Thứ Ba, 03/03/2015 00:00

Quyền lực định giá dầu mỏ sẽ thuộc về ai?

Cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và Mỹ đang rất quyết liệt. Do vậy, liệu thế giới có chứng kiến một lần nữa sự chuyển giao quyền lực định giá dầu mỏ hay không? Quyền lực định giá dầu mỏ trong thời gian tới sẽ trong tay ai?

Trong lịch sử giá dầu mỏ trên thế giới, quyền lực định giá dầu đã trải qua các giai đoạn. Thứ nhất, trước năm 1930 là giai đoạn thị trường tự do. Thứ hai, giai đoạn từ 1930 đến 1972 do Mỹ quyết định thông qua tổ chức có tên gọi Texas Railroad Commission (TRC). Thứ ba, giai đoạn từ 1973 đến nay do Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định. Vấn đề là từ giữa năm 2014 đến nay, giá dầu giảm mạnh ngoài ý muốn của OPEC và trên thực tế OPEC không kiểm soát được.

Chắc chắn rằng, giá dầu mỏ thế giới liên quan tới nhiều yếu tố địa chính trị, chủ quan và khách quan nên khó có thể bao quát toàn diện mọi khía cạnh một cách đầy đủ, dưới đây là một số thông tin và phân tích có cơ sở thực tế.

Dầu mỏ trên thế giới đã được khai thác từ rất lâu và ban đầu chủ yếu khai thác và tiêu thụ ở nước Mỹ. Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, trên thế giới sản lượng dầu mỏ chủ yếu do 7 công ty nắm giữ. Bảy công ty này (còn gọi là "Seven Sisters") là Ango-Petroleum Oil Company (bây giờ là BP), Gulf Oil, Standard Oil of California (SoCal), Texasco (bây giờ là Chevron), Royal Dutch Shell, Standard Oil of New Jersey (Esso), và Standard Oil of New York (Socony).

Trước năm 1960, Seven Sisters kiểm soát tới 85% trữ lượng dầu mỏ trên thế giới. Tuy nhiên, quyền lực định giá dầu mỏ từ 1931 đến năm 1972 lại do TRC quyết định. TRC được thành lập năm 1891 tại Texas, Mỹ ban đầu không liên quan nhiều đến dầu mỏ. Năm 1931 do có sự bùng nổ về sản lượng khai thác dầu mỏ ở miền Đông Texas làm cho giá dầu giảm xuống còn 25 cent/thùng nên Thống đốc Bang Texas khi đó đã quyết định trao cho TRC quyền điều phối sản lượng khai thác cho các công ty dầu để ổn định giá dầu mỏ.

Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, quyền lực định giá dầu mỏ của TRC bị giảm sút mạnh do sự xuất hiện của OPEC và sự phát triển của các công ty dầu khí quốc gia. OPEC được thành lập năm 1960, ban đầu có 5 thành viên sáng lập là Iran, Iraq, Kuwait, Ả rập Xê út và Venezuela. Trong những phiên họp đầu tiên, OPEC đã phân công 2 thành viên chuyên nghiên cứu phương pháp kiểm soát giá dầu của TRC bằng việc điều tiết sản lượng khai thác. Vào cuối năm 1971, có thêm 6 thành viên tham gia OPEC gồm Qatar, Indonesia, Libya, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Algeria và Nigeria.

Sau hơn một thập niên từ khi thành lập, OPEC đã từng bước khẳng định vị thế của mình về quyền lực trong định giá dầu mỏ trên thế giới. Qua tổng hợp và phân tích giá dầu giai đoạn trước năm 1970, OPEC đã nhận ra rằng nhu cầu về dầu mỏ tăng nhưng giá dầu mỏ lại giảm tới 30%. Vào tháng 3/1971, lần đầu tiên TRC cho phép khai thác 100% công suất các mỏ dầu, nghĩa là TRC không còn nắm giữ được con bài sản lượng để điều tiết giá dầu được nữa trong khi OPEC lại đang lớn mạnh không ngừng.

Năm 1971, công suất khai thác dầu mỏ ở Mỹ đã đạt mức cực đại vì thế Mỹ đã mất công cụ để định giá trần dầu mỏ. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực kiểm soát giá dầu đã được chuyển từ Mỹ sang OPEC. Năm 1973, để phản đối Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ Ixraen, OPEC đã áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ làm cho giá dầu mỏ thế giới tăng gần 4 lần so với trước đó (hình 1). Từ đó cho đến thời gian gần đây, OPEC ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Cũng giống như các mặt hàng thông thường khác, giá dầu mỏ bị chi phối bởi quy luật cung cầu với chu kỳ có thể kéo dài tới vài năm. Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20, giá dầu mỏ tại thị trường Mỹ bị chi phối nặng nề từ việc kiểm soát sản lượng hoặc kiểm soát giá. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, giá dầu đầu giếng tại Mỹ trung bình 28,52 USD/thùng (tính theo USD năm 2010) trong khi giá trung bình thế giới gần 30,54 USD/thùng. Lịch sử cho thấy những đợt giá dầu tăng cao đều gắn liền với sự bất ổn ở Trung Đông; chính sách kiểm soát giá dầu và cấm xuất khẩu dầu của Mỹ đã kìm hãm việc thăm dò khai thác dầu trong nước làm cho Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu Trung Đông và Venezuela; đồng thời nói chung OPEC đã sử dụng quota sản lượng dầu một cách hữu hiệu để định giá dầu mỏ thế giới.

Hình 1: Diễn biến giá dầu mỏ
(Nguồn: Energy Information Administration)

Hiện tại, giá dầu mỏ giảm rất nhanh từ trên 100USD/thùng còn dưới 50USD/thùng. Đánh giá chung cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng tới việc giảm giá dầu mỏ thế giới là:

Sản lượng dầu khai thác ở Hoa Kỳ bùng nổ mạnh mẽ

Trong những năm gần đây, các công ty dầu ở Mỹ đã thành công trong việc khai thác dầu mỏ và khí đốt từ đá phiến làm cho sản lượng khai thác dầu mỏ ở Mỹ tăng mạnh mẽ (hình 2). Thực tế, Mỹ đang chuyển đổi từ một quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thành quốc gia hàng đầu về khai thác dầu mỏ. Sản lượng dầu mỏ tại Mỹ tăng rất nhanh tập trung từ 7 khu vực là: Bakken Region, Eagle Ford Region, Haynesville Region, Marcellus Region, Niobrara Region, Permian Region, và Utica Region. Tính từ 2007 đến 2014, sản lượng dầu mỏ từ 7 khu vực này tăng khoảng 4 triệu thùng/ngày. Mỹ đang thách thức các nhà khổng lồ là Ả rập Xê út và Nga về sản lượng dầu mỏ. Kết quả này là nhờ Mỹ đã thành công trong công nghệ khoan khai thác dầu khí từ đá phiến.

Tính từ năm 2005, ngoài OPEC thì khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Nga là có khả năng tăng nguồn cung về dầu mỏ. Hiện tại, quá nửa các thành viên OPEC sản lượng đang giảm. Trong 10 năm vừa qua, đã có thêm nhiên liệu sinh học nhưng rất hạn chế vì vấn đề an ninh lương thực.

Hình 2: Sản lượng khai thác dầu mỏ và condensate của 15 quốc gia

Tuy nhiên, do giá dầu thấp, năm 2015 nhiều công ty thăm dò khai thác dầu khí Mỹ cắt giảm trên 30% chi phí. Chắc chắn sẽ tác động mạnh tới nguồn cung trong thời gian tới theo hướng giảm. Qua tính toán cho thấy sản lượng khai thác sẽ tăng chậm hơn so với những năm vừa qua.

OPEC và Nga không giảm sản lượng

OPEC cung cấp khoảng 40% lượng dầu mỏ trên thế gới, trong đó Ả rập Xê út chiếm gần 1/3 nên có ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu mỏ thế giới. Chủ trương hiện nay của Ả rập Xê út là không chấp nhận mất thị trường, tạm thời chấp nhận giá dầu thấp để các nhà sản xuất dầu có chi phí cao phải đóng cửa và giá dầu sẽ tăng trở lại. Trong khi đó một số thành viên khác của OPEC lại muốn cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu. Tại kỳ họp vào tháng 11/2014, OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác và các động thái gần đây cho thấy Ả rập Xê út sẵn sàng để cho các thành viên khác của OPEC khổ sở vì giá dầu thấp cho tới kỳ họp tới vào tháng 6/2015.

Hình 3: Giá dầu ngân sách của các nước OPEC (Nguồn: Energy Information Administration)

Đồng thời, Nga là nước có sản lượng khai thác lớn nhất cũng cương quyết duy trì khả năng khai thác tối đa của mình nên không có cửa cho việc giảm nguồn cung (hình 2). Đa số các phân tích cho rằng Ả rập Xê út đang chịu đựng để ép cắt giảm sản lượng từ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ nơi có giá thành tương đối cao. Một số khác thì tin là Ả rập Xê út đang thỏa thuận ngầm với Mỹ để phá vỡ nền kinh tế của Nga, Iran và Venezuela. Nhìn tổng thể, nếu như giá dầu mỏ thấp và kéo dài thì nó sẽ làm cho tất cả các vấn đề nói trên trở thành hiện thực, kể cả Ả rập Xê út cũng không thể cân đối được ngân sách khi giá dầu cần cho họ là trên 90 USD/thùng (hình 3).

Cầu ở châu Á, châu Âu đã giảm

Trong khi nguồn cung tăng nhanh thì cầu từ các nước đang phát triển sử dụng nhiều năng lượng như Trung Quốc (thứ hai thế giới), Ấn Độ (thứ tư thế giới) lại giảm. Khủng hoảng toàn cầu đã làm nhu cầu về dầu mỏ ở châu Á giảm mạnh hơn tính toán, trong khi phần lớn chính phủ các nước ở châu Á lại cắt giảm trợ giá xăng dầu. Tại châu Âu, nhu cầu xăng dầu cũng giảm. Thống kê cho thấy, nửa đầu của mỗi năm cầu luôn giảm và tăng vào thời gian còn lại nhưng tổng thể cầu năm sau cao hơn năm trước (hình 4). Do vậy, mất cân đối cung cầu vẫn tiếp tục cho tới khi OPEC họp định kỳ vào tháng 6 năm 2015.

Đồng đô la Mỹ tăng mạnh

Dầu mỏ được định giá và giao dịch bằng tiền đô la Mỹ trên toàn cầu. Hiện tại đô la Mỹ đang rất mạnh so với các đồng tiền khác nên giá dầu ở ngoài nước Mỹ cho thấy đắt hơn và dẫn tới nhu cầu dầu giảm theo. Cùng với nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ tăng lên, lực cầu yếu ớt ở khu vực Á- Âu, đồng USD mạnh đang đẩy dầu mỏ giảm giá sâu hơn nữa.

Libya và Iraq đang tăng sản lượng khai thác dầu

Hiện tại, Libya, Iraq, Nam Sudan và Nigeria đang trở lại ổn định sản lượng khai thác dầu ở mức tăng dần. Các nước này đang rất cần tiền để khôi phục nền kinh tế nên họ sẽ cố gắng duy trì mức khai thác cao nhất có thể làm cho tổng nguồn cung tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tình hình chính trị tại các quốc gia này vẫn là vấn đề đáng quan ngại có thể ảnh hưởng tới việc giảm đột ngột sản lượng khai thác do xung đột chính trị.

Như trên chúng ta thấy trong 5 yếu tố tác động làm cho giá dầu mỏ giảm nhanh thì có 3 yếu tố tác động tới nguồn cung và 2 yếu tố tác động tới cầu. Trong 3 yếu tố tác động vào cung thì yếu tố thứ nhất sẽ được chính phủ Mỹ khuyến khích tăng tối đa sản lượng dầu khai thác. Tuy nhiên, yếu tố nguồn cung từ OPEC sẽ xảy ra theo hướng ngược lại, OPEC sẽ phải cắt giảm để nâng giá dầu mỏ.

Hình 4: Cân đối cung - cầu dầu mỏ (Nguồn: International Energy Agency)

Hiện tại, cung đang vượt cầu khoảng 2 triệu thùng/ngày và độ lệch này có thể được cân bằng từ ba yếu tố. Một là cầu chắc chắn sẽ tăng trở lại từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Hai là cung sẽ giảm do một số công ty dầu không chịu được giá dầu thấp. Ba là OPEC sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong phiên họp tới (thực tế tháng 01/2009, OPEC đã cắt 4,2 triệu thùng/ngày). Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang tranh thủ giá dầu thấp để tích trữ trong kho dự trữ của mình nên kể cả khi cung cầu ở mức cân bằng thì giá dầu cũng sẽ chưa tăng ngay mà có độ trễ nhất định. Dù sao nhìn tổng thể thì chu kỳ giảm giá dầu lần này xét từ các yếu tố tác động vào cung và tác động vào cầu đều không thể kéo dài. Nhìn lại chu kỳ giá dầu thấp vào năm 1985 và năm 2008 thì lần giảm giá dầu này có nhiều nét tương đồng với hai lần trước.

Mỹ đang bằng mọi cách để tối đa sản lượng dầu khai thác trong nước nhằm tự cân đối nhu cầu dầu mỏ của chính nước Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào dầu Trung Đông, Venezuela. Nhìn tổng thể, nỗ lực của Mỹ trong những năm vừa qua trong việc giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đã đạt được những kết quả nhất định. Trong cuộc chiến này, Mỹ đã đạt được cả hai mục tiêu khi giá dầu thấp là kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, đồng thời kìm hãm sự phát triển của một số quốc gia thù địch có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ điển hình là Nga, Venezuela và Iran. Trái lại, cần phải thấy rằng giá dầu thấp cũng đã phần nào tác động tiêu cực tới Mỹ trong việc phát triển sản lượng khai thác dầu khí từ đá phiến; tác động tiêu cực tới OPEC vì hầu hết nền kinh tế của 12 quốc gia thành viên OPEC đều phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ, nên chắc chắn rằng, trong kỳ họp sắp tới của OPEC vào tháng 6/2015, tổ chức này sẽ phải đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu mỏ lên mức hợp lý.

Đánh giá chung, các công ty dầu khí của Mỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm giá thành khai thác dầu đá phiến; quyền lực định giá dầu mỏ thế giới chưa thể dịch chuyển trong thời gian tới, nhưng vai trò của OPEC sẽ bị giảm, vai trò của Mỹ sẽ tăng; giá dầu mỏ sẽ tăng trở lại vào nửa sau năm 2015, có thể lên tới mức 80 USD vào cuối năm 2015. Về dài hạn, việc giá dầu mỏ trên 100 USD là khó xảy ra trừ phi có chiến tranh hoặc can thiệp chính trị. Mỹ sẽ dùng dầu mỏ làm con bài quan trọng để hỗ trợ duy trì vị trí siêu cường trên thế giới.

TS. ĐINH VĂN SƠN, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Năng lượng

Các tin tức khác

>   Ngày 13/4, sẽ có quyết định điều chỉnh giá xăng dầu (12/04/2015)

>   Dầu tăng tuần thứ tư liên tiếp sau 5 phiên biến động điên dại (11/04/2015)

>   Anh phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ gần sân bay Gatwick (10/04/2015)

>   Giá dầu ổn định sau phiên bán tháo (10/04/2015)

>   PetroVietnam sa sút lợi nhuận vì giá dầu (09/04/2015)

>   Dầu hạ thả phanh gần 7% và xóa sạch đà tăng 2015 (09/04/2015)

>   Đã đến lúc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (09/04/2015)

>   Mỹ trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới năm 2014 (08/04/2015)

>   Sau 1/5, giá xăng dầu sẽ không tăng đột biến (08/04/2015)

>   Dầu lập đỉnh 2015 trước báo cáo nguồn cung (08/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật