ USD và Ngân hàng Phát triển Mới của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tháng Hai vừa qua, Nga đã công bố một cam kết trị giá 2 tỷ USD nhằm đóng góp vào ngân hàng chung này trong 7 năm tới. Được biết, hiện Trung Quốc đang đóng góp nhiều nhất cho quỹ dự trữ chung của BRICS với 41 tỷ USD.

Hai dự án trên, đều đã được công bố trong năm ngoái, được các nhà kinh tế xem như một sự thay thế cho sự thống lĩnh của phương Tây tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuần trước, Kazakhstan đã gia nhập nhóm các nước đang quay lưng với đồng USD. Ngân hàng Trung ương nước này đã công bố một kế hoạch nhằm đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và giảm thiểu việc sử dụng USD khi nước này nỗ lực thúc đẩy đồng nội tệ của mình là tenge.

Động thái trên diễn ra sau lời kêu gọi của ông Naoyuki Shinohara, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng trước về việc các nền kinh tế mới nổi châu Á nên tích cực tham gia vào công cuộc cắt giảm tình trạng đô la hóa.

Ông nhận định: “Trong một số trường hợp, tình trạng đô la hóa cao có thể mang lại thuận lợi cho hoạt động thương mại. Song cũng có những hạn chế nhất định, chẳng hạn như làm làm giảm sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái trong việc xoa dịu những cú sốc từ nước ngoài và cản trở vai trò của ngân hàng trung ương như là “cứu cánh cuối cùng”. Trong những trường hợp như vậy, cần cân nhắc kỹ nhằm tích cực đẩy lùi tình trạng đô la hóa”.

Tương lai của đồng bạc xanh

Trong khi việc sử dụng đồng USD trong hoạt động giao thương toàn cầu ngày càng sụt giảm thì vị thế đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang dần cải thiện.

Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và SWIFT cho thấy hiện Nhân dân tệ đang đứng trong top 10 đơn vị tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong hoạt động thương mại toàn cầu. Còn theo thông tin được sàn giao dịch EBS công bố đầu năm nay trên Reuters thì kết thúc năm 2014, đồng Nhân dân tệ được xếp vào nhóm 5 đơn vị tiền tệ được giao dịch nhiều nhất.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vị thế của đồng USD như một đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Rickards cho rằng: “Trong vai trò là một đồng tiền thương mại, đồng USD đang suy yếu nhưng trong vai trò là một đồng tiền dự trữ, đồng bạc xanh vẫn còn khá mạnh. Hiện tại, USD đang chiếm tỷ lệ khoảng 61% trong kho dự trữ toàn cầu so với mức 70% trong vòng một thập kỷ qua”.

Trong khi đó, theo IMF, thị phần của đồng EUR đã tăng lên gần 25% từ mức 18% kể từ khi đồng tiền chung này lần đầu xuất hiện vào năm 1999.

Hơn nữa, các mặt hàng chính vẫn được định giá bằng USD; khi nào điều này còn diễn ra, ngay cả khi nhiều quốc gia bắt đầu muốn từ bỏ USD trong các thanh toán, thì sẽ không có tác động to tát nào đến vị thế của đồng USD, theo nhận định của ông Uwe Parpart, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Reorient Financial Markets.

Đỗ Thảo (Theo CNBC)

Các tin tức khác

>   Ukraine nhận đợt viện trợ đầu tiên trị giá 5 tỷ USD từ IMF (14/03/2015)

>   Hạ viện Nhật thông qua dự thảo ngân sách kỷ lục cho tài khoá 2015 (13/03/2015)

>   Ngân hàng trung ương Nga quyết định tiếp tục hạ lãi suất cơ bản (13/03/2015)

>   Cyprus tuyên bố không cần toàn bộ gói cứu trợ trị giá 13 tỷ USD (13/03/2015)

>   ECB đã mua hơn 10 tỷ USD trái phiếu trong 3 ngày đầu thực hiện QE (13/03/2015)

>   Trung Quốc hy vọng IMF sẽ "để mắt" đến đồng nhân dân tệ (13/03/2015)

>   Mỹ phạt ngân hàng Đức vì tiến hành giao dịch với Cuba (13/03/2015)

>   Tòa án Mỹ tiếp tục phong tỏa nỗ lực trả nợ của Argentina (13/03/2015)

>   Mỹ: Ngân hàng tư nhân Andorra rửa tiền cho tội phạm quốc tế (13/03/2015)

>   Venezuela phải bồi thường 455 triệu USD cho công ty Mỹ (13/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật