Trừng phạt Nga: EU bắt đầu chùn tay
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt cá nhân mới đối với Nga trong bối cảnh cuộc họp thượng đỉnh bốn bên về hòa bình Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/2 tới.
Cuộc họp của các ngoại trưởng khối EU
|
Cuộc họp của các ngoại trưởng khối EU Phát biểu với các phóng viên tại Brussels (Bỉ) ngày 9/2, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết EU vẫn bảo lưu khả năng trừng phạt, song việc thực thi sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán 4 bên tới đây. EU sẽ đánh giá lại vấn đề này một lần nữa vào ngày 16/2 tới.
Trước đó, ngày 29/1, ngoại trưởng các nước thành viên EU đã nhất trí bổ sung 19 cá nhân, trong đó có 5 người Nga, vào danh sách cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Theo kế hoạch, các ngoại trưởng phải thông qua quyết định chính thức trong ngày 9/2.
Quyết định trì hoãn trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine đang chuẩn bị bước vào Hội nghị thượng đỉnh bốn bên vào ngày 11/2 tới ở thủ đô Minsk của Berlarus nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Hội nghị trên là kết quả sau cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp tại Moscow ngày 6/2 về vấn đề này.
Cũng trong ngày 9/2, phát biểu trên Đài Phát thanh Nga, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, khẳng định Moscow luôn đề cao tinh thần đối thoại tôn trọng trong các cuộc hòa đàm và không nước nào có thể hành xử theo kiểu áp đặt, đưa ra các tối hậu thư với Nga.
Tuyên bố trên của quan chức Điện Kremlin được đưa ra sau khi tờ "Wall Street Journal" của Mỹ thông báo Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra một tối hậu thư cho Tổng thống Putin, trong đó yêu cầu Nga chấp nhận kế hoạch hòa bình của Pháp và Đức về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trước ngày 11/2 tới, nếu không muốn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
Cũng liên quan tới các biện pháp trừng phạt Nga, phát biểu trong họp báo sau cuộc gặp với bà Angela Merkel hôm 9/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chúng tôi không mong chờ Nga lụi bại và suy yếu. Nhưng khi đối mặt với những quyết định tồi tệ này, chúng tôi không thể nói với họ từ bỏ việc này một cách dễ dàng. Chúng tôi phải cho họ thấy rằng thế giới đang đoàn kết và đưa ra một cái giá cho sự việc này”.
EU mất hàng chục tỷ USD
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực tới các nước thành viên EU.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo ước tính nền kinh tế EU đã thiệt hại hoảng 21 tỷ euro (tương đương 23,7 tỷ USD). Các ngành nông nghiệp và du lịch của Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đây là con số thống kê đầu tiên của EU về những thiệt hại mà châu Âu phải hứng chịu từ chính những biện pháp trừng phạt Nga của mình. Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong các nước EU về các đòn trừng phạt mà liên minh đang liên tục mở rộng đối với Moscow từ tháng 7/2014.
Mới đây nhất, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 27/1 đã phản đối việc các nhà lãnh đạo EU đe dọa gia tăng các biệt pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Lãnh đạo các nước Đức và Áo cũng đã lên tiếng cho rằng sẽ là sai lầm khi gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng như bày tỏ quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt trên.
chính phủ
|