TTCK nào đang “nóng” nhất thế giới?
TTCK Đức đã bay cao hơn 23% trong năm 2015 và vượt ngưỡng 12,000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử
Đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán là một trong nhiều lý do để nhà đầu tư yêu thích nước Đức và ồ ạt rót vốn vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu ngay lúc này.
* Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2015
* Chứng khoán châu Âu hút vốn kỷ lục trước khi ECB thực hiện QE
* TTCK Mỹ ra sao trước và sau khi Fed nâng lãi suất?
Diễn biến của DAX 30 và S&P 500 từ đầu năm 2015 đến nay - Nguồn: CNN Money
|
Chỉ số DAX 30 đã vọt 2.2% lên đỉnh cao mọi thời đại trên 12,000 điểm lần đầu tiên từ trước đến nay trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/03) theo giờ địa phương. Có thời điểm, chỉ số này tích tắc chạm 12,001.98 điểm trước khi thu hẹp đà tăng về 11,991.92 điểm.
Từ đầu năm đến nay, TTCK Đức đã tăng vọt 23% khi các nhà xuất khẩu của nước này được hưởng lợi từ đồng EUR yếu. Hiện đồng tiền chung đang giao dịch quanh mức thấp nhất trong 12 năm so với đồng USD do chương trình nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo CNN Money, không khó để biết được tại sao nhà đầu tư lại đang đổ xô vào TTCK Đức và đã nêu ra 3 lý do sau đây:
1. Nền kinh tế
Kinh tế Đức là một điểm sáng hiếm hoi có thể nhận thấy tại châu Âu trong bối cảnh nhiều quốc gia khác đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và tình trạng giảm phát.
Sau đà tăng trưởng chậm vào mùa hè năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng tốc trong quý cuối cùng và góp phần đem lại mức tăng trưởng 1.6% cho cả năm 2014.
2. Dòng tiền rẻ
Chương trình kích thích khổng lồ vừa được ECB khởi động vào đầu tháng 3 này có thể thúc đẩy nền kinh tế Đức cũng như các nước sử dụng đồng tiền chung xung quanh.
Gói QE phiên bản châu Âu đang khiến khu vực này tràn ngập đồng EUR, qua đó hạ thấp chi phí vay mượn và khiến đồng tiền mất giá trong khi mục đích chính của chương trình này là thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Được biết, hiện nhà đầu tư thậm chí phải trả tiền để cho Chính phủ Đức vay mượn khi lãi suất trái phiếu nước này giảm xuống dưới 0%.
Đồng tiền chung đã lao dốc so với các đồng tiền khác trên toàn cầu và hiện đang giao dịch tại mức thấp nhất trong 12 năm 1.06 USD sau khi đã lao dốc tổng cộng 12.5% so với thời điểm đầu năm nay.
3. Xuất khẩu
Đà rớt giá của đồng EUR là một thông tin tuyệt vời đối với các nhà xuất khẩu Đức và cho đến nay nước này vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất châu Âu với một số biểu tượng thành công dễ thấy nhất là các thương hiệu xe hơi BMW, Volkswagen và Daimler.
Kim ngạch xuất khẩu 2014 của Đức đạt hơn 1.3 ngàn tỷ EUR, cao hơn gấp đôi so với xuất khẩu của Pháp và Anh.
Đà giảm sâu của đồng EUR đã khiến các sản phẩm của Đức rẻ hơn tại các quốc gia khác, từ đó thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Đức.
Đức không phải là TTCK duy nhất trên thế giới đạt được đà tăng ấn tượng trong năm nay. Các chỉ số chính của Pháp, Ireland, Ý và Argentina cũng đã tăng vọt hơn 15% so với đầu tháng 1/2015 dù không có thị trường nào đứng gần các mức cao kỷ lục xác lập trong năm ngoái.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|