DNNY ngành gỗ: “Ông lớn” thi nhau bứt tốc trên nhiều mặt trận
Cùng tình cảnh khá giống nhau khi lãi 2-3 năm trước đều lẹt đẹt mãi chẳng vượt được con số 10 tỷ đồng, hai đơn vị lớn nhất trong ngành là Gỗ Trường Thành và Tập đoàn Đức Long Gia Lai trong năm 2014 đang bứt tốc và dường như đang lột xác từ những tiến trình tái cấu trúc diễn ra trong năm.
Khi “ông lớn” làm chủ cục diện và bứt tốc!
Khai thác chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ là mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) trong những năm qua. Nguồn cung chủ yếu cho mảng kinh doanh này đến từ khu vực rừng cao su mà công ty tự trồng và cây gỗ cao su thanh lý từ Tổng Công ty Cao su Việt Nam với diện tích khoảng 2,520 ha/năm.
Doanh thu tăng trưởng hơn 25% so với năm 2013, đồng thời chi phí lãi vay được tiết giảm đáng kể do mặt bằng chi phí lãi vay giảm thấp đã giúp DLG trong năm 2014 thu về gần 54 tỷ đồng lãi ròng, gấp bội phần so với kết quả đạt được trong hai năm liền trước vào khoảng 1-2 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo nhận định của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong năm 2015, DLG sẽ không đặt mục tiêu cao tại mảng sản xuất này do tập trung năng lực tại một số mảng kinh doanh chiến lược khác. 2,000 tỷ doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận là kế hoạch trong năm nay của DLG. Trong đó, doanh thu kỳ vọng của mảng sản xuất gỗ trong năm 2015 chỉ khoảng 120 tỷ đồng, dự chiếm 8% trong cơ cấu doanh thu.
Thông tin ghi nhận những tháng gần đây, DLG đã phát hành riêng lẻ thành công 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, 5 triệu trái phiếu chuyển đổi cho Quản lý Quỹ Thăng Long (TLCF). Bên cạnh đó, trong thời gian tới đơn vị này còn dự kiến lấn sân sang điện tử - viễn thông bằng cách phát hành 20.4 triệu cp để hoán đổi cổ phiếu Mass Noble tỷ lệ 1:1.43 nhằm triển khai chiến lược trở thành tập đoàn đa ngành của mình như ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua vào cuối tháng 11/2014.
Cơ cấu doanh thu của nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành gỗ trong năm 2014
Một đại gia khác trong ngành gỗ là Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF). Nút thắt về áp lực nợ vay ngắn hạn đã dần được gỡ bỏ khi doanh nghiệp này bán được gần 900 tỷ đồng cho Công ty Mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC). Miễn một phần chi phí lãi vay, đồng thời một lượng lớn hàng tồn kho thế chấp thời gian trước sẽ được giải phóng và đưa vào sản xuất kinh doanh kỳ vọng sẽ giúp TTF bước dần ra khỏi vũng bùn.
Sau những sự kiện trên, kết quả kinh doanh của TTF vì thế mà khởi sắc rõ rệt bắt đầu từ quý 2 và tăng mạnh vào quý 4/2014. Doanh thu dù suy giảm 4% song không còn gánh nặng chi phí lãi vay lớn đã giúp đơn vị này thu về gần 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp nhiều lần so với kết quả của hai năm trước đó.
KQKD nhóm doanh nghiệp ngành gỗ trong năm 2014
Những kết quả kinh doanh khả quan của TTF cũng gắn liền với kế hoạch tiếp tục phát hành thêm 40 triệu cp, giá từ 10,000 đến 15,000 đồng/cp nhằm nâng vốn lên gần 1,500 tỷ đồng. Nếu phương án này thành công sẽ đưa chỉ số đòn bẩy tài chính của TTF sớm về ngưỡng an toàn - được xem là một trong những “chuẩn” để TTF nhận được sự hợp tác toàn diện từ nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn OJI Nhật Bản.
Dòng tiền mới được “bồi đắp” từ các phương án phát hành huy động vốn cùng cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và với nhiều cơ hội đầu tư mới đã giúp hai ông lớn trên tăng trưởng đáng kể trong năm 2014 cũng như tạo đà khá tốt cho giai đoạn sắp tới, khi Việt Nam bước gần đến các hiệp định thương mại, kết nối toàn cầu trong năm nay.
Cơ cấu nợ vay nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành gỗ trong năm 2014
Dẫu thế, nợ vay lớn vẫn đang là mối nguy hại thường trực về rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng mà hai đại diện đã và đang phải đối diện. Đặc biệt với TTF khi tổng nợ vay (nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 1,800 tỷ đồng) đang gấp 1.6 lần vốn chủ sở hữu (gần 1,200 tỷ đồng). Dù hiện đã có hướng đi để gỡ nút thắt, song nếu không quản lý tốt đồng vốn và ít chú trọng để hiệu quả bộ máy doanh nghiệp nhiều khả năng TTF sẽ lặp lại vết xe đổ của chính mình như giai đoạn 2011 – 2012. Không chịu áp lực nợ vay ngắn hạn lớn như TTF, song nợ vay dài hạn của DLG trong năm 2014 cũng rất đáng chú ý khi đã gia tăng hơn 70% lên 1,790 tỷ đồng. Hiện tại tổng nợ vay của DLG vào khoảng 1,945 tỷ đồng, gấp 1.2 lần vốn chủ sở hữu.
Và “dân nhỏ” cũng chẳng hề kém cạnh hơn thua
Top kế tiếp tăng trưởng của ngành trong năm 2014 là ba đơn vị Nam Việt (HOSE: NAV), Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) và Gỗ Thuận An (HOSE: GTA). Cả ba đơn vị này đều tăng trưởng khá tốt trong năm qua, kết quả tốt nhất thuộc về NAV với lãi ghi nhận năm 2014 đạt 7.7 tỷ đồng, gấp đôi so với 2013.
Nhưng nếu xét về con số tuyệt đối, Gỗ Đức Thành hiện đang dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp kể trên với mức lãi 2014 đạt 53 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của GDT tăng trưởng đều qua các năm và tiếp tục được hỗ trợ bởi giá gỗ cao su vẫn đang trong xu hướng giảm. Ngoài ra, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDS), việc mở rộng nhà máy Tân Uyên, Bình Dương giai đoạn cuối năm được xem là điểm sáng giúp doanh nghiệp này nâng cao công suất để đáp ứng kịp thời lượng đơn hàng đang ngày càng gia tăng. Trong năm 2015, việc chuyển nhượng khu đất Mỹ Phước 2, Bình Dương còn kỳ vọng sẽ mang về cho doanh nghiệp khoản thu bổ sung ngoài hoạt động kinh doanh chính.
Trong khi đó, diễn biến kết quả kinh doanh của Hợp tác Kinh tế & Xuất nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV) trong những năm gần đây có khá nhiều nghịch lý khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế “lệch pha” và thể hiện rõ rệt nhất vào năm vừa qua khi doanh thu tăng trưởng hơn 20% lên 663 tỷ thì khoản lỗ ròng lên đến 20.7 tỷ đồng. Tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu và chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng chính là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của đơn vị này trong năm dần èo uột với nguy cơ lỗ đã dần xuất hiện từ quý 2/2014.
Thông tin ghi nhận gần đây, HĐQT SAV đã thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015 là 743 tỷ và 18.5 tỷ đồng. Song để ý rằng, trong suốt 4 năm qua, SAV đều không có năm nào đạt được kế hoạch đề ra, ngay cả kế hoạch rất thấp trong năm 2014 khi chỉ với 7.1 tỷ đồng cũng chẳng thể đạt được. Khả năng quản trị và vạch ra kế hoạch kinh doanh của ban lãnh đạo SAV dường như đang dần mất tín nhiệm với nhà đầu tư, những người đang suy xét, tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu này.
“Nốt thăng” cho ngành gỗ trong năm nay?
Việc kết thúc đàm phán hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và FTA Việt Nam - Hàn Quốc kỳ vọng tạo sự cạnh tranh cho hàng nội địa thông qua giảm thuế, thúc đẩy đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ... Những cơ hội này sẽ còn mở rộng hơn nữa khi Hiệp định Đối tác song phương về quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Ngành gỗ cũng đang có rất nhiều cơ hội nội tại đem lại khi kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt, Quyết định 889/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nêu rõ: tập trung gia tăng tỷ lệ rừng kinh tế, phát triển rừng sản xuất thành ngành kinh tế quan trọng, chuyển cơ cấu xuất khẩu dăm gỗ sang cung cấp nguyên liệu cho chế biến gỗ, giảm dần nhập khẩu… Đây là những lực đẩy quan trọng tiến tới bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ.
|
Đức Phương
|