Thứ Hai, 02/03/2015 07:05

Chống chuyển giá: Loại bỏ những "hố đen" lợi íc

Bịt chặt những kẽ hở

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hiện tượng chuyển giá được xem như một "hố đen" làm mất cân bằng lợi ích của các bên, đặc biệt nghiêm trọng là gây thất thu đối với ngân sách nhà nước. Do đó, chống chuyển giá cũng được xem là một trong những giải pháp làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời bảo đảm mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chống chuyển giá, chính doanh nghiệp hưởng lợi

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và gần như không còn rào cản biên mậu, bên cạnh những mặt tích cực cũng tồn tại những vấn đề mà ở tầm vĩ mô phải điều chỉnh cho phù hợp; trong đó, phải hết sức chú ý tình trạng chuyển giá hiện nay, bởi nó tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội; đẩy cán cân xuất nhập khẩu bị "chênh"; thất thu ngân sách... Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới: Nếu quyết liệt chống chuyển giá, công khai những công ty có hành vi chuyển giá... liệu có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư hay không? Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh cho rằng, nói chống chuyển giá ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư là cái cớ mà người ta dựng lên nhằm mục đích không minh bạch nào đó. "Ngoài vi phạm pháp luật, chuyển giá còn tạo ra sự bất bình đẳng và sự gian dối trong kinh doanh. Do đó, chống chuyển giá không những tạo ra sự bình đẳng mà còn làm trong sạch môi trường đầu tư" - Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh nhấn mạnh.

Giải pháp tối ưu chống chuyển giá là kiểm soát luân chuyển tài chính.

Động cơ chính của chuyển giá là nhằm tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, mà để tối đa hóa lợi nhuận thì có rất nhiều thủ đoạn. Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh cho rằng, nếu xem chuyển giá chỉ là hình thức trốn thuế thì chưa toàn diện. Trong việc này, DN lợi dụng kẽ hở pháp luật, sử dụng những nghiệp vụ tài chính theo ý đồ của họ để đạt tới mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Chỉ cần phân tích 4 thông số gồm doanh số, chi phí, lợi nhuận, vốn đầu tư là biết DN đó có gian dối hay không và có đủ cơ sở để xác định DN chuyển giá. Bởi lẽ, không DN nào bỏ vốn đầu tư mà lợi nhuận lại thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Từ câu chuyện của Cục Thuế Đồng Nai, qua công tác thanh tra không những truy thu được hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mà còn góp phần làm giảm lỗ trên 1.000 tỷ đồng. Theo Cục Thuế Đồng Nai, điều này có ý nghĩa quan trọng bởi khi DN giảm lỗ, đồng nghĩa với phát sinh lợi nhuận và phải đóng thuế. Như vậy, nếu các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh chống chuyển giá, DN mới chính là đối tượng được lợi đầu tiên. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục thuế Đồng Nai cho biết, việc thanh tra chuyển giá hiện nay còn gặp nhiều trở ngại, thời gian kéo dài nhưng lực lượng mỏng nên không thể tiến hành thực hiện ở nhiều DN được. Trong khi đó, hiện nay Tổng Cục thuế chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu để xác định giá của các đơn vị độc lập. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý để thực hiện chống chuyển giá hiện mới ở dưới dạng thông tư chưa được luật hóa.

Kiểm soát luân chuyển tài chính

Theo nhiều chuyên gia, với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng "luật chơi" thì các bên sẽ cân bằng được lợi ích khi chúng ta hội nhập sâu rộng. Chẳng hạn, việc tham gia các hiệp định đơn phương, song phương và đa phương thúc đẩy điều tiết sự tương đồng giữa các quốc gia, đồng thời thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) giữa người nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với gần 70 quốc gia. Đây là điều kiện pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp chống chuyển giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp chống chuyển giá, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói: "Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, chuyển giá là vấn đề hết sức phức tạp. Nhiều DN, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia, thường lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống quản lý của nước sở tại để chuyển giá nhưng không vi phạm pháp luật. Do đó, để có giải pháp chống chuyển giá căn cơ, Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiểm soát chặt hơn. Còn để chống hoàn toàn chuyển giá thì rất là khó vì đây là căn bệnh kinh niên. Họ dùng những "thủ thuật" về tài chính để tối đa hóa lợi nhuận nên chúng ta phải dùng các công cụ thích hợp để giám sát dòng tài chính của DN có dấu hiệu chuyển giá. Nếu phát hiện DN chuyển giá, vi phạm pháp luật về thuế, phải mạnh dạn xử lý".

Còn Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh thì cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, phải có công cụ hiệu quả chống chuyển giá. Sắp tới, khi cộng đồng chung ASEAN được thành lập (dự kiến vào cuối năm 2015), hàng hóa lưu thông giữa các nước trong khu vực giống như từ tỉnh này qua tỉnh kia. Hàng rào thuế quan ở nhiều lĩnh vực gần như bằng không, khả năng thẩm thấu qua lại giữa hàng hóa của Việt Nam và các nước sẽ thuận lợi hơn. Khi thị trường mở ra thì công tác quản lý nhà nước đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất là quản lý về gian lận thương mại như hàng gian, hàng giả; thứ hai là gian lận trong nghĩa vụ thuế (chuyển giá) nhằm tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, cần cảnh báo cho người tiêu dùng, nhưng quan trọng hơn là cơ quan quản lý nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương, kể cả các tổ chức, hội đoàn phải vào cuộc.

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, giải pháp hữu hiệu nhất để chống chuyển giá là kiểm soát luân chuyển tài chính từ kênh chuyển từ trong nước ra nước ngoài. Vấn đề này đòi hỏi hệ thống ngân hàng, những cơ quan giám sát hoạt động đầu tư, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có công cụ kiểm soát dòng luân chuyển tài chính, bởi các khoản chuyển đi, chuyển đến của DN, nhà đầu tư đều phải khai báo nguồn gốc, mục đích. "Kỹ thuật, nghiệp vụ hiện nay làm được hết, vấn đề là các cơ quan chức năng có làm hay không mà thôi, hay làm một cách "méo mó" vì lý do gì đó" - Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh nói.

Xây dựng cơ sở dữ liệu độc lập để so sánh

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đang xây dựng cơ sở dữ liệu độc lập để so sánh. Tại thời điểm này, việc chống chuyển giá còn gặp nhiều khó khăn bởi khi tổ thanh tra đưa ra một nhóm DN nào đó để so sánh thì các DN bị thanh tra cũng chủ động đưa ra một nhóm DN khác để chứng minh là họ đúng. Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu độc lập để làm căn cứ so sánh rất quan trọng. Để làm được điều này, Cục Thuế Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiến tới luật hóa quản lý giá chuyển nhượng.


Nguyễn Lê - Đặng Loan

hà nội mới

Các tin tức khác

>   Thu hút vốn FDI quay đầu giảm mạnh (02/03/2015)

>   Việt Nam – Hoa Kỳ: Nền tảng nào cho cuộc chơi? (02/03/2015)

>   Tháng 2 xuất khẩu đạt 300 triệu USD (01/03/2015)

>   Xu hướng tiêu dùng Tết của người Việt có sự thay đổi lớn (01/03/2015)

>   ASEAN nỗ lực hoàn thành đàm phán hiệp định đối tác kinh tế RCEP (01/03/2015)

>   Thừa Thiên-Huế bàn giao mặt bằng sạch thu hút đầu tư tại các KCN (01/03/2015)

>   “Làm tiền” từ chính sách ưu đãi  (01/03/2015)

>   Hà Nội: Vẫn còn "nóng" tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (01/03/2015)

>   Các nhà máy điện mới phải tham gia thị trường cạnh tranh (28/02/2015)

>   Giải ngân 1,2 tỷ USD vốn FDI từ đầu năm (28/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật