Thứ Năm, 19/03/2015 10:29

Doanh nghiệp xây dựng: Lãi ngàn tỷ và cuộc chiến “trụ hạng”

Theo thống kê của Vietstock, lần đầu tiên trong 3 năm qua mới có một doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành xây dựng báo lãi ngàn tỷ đồng. Ngược lại, có 4 doanh nghiệp phải nói tiếng rời sàn do lỗ 3 năm liên tiếp.

Xuất hiện doanh nghiệp lãi ngàn tỷ

Trong năm 2014, tổng lợi nhuận ngành xây dựng (gồm 111 doanh nghiệp niêm yết) tạo ra hơn 3,583 tỷ đồng, gần gấp 5 lần so với năm 2013. Bên cạnh những trường hợp thoát lỗ ngoạn mục, top dẫn đầu về lợi nhuận (giá trị tuyệt đối) ngoài những cái tên quen thuộc như năm trước REE, VCG, CTD, FCN, PXS… thì còn có thêm một số gương mặt mới đầy bất nhờ như HUT, PVX, CII hay VNE

Trong số đó, Cơ điện lạnh (HOSE: REE) là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận 2014 vượt 1,000 tỷ đồng nhờ đóng góp lớn từ lợi nhuận công ty liên kết và cổ tức được chia.

Theo đó, tính chung cả năm 2014, REE đạt 2,629 tỷ doanh thu thuần, tăng 9% so với năm 2013 và đạt 99% kế hoạch năm. Lãi ròng 1,099 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2013 và vượt 23% kế hoạch năm.

Đóng góp lớn vào kết quả cả năm nhờ vào quý 4/2014 khi mà khoản lợi nhuận từ liên doanh liên kết tăng gấp 4 lần cùng kỳ lên 176.7 tỷ đồng, chủ yếu từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP) và CTCP ĐT Hạ tầng BĐS Việt Nam (VIID).

Ngoài ra, trong quý 4/2014, REE cũng không phải phân bổ lợi thế thương mại từ liên doanh liên kết (do đã phân bổ hết), trong khi cùng kỳ năm trước số lợi thế thương mại phải phân bổ là 23 tỷ đồng. Cổ tức lợi nhuận được chia cũng lên mức hơn 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ gần 40 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng nhận được sự đóng góp lớn từ doanh thu tài chính và lãi liên kết đó là ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII). Riêng trong quý 4, CII ghi nhận 1,012 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 6 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng vượt trội thì doanh thu tài chính cũng gấp 4 lần khi đạt 359 tỷ đồng. Hai nguồn thu tài chính lớn nhất của CII là lãi tiền gửi, tiền cho vay và nguồn thu khác. Đây là nhân tố chủ yếu góp phần đẩy lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ CII đột biến lên 143 tỷ đồng, gấp đôi quý 4/2013.

Lũy kế cả năm, CII ghi nhận 2,649 tỷ đồng doanh thu thuần, doanh thu tài chính hơn 627 tỷ đồng (hơn gấp đôi năm trước), lãi liên kết hơn 58 tỷ đồng (năm trước lỗ 33 tỷ); và lãi ròng 388 tỷ đồng, tăng trưởng 350% so với năm trước và xếp vị trí thứ hai về lợi nhuận. Với kết quả này, CII đã vượt 66% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

So sánh lợi nhuận năm 2014 của top 10 doanh nghiệp xây dựng

Cũng nằm trong top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết có lãi cao nhất nhưng Tasco (HNX: HUT) ghi ấn tượng khi nguồn thu mang lại hoàn toàn nhờ vào hoạt động chính là xây dựng. Nhờ hoàn thành xây dựng tuyến đường bộ đoạn Phủ Lý – Mỹ Lộc, HUT có doanh thu hơn 2,000 tỷ trong quý 4/2014. Lãi trong quý theo đó đạt gần 234 tỷ đồng, kéo lãi cả năm lên gần 258 tỷ đồng, gấp 21 lần năm 2013.

Ngoài ra phải kể đến một doanh nghiệp từ đứng trước nguy cơ hủy niêm yết đã vươn lên vị trí trong top 10 đó là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX). Cụ thể, trong hai quý cuối năm 2014, tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn khi PVX có lãi lần đầu sau 9 quý lỗ nặng trước đó. Đáng chú ý là kết quả quý 4 trở thành cứu cánh khi lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 vẫn lỗ hơn 205 tỷ đồng.

Theo đó, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 491 tỷ đồng (chủ yếu từ lãi tiền gửi và cho vay), gấp 6.7 lần cùng kỳ và chi phí tài chính của PVX âm 91 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (126 tỷ đồng) nên lãi ròng quý 4 đạt 323 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2014, PVX lãi ròng 118 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 2 năm liên tiếp lỗ khủng (năm 2013 lỗ 1,622 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 1,338 tỷ đồng). Và kết quả này sẽ giúp PVX thoát án hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả kiểm toán vẫn không có gì thay đổi.

“Người lên ngựa, kẻ chia bào”

Kết thúc niên độ tài chính 2014 cũng là lúc xác định doanh nghiệp nào sẽ tiếp tục cuộc chơi và doanh nghiệp nào phải rời sàn theo quy định bắt buộc (lỗ 3 năm liên tiếp hay lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp). Và có thể nói chưa năm nào cuộc chiến “trụ hạng” lại nhiều cảm xúc như năm 2014 khi hàng loạt tên tuổi lớn thoát hiểm trong gang tấc.

Ngoài PVX là một minh chứng được kể ra ở trên thì PVV, LCG và CTM cũng là 3 doanh nghiệp tương tự. Nếu PVV có sự bứt phá “thần kỳ” trong quý 4 khi lãi đến hơn 31 tỷ đồng (dứt chuỗi 12 quý lỗ liên tiếp), kéo lãi cả năm lên 3 tỷ đồng thì LCG suýt khiến giới đầu tư phải “đau tim” khi bất ngờ lỗ nặng trong quý 4.

Cụ thể, sau khi ghi nhận lãi đều trong 3 quý đầu năm 2014, nhà đầu tư dường như tin chắc LCG sẽ có kết quả tốt luôn trong quý 4 thì bất ngờ lợi nhuận sau thuế ghi nhận được là con số âm 17.6 tỷ đồng (nguyên nhân là do công ty con Licogi 166 lỗ hơn 18 tỷ). Kết quả năm 2014, LCG phải nhờ đến khoản lợi ích cổ đông thiểu số âm 16 tỷ đồng mới may mắn thoát lỗ năm 2014, đạt lãi 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây dựng thoát án hủy niêm yết trong gang tấc

Dù gì thì đó cũng là những doanh nghiệp “may mắn” ở lại khi nhìn về 4 doanh nghiệp ngành xây dựng (SD1, V15, SRA, VPC) có thể phải nói lời “tiễn biệt” sàn niêm yết trong năm nay nếu kết quả kiểm toán 2014 mà lợi nhuận vẫn là con số âm.

Trong số này, đáng buồn nhất có lẽ là Sông Đà 1 (HNX: SD1) khi vừa lỗ 3 năm liên tiếp vừa bị âm vốn chủ sở hữu. Trong đó, mức lỗ bình quân mỗi năm tầm 35 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 ở mức gần 66 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ thực góp là 50 tỷ đồng.

Không khá gì hơn, Xây dựng số 15 (HNX: V15) cũng chỉ còn 2.5 tỷ đồng nữa là lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 sẽ vượt vốn điều lệ thực góp. Qua 3 năm 2012, 2013 và 2014, V15 lỗ lần lượt là 11 tỷ, 61 tỷ và hơn 29 tỷ đồng. VPC và SRA cũng là những tên tuổi đã phải chịu thua lỗ liên tiếp trong 3 năm qua.

Doanh nghiệp xây dựng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Đáng buồn là vậy nhưng đây chưa phải là những doanh nghiệp đứng nhất nhì về thua lỗ năm 2014. Ngôi đầu thuộc về PXT với mức lỗ hơn 159 tỷ đồng. Chỉ có một điểm chung giữa PXT và những doanh nghiệp sắp rời sàn ở trên là việc kinh doanh dưới giá vốn. Năm 2014, PXT tạo ra doanh thu hơn 181 tỷ đồng nhưng giá vốn đến 199 tỷ đồng, đây cũng là nguyên nhân khiến công ty lỗ nặng. Ngoài ra, dù chỉ lỗ 2 năm liên tiếp nhưng lỗ lũy kế (194 tỷ) PXT cũng đã sắp vượt vốn điều lệ thực góp (200 tỷ đồng).

Top 10 doanh nghiệp xây dựng có lãi lớn nhất năm 2014

15 doanh nghiệp xây dựng lỗ năm 2014                

Top 10 doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng lợi nhuận năm 2014

Top 10 doanh nghiệp xây dựng giảm lãi năm 2014

Những doanh nghiệp xây dựng chuyển mình từ lỗ sang lãi

Những doanh nghiệp xây dựng từ lãi sang lỗ

Top 10 doanh nghiệp xây dựng có EPS cao nhất năm 2014

Sanh Tín

Các tin tức khác

>   MSN: 25/03 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2015 (17/03/2015)

>   PXS: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (17/03/2015)

>   DNSE: Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại thời điểm 31/12/2014 (17/03/2015)

>   Cholimex: Lãi cả năm 50 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch (17/03/2015)

>   STU: Nghị quyết Hội đồng quản trị (17/03/2015)

>   Danh sách các CTNY đã nộp BCTC Kiểm toán năm 2014 (tính đến hết ngày 16/03/2015) (17/03/2015)

>   Danh sách các CTCK đã nộp BCTC Kiểm toán năm 2014 và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính năm 2014 (tính đến hết ngày 16/03/2015) (17/03/2015)

>   L44: Kế hoạch 2015 lợi nhuận đạt 1.5 tỷ đồng (17/03/2015)

>   D2D: BCTC năm 2014 (17/03/2015)

>   D2D: BCTC Hợp nhất năm 2014 (17/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật