Thứ Sáu, 06/03/2015 08:10

Nhiều gói thầu của dự án mở rộng Quốc lộ 1 chậm tiến độ

Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), có tới 8 gói thầu của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đang bị chậm tiến độ.

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thăng Bình, Quảng Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho thấy, hiện đã có 7 dự án đoạn Thanh Hoá-Hà Tĩnh và 1 dự án Phan Thiết-Đồng Nai được đưa vào khai thác. 30 dự án khác đang triển khai thi công.

Đáng chú ý, trong 14 dự án trái phiếu Chính phủ đang tiếp tục triển khai thi công, có 2 dự án chưa đạt yêu cầu về tiến độ là 2 đoạn qua Phú Yên và Bình Thuận.

“Đến thời điểm này, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa-Cần Thơ mới đạt 47,3% khối lượng công việc,” ông Sanh cho biết.

Đối với các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), 6/16 dự án tiến độ thi công còn chậm gồm các đoạn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự án thành phần 2 Quảng Nam, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, hầm đường bộ Đèo Cả (chậm phần đường dẫn vào hầm) và đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp.

“Hầu hết các dự án đang thi công móng đường, khối lượng đạt từ 80-90%. Nhiều đoạn đã thi công được hơn 50% khối lượng mặt đường bê tông nhựa. Tuy nhiên, có một số dự án tiến độ vẫn còn chậm, khối lượng thi công móng đường đến thời điểm hiện tại chỉ đạt dưới 10% như đoạn BOT Bắc Bình Định-Nam Bình Định,” vị Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá.

Đề cập về chất lượng dự án, ông Sanh nhìn nhận, chất lượng công trình được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án. Một số đoạn BOT Bắc Bình Định thiết kế và thi công rãnh dọc cao hơn nhà dân, không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đến nay đã được xử lý, khắc phục.

“Hiện, vẫn còn một số gói thầu, dự án chậm tiến độ, có nguy cơ ảnh hưởng đến 'mốc' hoàn thành vào cuối năm 2015. Do vậy, Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban PPP khẩn trương rà soát năng lực nhà đầu tư, thay thế nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính và thi công để dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án,” ông Sanh nói.

Liên quan đến các dự án BOT, BT (xây dựng-chuyển giao), PPP (hợp tác công tư), theo ông Sanh, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý tới 54 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư lên tới hơn 168.000 tỷ đồng. Trong số này, có tới 47 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư hơn 160.000 tỷ đồng, gồm 41 dự án BOT, 6 dự án BT.

“Một số dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thời gian giải quyết bị kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ký kết hợp đồng chính thức, tiến độ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tiến độ thi công dự án,” ông Sanh phân tích.

Ngoài ra, nguồn cung cấp vật liệu khan hiếm và không đảm bảo chất lượng, nhà đầu tư tổ chức quản lý tại công trường thiếu chuyên nghiệp, chưa huy động đầy đủ năng lực phục vụ thi công theo tiến độ; công tác phối hợp với các Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa tốt… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án (như BOT Quốc lộ 1 Khánh Hoà, BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, BOT Bắc-Nam Bình Định)…

Riêng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, theo ông Sanh, tất cả các dự án bằng vốn trái phiếu Chính phủ và BOT đều đạt tiến độ yêu cầu. Hiện, thời tiết khu vực Tây Nguyên đang thuận lợi, các đơn vị đang tranh thủ thi công thảm bê tông nhựa.

Các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên dài 1.500km, qua 22 tỉnh và có khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 5.300 hộ dân phải bố trí tái định cư.

Trong đó, dự án Quốc lộ 1 đi qua 17 tỉnh, thành chia thành 38 dự án, đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ 20 dự án (42.834 tỷ đồng), 18 dự án theo hình thức BOT vốn đầu tư 50.164 tỷ đồng. Các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đi qua 5 tỉnh, chia thành 11 dự án. Trong đó, đầu tư trái phiếu Chính phủ 6 dự án, với tổng vốn đầu tư 7.080 tỷ đồng; 5 dự án theo hình thức BOT với tổng vốn 5.994 tỷ đồng. Mục tiêu dự án sẽ về đích trước ngày 30/6/2015, vượt tiến độ 6 tháng so với yêu cầu.

Việt Hùng

vietnam+

Các tin tức khác

>   Tổng kiểm tra chung cư trên địa bàn TP.HCM (06/03/2015)

>   Nhà đầu tư ngoại rút khỏi dự án “khu đất vàng” tại TPHCM (05/03/2015)

>   Chỉ số giá bất động sản tại TPHCM tiếp tục ổn định (05/03/2015)

>   Lotte đã "thâu tóm" Diamond Plaza (05/03/2015)

>   Muốn tái định cư cũng không xong (05/03/2015)

>   Nhiều “ông lớn” xếp hàng "mua" cảng biển (04/03/2015)

>   Không được cấp đất nằm trong hành lang ATGT đường sắt (04/03/2015)

>   Địa ốc Hoàng Quân ký kết hợp tác toàn diện với Viglacera (04/03/2015)

>   Vụ chậm giao mặt bằng dự án metro Bến Thành – Suối Tiên: Bác hầu hết khiếu nại (03/03/2015)

>   Đề xuất các phương án xây cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền (03/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật