DNNY ngành nông: Những nốt trầm cho bản nhạc thăng
Không hưởng mùa bội thu những tháng cuối năm như một số ngành nghề khác, ngành nông nghiệp niêm yết chứng kiến sự sụt giảm mạnh lợi nhuận. Tuy nhiên nhờ sự tích góp trong suốt 12 tháng từ hoạt động kinh doanh chính lẫn các hoạt động khác đã đưa kết quả cả năm tăng trưởng 18% về lợi nhuận.
Lợi nhuận quý 4 năm 2013-2014 của các doanh nghiệp niêm yết ngành nông
Vì sao lợi nhuận ngành “teo tóp” gần 45% trong quý 4?
Quý 4/2014, mặc dù doanh thu chỉ giảm nhẹ 3%, đạt 2,295 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp trên sàn chứng khoán chịu sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận sau thuế với 45% so với cùng kỳ, đạt chưa đến 367 tỷ đồng và chỉ đóng góp khoảng 15% lợi nhuận cả năm. Có thể thấy ảnh hưởng lớn nhất đến từ 3 ông lớn có liên quan đến cao su là PHR (Cao su Phú Hòa), DPR (Cao su Đồng Phú), TRC (Cao su Tây Ninh) và HAG (Hoàng Anh Gia Lai).
Nếu như trong quý 4 năm ngoái, HAG đóng góp đến 36% tổng lợi nhuận ngành với 240 tỷ đồng thì đến quý 4/2014 chỉ còn hơn 53 tỷ đồng, giảm đến 78% và chỉ còn chiếm 14% tổng lợi nhuận ngành. Đây được xem là kỳ mà HAG đạt lợi nhuận thấp nhất trong 6 năm qua, cơ cấu doanh thu trong kỳ cho thấy thay đổi đáng kể khi doanh thu từ bán mủ cao su và bán đường giảm mạnh lần lượt 31% và 63%.
DPR mặc dù doanh thu tăng nhẹ 5% song do giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ nên lợi nhuận giảm hơn một nửa, chỉ đạt 135.6 tỷ đồng. Chung “cảnh ngộ” về giá bán cao su giảm, PHR cũng giảm lợi nhuận đến 42%, đạt khoảng 104.5 tỷ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận của TRC đều giảm, trong đó lợi nhuận giảm 25%, đạt 39 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận quý 4/2014 của các doanh nghiệp niêm yết ngành nông
Không chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận toàn ngành nhưng SSC, TNC gây chú ý khi lợi nhuận tăng trưởng dẫn đầu, hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 24.5 tỷ và 5.5 tỷ đồng; NSC cũng tăng đến 90%, đạt hơn 37 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng cần nhìn lại khi TNC thực chất thì hoạt động kinh doanh chính lỗ gần 2 tỷ đồng nhưng nhờ có được khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản đã mang lại mức lãi sau cùng 5.5 tỷ đồng. SSC thì nhờ nhu cầu giống cây trồng thị trường thay đổi nên cơ cấu sản phẩm tiêu thụ thay đổi theo, góp phần đưa lãi sau thuế gia tăng đáng kể. Còn NSC có mùa vụ nhuận hai tháng 9 nên một phần sản lượng quý 3 được chuyển sang quý 4, cộng thêm việc Công ty tăng sản lượng tiêu thụ trong kỳ đưa doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.
Năm 2014 – “Nốt trầm” cao su, “nốt thăng” cây trồng khác
Những tháng cuối năm 2014 khá bi quan, thậm chí cả năm hiện lên những “nốt trầm” tuy nhiên xét tổng thể thì ngược lại, sự tích lũy 12 tháng mang lại thành quả đáng kể khi doanh thu không chuyển biến nhiều nhưng “bản nhạc” lợi nhuận “thăng” hơn 20% so với năm 2013, đạt 2,353 tỷ đồng. Theo đó thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần của ngành được cải thiện khi đạt 30.4%, năm trước chỉ có 20%.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2013-2014 của các doanh nghiệp niêm yết ngành nông
Đóng góp đáng kể là HAG khi doanh thu chỉ tăng hơn 10% nhưng lợi nhuận tăng đến 74%, đạt 1,475 tỷ đồng, chiếm 63% lợi nhuận toàn ngành. Tỷ suất lợi nhuận của ông lớn này cũng ở mức cao nhất 48%. Tuy nhiên, điều này là nhờ trong quý 3, HAG có được khoản doanh thu tài chính hơn 756 tỷ đồng từ lãi chuyển nhượng công ty con Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh đã đóng góp đáng kể lãi cho cả năm.
Nhóm cây trồng về cao su, ngoài VHG tăng trưởng về lợi nhuận có được từ việc tái cơ cấu trong ngành nghề kinh doanh chính và chi phí lãi vay giảm một nửa trong năm qua thì những doanh nghiệp cao su còn lại đều sụt giảm về lợi nhuận. Giảm đáng kể nhất là TNC với gần 50% khi chỉ đạt lãi 17.5 tỷ đồng, DPR giảm hơn 40%, lãi còn khoảng 214 tỷ đồng. Đáng chú ý là HRC mặc dù lãi hơn 56 tỷ đồng, giảm nhẹ 14% nhưng thực chất đây là lãi từ thanh lý cây cao su, trong khi kinh doanh chính từ bán mủ cao su lỗ hơn 700 triệu đồng. TRC lãi cũng giảm 8%, với hơn 138 tỷ đồng lãi thì trong đó khoảng hơn 25% là lãi từ việc thanh lý cây cao su.
* TRC: Lãi năm 2015 dự kiến giảm gần 80%
Có thể thấy tình hình biến động giá cao su trong năm qua đã không theo chiều hướng thuận lợi cho các doanh nghiệp này, giá bán thấp hơn trong khi một số vẫn đối mặt với lãi vay cao khiến lợi nhuận sụt giảm, kết quả kinh doanh cuối cùng còn phụ thuộc nhiều vào những khoản doanh thu khác, đặc biệt là thanh lý cây cao su thay vì hoạt động chính là bán mủ cao su.
Ngược lại thì nhóm cây trồng khác là những “nốt thăng” như NSC, SSC có mức tăng trưởng lợi nhuận 24% và 12%, đạt gần 94 và 87 tỷ đồng, đây là hiệu quả của việc thay đổi cơ cấu sản phẩm rau quả theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp như APC thì chi phí tài chính giảm một nửa đã đưa lợi nhuận tăng trưởng đến 59% trong năm 2014, đạt 24.7 tỷ đồng.
Xét tổng thể, mặc dù số lượng doanh nghiệp trồng cao su và cây trồng khác nhiều hơn nhưng trong cơ cấu lợi nhuận ngành thì HAG vẫn chiếm tỷ trọng lớn với gần 63% trong năm 2014.
Cơ cấu lợi nhuận năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết ngành nông (%)
Hầu hết các doanh nghiệp đều có các khoản nợ phải trả trong năm 2014 đặc biệt là nợ vay. Riêng TRC và DPR có nợ vay dài hạn tăng lên gấp nhiều lần so với đầu năm; TRC tăng từ 1.4 lên 46.7 tỷ đồng; DPR tăng từ 55 lên 206 tỷ đồng. Về nợ vay ngắn hạn, ngoài HAG tăng hơn gấp đôi lên 6,840 tỷ đồng và SSC tăng 79% lên gần 59 tỷ đồng thì phần lớn các doanh nghiệp đã giảm đáng kể, đặc biệt là HRC và TRC giảm đến hơn 95%.
Theo đó thì tính đến cuối năm 2014, tổng nợ vay ngắn hạn là 7,537 tỷ đồng tăng 74% chủ yếu là tác động từ HAG; vay dài hạn là 11,949 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm.
Nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết ngành nông tính đến 31/12/2014
Vốn đầu tư CSH, nợ phải trả và tổng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết ngành nông
cuối năm 2014
Trần Hạnh
|