Tự doanh CTCK 2014: Máy đã vào guồng?
Khối tự doanh của các công ty chứng khoán đã cho thấy những tín hiệu tích cực hơn trong năm 2014 khi doanh thu tăng trưởng khá sau một chuỗi dài nhiều năm lao dốc.
* Top 10 thị phần môi giới: Hưởng quả ngọt?
Theo thống kê của Vietstock, tổng doanh thu tự doanh năm 2014 của 85 công ty chứng khoán công bố BCTC quý 4/2014 năm 2014 đạt hơn 2,863 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với năm 2013, tuy nhiên con số này vẫn còn thấp hơn giai đoạn 2009-2012.
Biểu đồ tổng doanh thu tự doanh của các công ty chứng khoán từ năm 2009 đến nay
|
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, sau những bước giảm về doanh thu tự doanh từ năm 2009 đến năm 2013 thì tín hiệu tích cực đã quay trở lại trong năm 2014. Dường như năm 2013 chính là đáy về kết quả kinh doanh tự doanh của khối CTCK, việc gia tăng trong năm 2014 cho thấy bộ máy đang dần vào guồng và hướng trở lại những đỉnh cao của các năm trước.
Tăng trưởng tính bằng lần
Có 20 CTCK với kết quả kinh doanh mảng tự doanh tăng trưởng trên 100% so với năm 2013, trong đó, có những công ty có mức tăng trưởng lên đến hàng chục lần. Trong top tăng trưởng trên 100% vẫn là những tên tuổi công ty chứng khoán lớn như SSI, MBS, KLS, VDS, SHS hay BSI. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh nhất lại nằm ở khối các CTCK nhỏ như ART, TCSC, WOORI hay PGSC,…
Tại khối các CTCK nhỏ có sự tăng trưởng mạnh doanh thu tự doanh, nguyên nhân chính là do doanh thu mảng này trong năm trước quá thấp. Tiêu biểu có thể thấy ở CTCK Artex (ART) với doanh thu tự doanh cả năm 2013 chỉ vỏn vẹn chưa đến 1 triệu đồng. Năm 2014, ART thu về hơn 645 triệu đồng doanh thu, đưa tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2013 lên gần 645 lần. Hay trường hợp của CTCK Thành Công (TCSC), kết thúc năm 2013, doanh thu tự doanh chỉ vỏn vẹn 112 triệu đồng. Với kết quả doanh thu tự doanh năm 2014 đạt gần 2.8 tỷ đồng, công ty đã tăng trưởng gần 24 lần so với năm 2013.
Ở nhóm các CTCK lớn có biến động tăng mạnh doanh thu tự doanh năm 2014, ấn tượng nhất nằm ở CTCK MB (MBS). Kết thúc năm 2014, mảng tự doanh của công ty này thu về 111.4 tỷ đồng, tăng hơn 19 lần so với năm 2013, mà theo giải trình của MBS là nhờ từ sự hợp nhất của công ty với CTCK VIT(VIT) giúp nguồn vốn gia tăng và qua đó có thể tự chủ hơn về mặt tài chính (CTCK hợp nhất bắt đầu đi vào hoạt động từ 9/12/2013 nên năm 2013 không được hưởng lợi nhiều). Tính đến 31/12/2014, khoản đầu tư ngắn hạn của MBS ở mức gần 375 tỷ đồng, tăng hơn 2.5 lần so với thời điểm đầu năm, hoạt động đầu tư ngắn hạn của MBS gia tăng không quá mạnh nhưng doanh thu mang về rất ấn tượng cho thấy năm 2014 là một năm thành công với mảng tự doanh của MBS.
Bên cạnh MBS, CTCK Sài Gòn-Hà Nội (HNX: SHS) cũng có những bước đột phá ấn tượng và đơn vị này cũng chính là hiện tượng nổi bật trong năm 2014 khi liên tục tăng trưởng rất mạnh ở các mảng hoạt động trong năm. Tính riêng mảng tự doanh, năm 2014 đơn vị này thu về hơn 168.4 tỷ đồng doanh thu tăng hơn 2.3 lần so với năm 2013, trong đó, mảng đầu tư ngắn hạn của SHS tăng 1.7 lần, lên mức gần 688 tỷ đồng.
Vị thế ông lớn!
Xét về giá trị thu được từ mảng tự doanh, các ông lớn trong ngành như SSI, HCM, VCBS hay VCSC tiếp tục giữ các vị trí dẫn đầu. Đứng đầu là CTCK Sài Gòn (HOSE: SSI). Kết thúc năm 2014, Công ty mẹ SSI thu về gần 770.5 tỷ đồng doanh thu tự doanh và có mức tăng ấn tượng hơn 1.6 lần so với năm 2013. Con số doanh thu tự doanh này chiếm gần 27% trong tổng doanh thu tự doanh của 85 CTCK và gấp 4 lần so với CTCK đứng vị trí thứ hai.
Tính đến 31/12/2014, mảng đầu tư tài chính ngắn hạn của SSI ở mức hơn 1,972 tỷ đồng, tăng trưởng 63.16% so với đầu năm. Trong đó, chứng khoán thương mại nắm hơn 6 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị theo giá thị trường ở mức hơn 76 tỷ đồng. Khoản chứng khoán đầu tư hơn 23.6 triệu đơn vị, tương ứng gần 611 tỷ đồng.
Tiếp sau SSI là CTCK Hồ Chí Minh (HOSE: HCM). Kết thúc năm 2014, HCM thu về 194.4 tỷ đồng doanh thu tự doanh, tăng trưởng hơn 27% so với năm 2013. Với việc chủ yếu tập trung vào mảng cung cấp dịch vụ chứng khoán nên những khoản đầu tư ngắn hạn của HCM không tăng trưởng hay thậm chí còn suy giảm so với năm 2013. Cụ thể, khoản đầu tư ngắn hạn của HCM tính đến 31/12/2014 chỉ còn gần 197.5 tỷ đồng, giảm 44% so với đầu năm. Trong đó, tổng giá trị theo giá thị trường của cổ phiếu đang nắm giữ chỉ còn 123 tỷ đồng.
Những mảng tối
Bên cạnh những sự tăng trưởng ấn tượng luôn đi kèm những mảng tối nhất định. Kết thúc năm 2014, có 28 đơn vị với doanh thu tự doanh suy giảm so với năm 2013. Nổi bật lên tại CTCK ACB (ACBS), doanh thu mảng tự doanh giảm 88% so với năm 2013 khi chỉ còn gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ACBS năm 2014 là một quá trình tái cơ cấu khi chuyển từ công ty cổ phần sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
Xét ở một khía cạnh khác là sự đối lập giữa đầu tư ngắn hạn trong năm 2014 và doanh thu tự doanh. Về phần này, ba đơn vị là CTCK VSM (VSM), CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) và CTCK An Phát (APG) là những điểm tối đáng chú ý.
Tại VSM, kết thúc năm 2014, mảng tự doanh thu về chỉ gần 21 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2013 nhưng điều đáng chú ý là khoản đầu tư ngắn hạn của công ty này tính đến 31/12/2014 tăng gần 2 lần so với đầu năm lên hơn 50 tỷ đồng. Tương tự, VPBS cũng tăng gần 2 lần mảng đầu tư ngắn hạn so với đầu năm lên mức hơn 1,317 tỷ đồng nhưng mảng doanh thu tự doanh lại giảm mạnh hơn 81% so với năm 2013 về còn hơn 40 tỷ đồng. Hay thậm chỉ ở APG mảng tự doanh còn giảm mạnh hơn với 98% về chỉ còn vỏn vẹn 62 triệu đồng. Đầu tư ngắn hạn của APG tính đến 31/12/2014 ở mức 26.4 tỷ đồng, tăng 111.6% so với đầu năm.
Duy Hoàng
|