EIB: KQKD năm 2015 sẽ khởi sắc sau khi trích lập dự phòng ồ ạt?
Năm 2014, EIB ồ ạt trích lập dự phòng hoạt động tín dụng, đầu tư và điều này giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng trong thời gian tới. Chúng ta có thể kỳ vọng hoạt động năm 2015 của ngân hàng này sẽ khả quan hơn.
Giảm mạnh hoạt động cho vay liên ngân hàng. Theo BCTC hợp nhất năm 2014 (chưa kiểm toán) của Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu VN (HOSE: EIB), tính đến cuối năm 2014, khoản mục tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác của ngân hàng này là 39,463 tỷ đồng, giảm mạnh 31.8% so với cuối năm 2013. Trong đó chủ yếu là khoản mục tiền vàng gửi tại các TCTD khác với 33,219 tỷ đồng. Hoạt động cho vay các TCTD giảm mạnh từ 27,558 tỷ đồng cuối năm 2013 xuống còn 6,243 tỷ đồng.
Như vậy, so với giai đoạn 2012 -2013 thì hoạt động của EIB đã có sự thay đổi đáng kể khi ngân hàng này giảm mạnh hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu tăng cao. Khoản mục cho vay khách hàng của EIB đến cuối năm 2014 đạt 87,146 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4.5% so với cuối năm 2013.
Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.98% lên 2.46%, trong đó nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh. Do đó, dự phòng rủi ro tín dụng của EIB đã tăng mạnh từ 711 tỷ đồng cuối năm 2013 lên mức 1,023 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự phòng cụ thể trích lập trong quý 4 lên tới 519 tỷ đồng, và số nợ khó thu hồi được xử lý trong kỳ bằng nguồn dự phòng lên tới gần 200 tỷ đồng.
EIB tích cực cơ cấu lại các khoản cho vay trong năm 2014? Một điểm cần lưu ý trong hoạt động tín dụng của EIB trong năm 2014 đó là các khoản nợ vay trung và dài hạn bất ngờ tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tín dụng. Không loại trừ khả năng EIB đã tiến hành cơ cấu lại các khoản cho vay trong năm 2014 theo Quyết định 780/QĐ-NHNN (cơ chế này sẽ hết hạn vào ngày 01/04/2015).
Như vậy, việc tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của EIB chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thanh khoản của ngân hàng này.
Dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng vọt trong quý 4/2014. Tổng giá trị chứng khoán đầu tư của EIB tăng mạnh 37.5% trong năm 2014, lên mức 20,152 tỷ đồng. Khoản mục chứng khoán đầu tư bao gồm chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán là 3,633 tỷ đồng và chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn là 16,518 tỷ đồng. Theo BCTC 6T/2014, chứng khoán đầu tư của EIB chủ yếu là các chứng khoán nợ phát hành cho các TCTD và tổ chức kinh tế.
Dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư cũng tăng mạnh lên mức 228 tỷ đồng, trong khi năm 2013 là 0 tỷ đồng, và cũng được ghi nhận chủ yếu trong quý 4/2014.
Huy động tăng giúp chỉ số thanh khoản cải thiện. Giảm hoạt động vay liên ngân hàng. Hoạt động huy động tiền gửi của khách hàng trong năm 2014 đã tăng trưởng mạnh 27.5% và số dư đến cuối năm đạt mức 101,371 tỷ đồng, giúp chỉ số cho vay khách hàng/huy động động khách hàng của EIB giảm xuống mức 86%. Điều này giúp EIB cải thiện hơn vấn đề thanh khoản của mình. Đây cũng là tiền đề để giúp EIB giảm phụ thuộc vào hoạt động vay trên liên ngân hàng. Theo đó, khoản mục vay các TCTD khác của EIB giảm từ mức 30,209 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 11,489 tỷ đồng cuối năm 2014.
Nợ xấu gia tăng, kết quả kinh doanh năm 2014 giảm “sốc”. Tổng thu nhập của EIB trong năm 2014 đạt 2,943 tỷ đồng, giảm 9.4% so với năm 2013. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2,710 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%; thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng có sự khởi sắc khi đạt lần lượt 346 tỷ đồng (tăng 25.7%) và 170 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 113 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, hoạt động khác đã lỗ 261 tỷ đồng (năm ngoái lời 204 tỷ đồng) và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần lỗ 19 tỷ đồng (năm ngoái lời 150 tỷ đồng).
Chi phí hoạt động của EIB năm 2014 là 2,005 tỷ đồng, giảm nhẹ 5.5% so với 2013. Tuy nhiên, việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến lên 869 tỷ đồng, tăng gần 2.9 lần (xem thêm phía trên) đã khiến cho tổng lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 69 tỷ đồng (giảm 91.7 %) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông ngân hàng mẹ chỉ còn 56 tỷ đồng (giảm 91.5%).
NIM tiếp tục đà giảm nhẹ. So với năm 2013 thì chỉ số NIM của EIB tiếp tục giảm nhẹ khi chỉ đạt 1.76% trong năm 2014. Việc lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể được điều chỉnh giảm 1-1.5% trong năm 2015 có thể khiến NIM của EIB tiếp tục gặp khó khăn, khi hoạt động cho vay trung và dài hạn của ngân hàng này đang chiếm tỷ trọng khá cao.
Năm 2014, hoạt động huy động, thanh khoản và tỷ suất sinh lãi của EIB đã có sự cải thiện. Bên cạnh đó, việc EIB đẩy mạnh việc trích lập dự phòng hoạt động tín dụng, đầu tư của mình cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng trong thời gian tới, và do đó, hoạt động năm 2015 có thể sẽ khả quan hơn. Rủi ro của EIB là các khoản vay trung và dài hạn của ngân hàng này đang chiếm tỷ lệ khá cao và điều này có thể xuất phát từ hoạt động cơ cấu lại các khoản vay theo Quyết định 780/QĐ-NHNN.
Duy Nam
|