Thứ Ba, 03/03/2015 20:01

Triển vọng thị trường trái phiếu chính phủ năm 2015

Được đánh giá là năm bản lề cho sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) với việc sẽ có thêm các sản phẩm mới như Zero coupon bond, Sell buy back và STRIP. Đồng thời, năm 2015 cũng là năm đặt nền tảng ban đầu cho kế hoạch phát triển thị trường phái sinh dành cho TPCP.

Cũng trong tham luận của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về phát triển thị trường trái phiếu chính phủ năm 2015 tại hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2015” diễn ra vào trung tuần tháng 2/2015, Sở đưa ra một số đánh giá về hoạt động TPCP năm 2014 cùng kế hoạch phát triển trong năm 2015.

Những thành công của thị trường TPCP trong năm 2014

Khối lượng trúng thầu kỳ hạn 15 năm gấp 6 lần 2013

Thị trường sơ cấp, trong giai đoạn 2009 – 2014, thị trường TPCP chuyên biệt đã huy động thành công hơn 600 nghìn tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) thông qua đấu thầu. Giá trị huy động qua đấu thầu cũng tăng mạnh từ mức 28.32 tỷ đồng năm 2010 lên 240.84 tỷ đồng năm 2014.

Bên cạnh đó, thị trường đã phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu khác nhau, chú trọng vào các trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Tổng khối lượng trúng thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm chiếm đến 51% tổng khối lượng trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước (TP KBNN), trong đó, khối lượng trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 15 năm tăng gấp 6 lần so với năm 2013.

Tính chung lại, kỳ hạn trung bình TP KBNN đã phát hành đạt 5.28 năm. Bên cạnh đó, hệ thống thành viên đấu thầu cũng đang phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Theo định hướng của Bộ Tài chính, số lượng thành viên đấu thầu sẽ giảm xuống còn 25 thành viên trong năm 2016.

Thanh khoản thị trường gấp 10 lần năm 2010

Thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết trên thị trường tăng trưởng liên tục đạt mức 691.206 tỷ đồng trong năm 2014 (bao gồm TPCP, TPCP bảo lãnh, TP chính quyền địa phương và tín phiếu kho bạc), tăng gấp 4 lần so với năm 2009. Quy mô niêm yết bình quân toàn thị trường trên từng mã đạt gần 1,254 tỷ/mã vào ngày 31/12/2014, tăng gần 3.93 lần so với mức 319 tỷ/mã năm 2009. Trong đó, TP KBNN vẫn chiếm vai trò chủ đạo, khối lượng bình quân đạt tới 4,462 tỷ/mã.

Tính đến cuối năm 2014, tổng giá trị giao dịch trái phiếu và tín phiếu đạt 899,676 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vẫn là trái phiếu, chiếm tới hơn 98% giá trị. Thanh khoản trên thị trường cũng đạt trên 3,642 tỷ đồng/phiên trong năm 2014, gấp gần 10 lần so với năm 2010.

Còn cơ cấu nhà đầu tư hiện vẫn chưa phát triển, chủ yếu tập trung ở khối ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán.

Sẽ đưa vào giao dịch công cụ Repo trong năm 2015

Với mục tiêu quan trọng trong năm 2015 là phối hợp với các tổ chức phát hành (TCPH) nhằm hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và củng cố thông qua việc phát triển các bộ phận của thị trường; đặc biệt là nghiên cứu để xây dựng, vận hành thị trường phái sinh TPCP; đồng thời tạo ra thị trường phát triển cho trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm cơ cấu các mảng thị trường trong năm 2015.  

Trên thị trường sơ cấp, Sở sẽ phối hợp với Kho bạc Nhà nước  phát triển sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ (Zero Coupon Bond). Bên cạnh đó, trên thị trường thứ cấp, sẽ đưa vào giao dịch công cụ Repo, trước mắt là Sell Buy Back Repo. Các công cụ khác như Strip Bond, sản phẩm khác như trái phiếu lãi suất thả nổi theo lạm phát (Inflation-linked Bond) cũng sẽ được triển khai trong năm 2015.

Ngoài ra, hệ thống chỉ báo thị trường cũng dần được hoàn thiện, bên cạnh hệ thống đường cong lợi suất VN Government Bond Yield Curve được đưa vào sử dụng từ 18/03/2013, Sở cũng đã thử nghiệm hệ thống chỉ số trái phiếu VN Government Bond Index và chính thức hoạt động từ 05/01/2015, 2 chỉ báo quan trọng này đều được đăng tải trên hai hãng thông tin quốc tế là Bloomberg và Reuters.

Năm 2015 cũng là năm bản lề cho sự phát triển của thị trường phái sinh TPCP. Trung tâm lưu ký chứng khoán (TTLKCK) và các thành viên liên quan triển khai xây dựng cơ sở pháp lý, hệ thống công nghệ chuẩn bị các điều kiện khác cho thị trường phái sinh TPCP theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường phái sinh TPCP khi chính thức đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm giao dịch mới, đặc biệt là sản phẩm Zero coupon, sản phẩm Bond Futures. Đồng thời, Bộ Tài chính, UBCKNN xem xét và ban hành những cơ chế tài chính khuyển khích gắn với các chương trình phát triển thị trường nhằm mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy nhanh công tác hoàn thiện về cơ chế thanh toán theo các chuẩn mực quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn, tạo cơ chế thanh toán an toàn, ổn định. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống PD với các quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng.

Tăng cường sự phối hợp về chính sách tài chính và tiền tệ trong với việc vận dụng linh hoạt phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm để tạo chuẩn cho thị trường nợ và công cụ cho điều hành chính sách tiền tệ cũng là điều cần thiết trong định hướng phát triển cho thị trường năm 2015.

Minh Tuấn

Các tin tức khác

>   Top 10 thành viên kinh doanh trái phiếu Chính phủ năm 2014 (14/02/2015)

>   Kho bạc Nhà nước đấu thầu trái phiếu lô lớn huy động 8.169 tỷ đồng (06/02/2015)

>   Tháng Một huy động được 28.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (05/02/2015)

>   Thị trường trái phiếu sẽ có thêm Zero coupon bond, Sell buy back và STRIP trong năm nay (02/02/2015)

>   TS Lê Xuân Nghĩa: Giá dầu giảm là gói kích thích “trời cho” (30/01/2015)

>   Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn tiếp tục "hấp dẫn" dòng tiền (30/01/2015)

>   NBB: Phát hành 31.3 tỷ đồng trái phiếu đợt 2 cho Creed Investments (30/01/2015)

>   Trái phiếu Chính phủ hút “tiền”, lãi suất tiếp tục giảm sâu (23/01/2015)

>   IDI: Thông qua phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu (23/01/2015)

>   CII: Chuyển đổi 4 triệu USD giá trị trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ (15/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật