Cánh tay REE đã vươn đến đâu trong lĩnh vực điện, nước?
Trong thời gian gần đây, REE vẫn đang miệt mài thu gom cổ phiếu từ các đơn vị niêm yết cũng như thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện, nước. Tính đến cuối năm 2014, giá trị đầu tư vào lĩnh vực điện, nước của REE chiếm 85% tổng đầu tư và lợi nhuận từ đây chiếm trên 50% tổng lãi ròng, ghi nhận 581 tỷ đồng.
Điện, nước là lĩnh vực đã được CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) dòm ngó và ấp ủ từ lâu, song phải đến năm 2013 REE mới chính thức đưa mảng hoạt động này vào một trong những lĩnh vực kinh doanh chính và chiến lược đầu tư trọng tâm. Trong hai năm 2013 và 2014 lãi ròng từ lĩnh vực điện, nước lần lượt đạt 621 tỷ đồng và 581 tỷ đồng; chiếm trên 50% tổng lợi nhuận REE.
Tính đến cuối năm 2014, giá trị đầu tư tại lĩnh vực này lên đến 4,115 tỷ đồng, chiếm 85% tổng đầu tư; so với năm 2013, REE đã rót ròng thêm 916 tỷ đồng đầu tư vào điện, nước và giảm các khoản mục đầu tư khác.
Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận 2014 và 2013 của REE
Nguồn: Báo cáo thường niên 2014 REE
|
Đến cuối năm 2014, tổng công suất điện REE sở hữu là 585 MW với tổng vốn đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 3,426 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 71%, lớn nhất trong các lĩnh vực mà công ty đang đầu tư. REE lấy việc đầu tư xây dựng mới hay mua lại các nhà máy điện có công suất trung bình nhỏ là mục tiêu trong lĩnh vực này.
REE đạt tỷ lệ sở hữu trên 20% tại 5 nhà máy điện gồm ba công ty thủy điện là Thủy điện Thác mơ - TMP (39.02%), Thủy điện Srok Phu Miêng (34.3%), Thủy điện Sông Ba Hạ (25%) và 2 công ty nhiệt điện là Nhiệt điện Ninh Bình – NBP (29.44%), Nhiệt điện Phả lại - PPC (22.35%). Đặc biệt vào tháng 5/2014, tiến hành mua thêm 21.7 triệu cp Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC), tăng tỷ lệ sở hữu từ 23.97% lên 58.14%, biến TBC thành đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, REE còn có khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Nhiệt điện Quảng Ninh với tổng giá trị 470.6 tỷ đồng, tức sở hữu 42 triệu cp.
Trong lĩnh vực nước, đến cuối năm 2014, REE đã sở hữu 3 nhà máy phát nước với công suất sở hữu 375,000 m3/ngày đêm. Công suất này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2025 theo quy hoạch cấp nước của TP. Hồ Chí Minh. Công ty hiện có 1 đơn vị trực thuộc trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất và phân phối nước sạch là Đầu tư Nước sạch Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 99.97% và 5 đơn vị liên kết gồm B.O.O Nước Thủ Đức (42.1%), Đầu tư và Kinh doanh nước Sạch Sài Gòn (40%), Đầu tư Nước Tân Hiệp (32%), Cấp nước Thủ Đức (43.11%) và Cấp nước Trung An (29%). Ngoài ra, còn có khoản đầu tư vào Cấp thoát nước Khánh Hòa trị giá 53.2 tỷ đồng (4 triệu cp) và Cấp nước Đồng Nai 76.7 tỷ đồng, ứng với 6.8 triệu cp.
Các công ty con, công ty liên kết của REE trong lĩnh vực điện, nước (cuối năm 2014)
REE hướng đến mô hình công ty holdings sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong ba lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích (điện, nước) tại Việt Nam
|
Ngành điện là ngành nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ của Chính Phủ, đồng thời ngân hàng quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) của WordlBank cũng đã có phương án hỗ trợ phát triển. Hiện tại, nước ta đang trong lộ trình xóa bỏ độc quyền ngành điện, năm 2015 là giai đoạn bắt đầu cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn điện sau khi đã hoàn tất giai đoạn 1 cho phép cạnh trong lĩnh vực sản xuất điện. Kể từ năm 2022 trở đi sẽ là cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ và ngành điện vận động theo cơ chế thị trường.
Đối với ngành nước, nhu cầu xử lý nước thải là một nhu cầu lớn trong 20 năm tới. Bởi theo ý kiến của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện tỷ lệ bao phủ cấp nước chỉ đạt chưa đến 60% trong các đô thị Việt Nam, hơn nữa, tỷ lệ thất thoát nước sạch trong ngành cấp nước Việt Nam còn ở mức cao (40-50%) và khoảng 1.5 tỷ m3 nước tải chưa được xử lý đang thải vào môi trường.
|
Trần Việt
|