Tiền đổ vào đâu? - Kỳ 2: Sản xuất, kinh doanh hút vốn
Trong lúc nhiều người đang gửi gắm đồng tiền nhàn rỗi vào kênh tiết kiệm để bảo toàn vốn, dòng tiền đầu tư đã bắt đầu được đưa vào sản xuất, kinh doanh.
* Tiền đổ vào đâu? - Kỳ 1: Tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng
Ghi nhận thực tế cũng như các con số thống kê mới nhất cho thấy xu hướng này đang bắt đầu trở lại, sau quãng thời gian kinh tế khó khăn.
Công nhân đứng giám sát công đoạn thổi bao nilông ở Công ty sản xuất bao bì Alta nằm trong Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
|
Nắm bắt thời cơ
8g sáng 10-3, tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, lượng người tới làm thủ tục mở mới doanh nghiệp (DN) đã khá đông. Ba hàng ghế chờ không còn nhiều chỗ trống. Quang cảnh có phần đông đúc hơn thời điểm 3-4 tháng trước đó.
Trao đổi với chúng tôi khi đến làm thủ tục tại đây, anh Nguyễn Đức Minh (Q.Bình Thạnh) cho rằng tình hình kinh tế đã sáng sủa hơn, thị trường bất động sản và xây dựng có dấu hiệu khởi sắc trở lại, cộng với nguồn vốn đã tích lũy, anh quyết định góp vốn cùng hai người bạn thành lập công ty riêng thay vì tiếp tục đi làm công ăn lương.
“Sau nhiều năm làm thuê và tích lũy kinh nghiệm, tôi thấy đã tới lúc đứng ra làm riêng được. Ấp ủ điều này từ lâu nhưng nay thấy điều kiện đã thuận lợi nên quyết định làm luôn” - anh Minh nói.
Lo bảo toàn vốn
Ông Hoàng Văn Điều, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Alta (KCN Tân Bình) - chuyên sản xuất bao bì nhựa các loại, cho biết mấy năm gần đây không còn nghĩ tới chuyện mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mới dự án vì môi trường kinh doanh nhìn chung còn nhiều khó khăn. Theo ông Điều, thị trường xuất khẩu chính của công ty là châu Âu vẫn chưa phục hồi. Trước đây khách hàng đặt 1-2 container bao bì/chuyến, còn nay lâu lâu mới đặt một container, nhưng phải sản xuất đến mười mấy loại sản phẩm, nên chi phí sản xuất tăng. “Việc kiếm được 5% lãi cho ngành hàng bao bì hiện nay là quá chua, đầy rủi ro. Tôi không muốn đầu tư thêm hay mở rộng sản xuất gì cả, mà chỉ muốn làm sao bảo toàn được vốn, duy trì việc làm cho người lao động” - ông Điều nhấn mạnh.
|
Theo anh Minh, do từng làm việc cho một DN xây dựng và bất động sản hàng đầu tại Q.3 nên công ty của anh cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
“Hoạt động xây dựng đang sôi động trở lại, kể cả các công trình công nghiệp lẫn dân dụng, hi vọng công ty chúng tôi có thể kiếm khách được dễ hơn trước” - anh Minh chia sẻ và cho biết anh chọn mảng xây dựng dân dụng và sẵn sàng làm trọn gói cả các dịch vụ liên quan để tăng giá trị cho khách.
Hơn nữa, với số vốn góp chỉ hơn 2 tỉ đồng, anh Minh cho biết sẽ thuê máy móc thiết bị của các mối quen trong thời gian đầu nếu làm công trình, thay vì vay tiền mua sắm lớn.
“Nếu nhận được công trình lớn, làm dài hơi, cần đầu tư máy móc thiết bị làm thường xuyên, chúng tôi sẽ huy động thêm vốn từ đối tác và xin ứng tiền của chủ đầu tư để mua sắm thay vì vay ngân hàng để tránh rủi ro” - anh Minh cho biết.
Cũng có mặt ở Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM từ sáng sớm, chị Nguyễn Thanh Hà cho biết đã quyết định thành lập mới công ty trong lĩnh vực logistics. “Cơ hội trong lĩnh vực này đang rất lớn.
Chúng tôi đã nhìn nhận cơ hội này từ trước nhưng thời điểm này mới hội đủ điều kiện để mở DN” - chị Hà nói. Với mục đích hoạt động vận tải cả nội địa lẫn quốc tế từ hàng không, đường bộ và đường biển, chị Hà chia sẻ thêm rằng công ty đang có những đầu mối hàng ruột, thêm vào đó là sự kỳ vọng vào tiềm năng rất lớn của thị trường trong tương lai gần.
Theo chị Hà, đây là giai đoạn thị trường mở cửa, giao thông đang phát triển mạnh và mở ra nhiều cơ hội. Chẳng hạn, chi phí cho logistics hiện ở VN chiếm tới 25% GDP, ví như 100 tỉ thì miếng bánh logistics là 25 tỉ.
Chi phí hiện đang tiếp tục được giảm cho phù hợp, do các DN nước ngoài đang vào ồ ạt. “Nhà nước đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, xây các cảng trung chuyển lớn, sân bay quốc tế quy mô... Chiến lược của chúng tôi là mở ra công ty dần tích lũy để đầu tư quay vòng cho những cuộc chơi lớn hơn” - chị Hà nhấn mạnh.
Cơ hội mở rộng sản xuất
Trong khi đó, nhiều DN có thâm niên đang tính chuyện đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Ông Nguyễn Phúc Tiến, phó tổng giám đốc Công ty TNHH nệm Vạn Thành, cho rằng chưa bao giờ cơ hội đầu tư trong lĩnh vực ngành hàng này lại thuận lợi như năm nay, khi giá nguyên liệu có nguồn gốc từ hóa dầu và cao su giảm mạnh.
Với dự án xây dựng nhà xưởng mới trên diện tích 5.000m2 cùng với trang thiết bị đi kèm để nâng cao sản lượng sản xuất, tái sản xuất mặt hàng dây thun và gòn công nghiệp phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, ông Tiến ước tính tổng mức đầu tư cho kế hoạch mở rộng sản xuất lên đến hơn 1 triệu USD, trong đó riêng khoản đầu tư cho hạ tầng nhà xưởng đã chiếm khoảng 10 tỉ đồng.
“Dự án này đã phải đình lại nhiều năm do lãi suất quá cao, giá nguyên liệu gốc hóa dầu và cao su biến động liên tục. Nhưng bây giờ thì thuận lợi rồi, nếu không chớp nhanh cơ hội này để làm lại thì sẽ vuột mất, nhất là khi các điều kiện tiếp cận tín dụng đã cởi mở hơn” - ông Tiến nhận xét.
Theo kỳ vọng của ông Tiến, nếu lãi suất cho vay trung - dài hạn của ngân hàng thấp hơn mức bình quân 9%/năm mà phía ngân hàng đang áp dụng thì “càng thuận lợi cho DN, giảm áp lực trả lãi với ngân hàng, cũng như tạo thêm động lực cho DN đẩy nhanh tiến trình thực hiện dự án hơn”. Hiện dự án của Vạn Thành đang chạy hết tốc lực, để đầu quý 2-2015 sẽ đưa vào vận hành nhà xưởng mới kịp làm các đơn hàng mới.
Giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến (Miti) Nguyễn Trí Kiên cũng đang tất bật chạy tìm địa điểm để mở rộng xưởng sản xuất lên thêm 10.000m2, do nhà xưởng 8.000m2 hiện quá tải với số lượng công nhân đang làm việc lên tới 400 người.
“Thị trường xuất khẩu balô, túi xách đang tăng trưởng rất mạnh nên nhu cầu đặt hàng ngày càng cao. Chưa kể lãi suất cho vay đang ở mức rất hợp lý nên không thể bỏ qua cơ hội mở rộng nhà xưởng được nữa, vì tôi chần chừ cũng đã hai năm nay rồi. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để đẩy nhanh kế hoạch này và dứt khoát phải làm được” - ông Kiên cho biết.
Với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 14 tỉ đồng, nhà xưởng mới có thể tuyển dụng được thêm 500 lao động cùng 300 thiết bị mới, ông Kiên tính toán “nếu lãi suất cho vay trung - dài hạn mở rộng đầu tư sản xuất ở mức dưới 6%/năm, DN mới dễ thở, chứ hiện nay doanh nghiệp vẫn còn chịu rất nhiều áp lực bởi lãi suất trong khi sức mua trong nước vẫn còn rất yếu”.
Theo phân tích của ông Kiên, dù lãi suất cho vay trong thời gian qua đã hạ, nhưng nếu so với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc, DN trong nước vẫn còn gặp khó rất nhiều.
Doanh nghiệp đang chuyển biến tích cực
Tổng cục Thống kê cho biết trong hai tháng đầu năm 2015, cả nước có thêm 13.766 DN mới với tổng vốn đăng ký là 77.500 tỉ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng mạnh như kinh doanh bất động sản (88,8%), nông lâm thủy sản (57,9%), tài chính ngân hàng và bảo hiểm (55,4%), xây dựng (50,3%)... Ngoài ra, cả nước có 4.376 DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,2% so với cùng kỳ 2014. Theo Tổng cục Thống kê, đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế, thể hiện cơ hội đầu tư, kinh doanh của DN đang có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Dư nợ cho vay tăng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết một tín hiệu đáng mừng là dư nợ cho vay cũng nhích lên từ sau tết. Nếu như những năm gần đây, dư nợ cho vay những tháng đầu năm thường âm do “tháng giêng là tháng ăn chơi hội hè”, DN chưa dám khởi động làm ăn khi chưa biết triển vọng kinh tế, nhưng hai tháng đầu năm nay dư nợ trên địa bàn TP.HCM đã tăng 1,1%. Huy động vốn cũng tăng 0,53%.
“Tăng trưởng tín dụng không phụ thuộc đơn thuần vào lãi suất cho vay, bởi kinh tế vẫn còn khó khăn, DN chỉ dám vay khi tìm được đầu ra. Còn lại nhiều DN đành sử dụng vốn tự có, dư nữa thì gửi ngân hàng” - ông Minh nói.
|
Trần Vũ Nghi - Hồng Qúy - Đình Dân
tuổi trẻ
|