Thứ Sáu, 27/03/2015 06:29

Triển khai công nghệ 4G đúc rút từ bài học kinh nghiệm của 3G

Bên lề Hội thảo Quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã trả lời báo chí về lộ trình và thách thức của Việt Nam khi triển khai công nghệ 4G.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội thảo 4G. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

- Thưa Thứ trưởng Lê Nam Thắng, 4G là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là khi năm 2015 được chọn là thời điểm triển khai công nghệ này. Xin ông chia sẻ về lộ trình đã được xây dựng?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Ngay từ khi công nghệ 4G ra đời và bắt đầu phát triển từ năm 2010-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu nghiên cứu, chuẩn bị để xây dựng kế hoạch triển khai các thế hệ thông tin di động tiếp theo tại Việt Nam. Khi nghiên cứu các chính sách 4G, chúng tôi thấy thời điểm quyết định triển khai là rất quan trọng.

Ở thời điểm cấp phép 3G, công nghệ này đã bắt đầu phát triển trên thế giới từ những năm 2000, nhưng ở Việt Nam tới năm 2009 chúng ta mới cấp phép. Tuy nhiên, thời điểm lựa chọn cấp phép 3G của Việt Nam rất đúng bởi khi ấy thiết bị đầu cuối (máy tính bảng, smartphone) phát triển rất mạnh, giá xuống rẻ nên khi đưa dịch vụ 3G vào thì số lượng người dùng tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Từ bài học kinh nghiệm 3G, chúng tôi đã xây dựng, nghiên cứu các cách và lộ trình để triển khai 4G tại Việt Nam căn cứ vào các nguyên tắc: Khi đưa 1 công nghệ mới vào Việt Nam thì công nghệ phải chín muồi và số lượng người dùng công nghệ trên thế giới tương đối phổ biến. Bởi khi đó chúng ta áp dụng vào Việt Nam sẽ thành công.

Trước đây chúng ta cũng có bài học khi triển khai công nghệ CDMA. Ở thời điểm đó, công nghệ này rất tốt nhưng tính phổ biến hạn chế nên khi ứng dụng vào Việt Nam đã không thành công như mong đợi.

Chính vì vậy, căn cứ vào những bài học đã qua, chúng tôi đã xây dựng lộ trình và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, từ năm 2015 trở đi sẽ nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4G tại Việt Nam.

Căn cứ quy hoạch này, trong năm 2014, chúng tôi đã cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G ở một số băng tần. Ngày 1/3 vừa rồi, Bộ trưởng đã ban hành Thông tư cho phép triển khai công nghệ 4G ở băng tần 1.800 MHz mà hiện nay các nhà mạng đang sử dụng cho mạng 2G.

Như vậy, ở Việt Nam chúng ta đã bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu, triển khai và thử nghiệm ở quy mô nhỏ công nghệ 4G. Qua đánh giá của các doanh nghiệp, kết quả bước đầu cho thấy đã đạt được một số yêu cầu. Theo lộ trình, năm 2015 chúng tôi sẽ cho thử nghiệm ở băng tần 1.800 MHz, còn băng 2.600 MHz chúng ta đã thử nghiệm trong năm 2014. Bắt đầu 2016 sẽ chính thức cấp phép cho triển khai 4G tại Việt Nam.

- Theo Thứ trưởng, đâu là tiền đề tốt để chúng ta triển khai 4G?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Qua các báo cáo của chuyên gia, 4G LTE phát triển rất nhanh. Tính đến cuối năm 2014 đã có gần 500 triệu thuê bao 4G trên thế giới; khoảng 2.600 chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G và công nghệ này ngày càng trở thành xu thế, trở thành công nghệ phổ biến.

Tiền đề tiếp theo là công nghệ 3G khá phổ biến nhưng lại hạn chế về mặt chất lượng, tốc độ. Cho nên, để đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt như thương mại điện tử trên di động, Chính phủ điện tử trên di động… thì việc triển khai 4G sẽ rất quan trọng. Việc này sẽ hỗ trợ thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ tới…

Vẫn còn nhiều thách thức về nội dung số khi phát triển 4G tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

- Đâu là khó khăn, thách thức của cơ quan quản lý khi triển khai 4G, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Để triển khai 4G cần phải tính đến một số yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, về băng tần, chúng ta đã có hơn 200 MHz dùng cho 4G và như vậy là đã tương đối sẵn sàng.

Thứ hai là liên quan đến việc công nghệ 4G phải chín muồi, giá cả của các thiết bị phải giảm vì nếu quá đắt thì đầu tư của doanh nghiệp cũng như người dùng sẽ tốn kém. Khó khăn hiện nay là giá cả thiết bị đầu cuối 4G đắt, giả dụ như các thiết bị đời mới của Apple hay Samsung hỗ trợ 4G thì so với mặt bằng kinh tế Việt Nam còn cao. Hiện, chưa có thiết bị 4G giá 1-2 triệu đồng nên sẽ là rào cản trong việc thu hút số đông người dùng. Đây là bài toán của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ 4G.

Ngoài ra, nếu chỉ vào web, gửi email thì 3G cũng đã làm tốt nhiệm vụ này. Bởi thế, muốn 4G phát triển thì ngành công nghiệp nội dung cũng phải phát triển, như dịch vụ xem Tivi, xem phim, chơi game, các dịch vụ dữ liệu lớn... Nếu chúng ta dùng nội dung của nước ngoài thì chi phí rất cao và không phải người dân Việt Nam nào cũng nghe, đọc được tiếng Anh…

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Yên Thủy

vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhiều cổng thông tin nhà nước bị nhiễm mã độc (26/03/2015)

>   Trực thăng quân sự MI8 gặp sự cố tại đảo Phú Quý (26/03/2015)

>   Sập giàn giáo Formosa: Máu chảy, la hét khắp nơi (26/03/2015)

>   TPHCM: Sẽ khởi công đường vành đai 3 vào quí 1-2016 (25/03/2015)

>   Hà Nội: Năm 2015, không dùng ngân sách mua ô tô phục vụ lãnh đạo (25/03/2015)

>   Công bố giá trần với 10 sản phẩm sữa mới cho trẻ em dưới 6 tuổi (25/03/2015)

>   IMF dọa sẽ xóa bỏ gần một nửa quyền lực bỏ phiếu của Mỹ (25/03/2015)

>   Pháp: Máy bay rơi gần 10.000 m chỉ trong 8 phút (25/03/2015)

>   Lấy 130 tỉ đồng của Nhà nước “mua” con tàu gỉ sét trị giá 100 triệu đồng! (24/03/2015)

>   Bộ trưởng Giao thông Pháp xác nhận toàn bộ 150 người thiệt mạng (24/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật