Chứng khoán Tuần 16 – 20/03: Kỳ tái cơ cấu danh mục ETF không tốt như mong đợi
Thị trường tiếp tục thụt lùi trong tuần qua khi chịu sức ép giảm điểm từ nhóm cổ phiếu Large Cap. Mặc dù mua ròng nhẹ trở lại nhưng khối ngoại vẫn được xem là tác nhân chính khi họ tháo hàng mạnh ở nhóm Large Cap, xuất phát từ hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 16 – 20.03.2015
Giao dịch: Khối ngoại kéo lùi thị trường. Hai chỉ số chính của thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần qua. Theo đó, VN-Index giảm tổng cộng 1.82% xuống 575.84 điểm, còn HNX-Index giảm 0.69% xuống 85.13 điểm; trong khi VS100 giảm 1.59% và dừng ở 130.05 điểm, VN30 giảm 2.13% chốt tại 603.76 điểm.
Các nhóm Market Cap đều chìm trong sắc đó sau khi kết thúc tuần giao dịch qua. VS-Large Cap là nhóm giảm mạnh nhất tuần với 1.79%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 0.99%, VS-Small Cap giảm 0.62% và VS-Micro Cap giảm 0.38%.
Giao dịch thị trường diễn ra tích cực hơn khi tổng khối lượng khớp lệnh trong tuần qua trên HOSE tăng mạnh 16% so với tuần trước đạt 501.4 triệu đơn vị; trên HNX, khối lượng khớp lệnh đạt 202.4 triệu đơn vị, tăng 16.7%.
Giao dịch giằng co tiếp tục diễn ra trong các phiên giao dịch đầu tuần với các phiên tăng –giảm điểm xen kẽ. Đà giảm của nhóm cổ phiếu Large Cap tiếp tục kéo giảm các chỉ số. MSN, VCB, BID, VNM, PVD, GAS… là những cổ phiếu thường xuyên góp mặt trong danh sách cổ phiếu kéo giảm thị trường. Khối ngoại góp phần không nhỏ khiến giao dịch ở nhóm cổ phiếu này sụt giảm.
Việc giao dịch ở các cổ phiếu lớn tiếp tục diễn ra không khả quan đã khiến dòng tiền đầu cơ e dè hơn. Sắc đỏ chiếm ưu thế ở hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngành nóng như Xây dựng, Bất động sản, Chứng khoán và Khai khoáng. Tuy dòng tiền vẫn hoạt động sôi động ở một vài cổ phiếu như FLC, KBC, ITA, FIT, KLF… nhưng điều này không đủ để thúc đẩy giao dịch thị trường.
Với lực bán duy trì mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn thì tâm lý e ngại của giới đầu tư đã gia tăng mạnh. Điều này được thể hiện rõ qua việc thanh khoản thụt lùi về phía cuối tuần
Phiên giao dịch cuối tuần, xu thế giằng co tiếp tục diễn ra trong phần lớn thời gian. Sự sôi động chỉ thực sự diễn ra về cuối phiên khi các quỹ ETF đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, vì là hoạt động định kỳ và không bất ngờ nên đã không còn lôi kéo được giới đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng nhẹ 8.2 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại trong tuần chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF. Tuy chỉ bán ròng nhẹ trên HOSE, nhưng việc áp lực bán tập trung mạnh ở các cổ phiếu lớn đã tiếp tục tạo ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số và tâm lý giới đầu tư
Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.4 tỷ đồng, với giao dịch mua – bán ròng mạnh tập trung chủ yếu trong 2 phiên cuối tuần. Họ bán ròng mạnh nhất là ở MSN (161.3 tỷ đồng), PVD (126.5 tỷ đồng), STB (120.4 tỷ đồng), VCB (118.8 tỷ đồng). Họ mua ròng chủ yếu ở KDC (344.2 tỷ đồng), KBC (277.1 tỷ đồng), HAG (107.8 tỷ đồng), FLC (39.9 tỷ đồng)...
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ 14.5 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở BCC (17.5 tỷ đồng), HUT (12.5 tỷ đồng), IVS (8.8 tỷ đồng)…; trong khi bán ròng chủ yếu ở PVS (16.1 tỷ đồng), VCG (12.2 tỷ đồng), VND (8.0 tỷ đồng)…
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với 17/23 nhóm ngành. Các nhóm giảm điểm mạnh gồm: Bảo hiểm giảm 5.35%, Khai khoáng giảm 4.57%, SX Thuỷ sản giảm 4.14%… Ở chiều ngược lại, nhóm Thiết bị điện – Đ.Tử VT tăng mạnh nhất với 3.78%, Thương mại tăng 3.51% và CNTT-Truyền thông tăng 1.85%... Các nhóm ngành nóng như Xây dựng, Bất động sản và Chứng khoán giảm điểm lần lượt 1.08%, 0.33% và 0.17%.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là MSN giảm 9.20% và PVD giảm 9.09%, và HSG giảm 7.20%; trên HNX là PFL giảm 17.39%.
MSN giảm 9.20%. MSN giảm điểm khi chịu sức ép bán ròng mạnh từ khối ngoại. Hoạt động bán ròng này chủ yếu xuất phát từ việc các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục trong tuần qua.
PVD giảm 9.09%. Việc PVD giảm điểm mạnh có thể đến từ: (1) giá dầu thế giới sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực lên xu hướng giao dịch cổ phiếu này, và (2) khối ngoại đẩy mạnh bán ra cổ phiếu này trong tuần.
HSG giảm 7.20%. HSG giảm điểm trước sức ép bán ròng mạnh từ khối ngoại khi cổ phiếu này đã bị loại khỏi danh mục của chỉ số FTSE Vietnam Index.
PFL giảm 17.39%. PFL giảm mạnh trong tuần nhiều khả năng xuất phát từ thông tin không mấy tích cực khi lỗ thêm 1.02 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo đó, khoản lỗ năm 2014 của PFL là hơn 15 tỷ đồng và cầm chắc án huỷ niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là TSC tăng 33.21%; trên HNX không có cổ phiếu tăng điểm tích cực đáng chú ý.
TSC tăng 33.21%. Cổ phiếu TSC tăng mạnh khi xuất hiện thông tin tích cực. Theo đó, (1) TSC đặt kế hoạch năm 2015 doanh thu 1,010 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 117 tỷ đồng, tăng lần lượt 113% và 67% so với thực hiện năm 2014. (2) Dòng tiền đầu cơ đổ vào cổ phiếu này nhằm hưởng cổ tức và quyền mua “khủng”. Cụ thể, phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2011 là 1,106,904 cp, ứng với tỷ lệ 7%; phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu 9,487,749 cp; chào bán cho cổ đông hiện hữu 31,625,830 cp và chào bán cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên là 790,645 cp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|