EVN sẽ có thêm 13.000 tỉ đồng từ việc tăng giá điện
Theo trả lời với báo chí tại cuộc họp báo diễn ra chiều nay (6/3), ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết với mức tăng giá điện 7,5% từ ngày 16-3 sẽ giúp EVN tăng doanh thu thêm 13.000 tỉ đồng trong năm 2015 và theo đó EVN có thể đạt lợi nhuận khoảng 1.500 tỉ đồng trong năm nay.
* Điện lên 2.579 đồng/kWh, EVN tăng thu 15.000 tỷ?
Ông Đinh Quang Tri , Phó tổng giám đốc EVN. Ảnh: EVN
Mặc dù giá dầu giảm, nhưng các chi phí đầu vào khác như than, giá khí, thuế tài nguyên,... đã làm tăng chi phí sản xuất điện gần 10.500 tỉ đồng. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ giúp phân bổ được các khoản chi phí tăng thêm vào giá điện từ năm 2015 trở đi, theo giải thích của EVN. Nội dung "trần tình" này được EVN phát đi hôm nay (6/3).
Trả lời trên Đài truyền hình Việt Nam tối cùng ngày 6/3 về tác động từ việc tăng giá điện đến các ngành sản xuất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc giá điện tăng 7,5% sẽ làm tăng giá thành sản xuất của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện như thép, xi măng..., thêm khoảng 0,2 – 0,8%.
Theo ông Hoàng, hiện nay ngành điện vẫn duy trì không thu tiền điện cho mức 30 kWh điện đầu tiên đối với các hộ nghèo tính từ tháng 8-2013 và lần tăng giá điện này cũng giúp duy trì việc trả tiền điện cho các hộ nghèo.
|
Cụ thể, theo EVN, vào thời điểm xây dựng phương án giá điện mới, tính từ ngày tăng giá điện gần nhất là 1-8-2013 đến ngày 31-1-2015, các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện là 1.658 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nhờ yếu tố giá dầu giảm. Tuy nhiên, các yếu tố khác làm tăng chi phí sản xuất điện lên đến 10.491 tỉ đồng, gồm giá than tăng (làm tăng chi phí phát điện thêm 4.485 tỉ đồng), do điều chỉnh giá khí trên bao tiêu (làm tăng chi phí thêm 3.532 tỉ đồng), tỷ giá bình quân tăng (105,6 tỉ đồng), thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% (tăng thêm 1.590 tỉ), chi phí môi trường rừng…
Sau khi cấn trừ, tổng các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện trong khoảng thời gian tính từ lần tăng giá điện gần nhất đến ngày 31-1-2015 là 8.833 tỉ đồng.
Theo EVN, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá tính đến ngày 31-12-2013 là 8.811 tỉ đồng. Do vậy, theo phương án tính giá điện mới sắp tới thì khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 là 926 tỉ đồng, số tiền còn lại sẽ được phân bổ vào giá điện các năm từ 2016 trở đi.
Trước đó vào hôm qua (5-3), Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc nâng giá bán lẻ điện bình quân thêm 7,5% và thời gian áp dụng giá mới sẽ bắt đầu từ ngày 16-3.
Nội dung cuộc họp cho biết việc điều chỉnh giá điện lần này nhằm đảm bảo cho EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng hơn 8.800 tỉ đồng). Việc tăng giá điện cũng phải đảm bảo cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
Tuy nhiên, đại diện một số ngành sản xuất và chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo lắng và cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi thì chi phí sản xuất tăng sẽ tạo thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp, trong đó có một số ngành sử dụng nhiều điện như sắp thép, xi măng, nhựa, hóa chất …
Lan Nhi - Văn Nam
tbktsg
|