Thứ Ba, 10/02/2015 11:10

Ngành điện niêm yết 2014 thắng to nhờ “nước lớn” cuối năm

Đón nhận sự ưu đãi của thiên nhiên những tháng cuối năm, ngành điện trong quý 4/2014 đã đạt kết quả kinh doanh tăng gấp rưỡi về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2013. Theo đó cả năm nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận, đưa lãi ròng cả ngành tăng trưởng hơn 44% so với 2013.

Quý 4 đóng góp gần 50% lãi cả năm

Với 11/17 doanh nghiệp trong ngành sản xuất và phân phối điện đã công bố BCTC quý 4/2014, ghi nhận có đến 8 doanh nghiệp đều tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ 2013. Tổng lãi trong kỳ đạt 450 tỷ đồng, chiếm đến 47% lãi cả năm.

BTP (Nhiệt điện Bà Rịa) đạt lãi gần 47 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ Công ty nhận được khoản cổ tức 12.6 tỷ đồng từ việc góp vốn vào Thủy điện Buôn Đôn, đồng thời còn là khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong kỳ hơn 17 tỷ đồng. Trong khi đó cùng kỳ cả cổ tức lẫn tỷ giá đều phải trích lập và chịu lỗ tổng cộng hơn 24 tỷ đồng.

NBP (Nhiệt điện Ninh Bình) tăng trưởng nhiều nhất khi lãi gần 20 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ nhờ vào giá nhiên liệu than đầu vào giảm, chi phí sản xuất giảm cùng việc giá bán điện bình quân trên thị trường cao hơn cùng kỳ. Mặc dù không đứng đầu về tăng trưởng lãi trong kỳ nhưng CHP (Thủy điện Miền Trung) đạt mức lãi cao nhất với gần 216 tỷ đồng, tăng trưởng 61%.

Kết quả “thắng to” của ngành phần lớn nhờ thời điểm cuối năm được thiên nhiên ưu đãi mùa nước lớn, các doanh nghiệp gia tăng sản lượng điện khai thác. Riêng DNC (Điện nước Lắp máy Hải Phòng) lãi tăng hơn 80% nhờ vào gia tăng hoạt động xây lắp cuối năm. Ngược lại, DRL (Thủy điện – Điện lực 3) lại sụt giảm lợi nhuận hơn 20% với lý do theo doanh nghiệp là mùa mưa hết sớm nên lượng nước sông Sêrêpôk không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện tại nhà máy Thủy điện Đrây H’linh 2. Bên cạnh đó, SEB (ĐT & PT Điện Miền Trung) và SBA (Thủy điện Sông Ba) cũng kém may mắn khi lãi giảm lần lượt 43% và 59% cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh ngành điện niêm yết quý 4/2014

Năm 2014 lãi ròng toàn ngành điện niêm yết tăng hơn 44%

Tính chung cho cả năm 2014, tổng doanh thu đạt 5,297 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 958 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều chuyển biến tăng hơn 44% so với năm 2013. Nổi bật nhất là SHP (Thủy điện Miền Nam) là doanh nghiệp có doanh thu 2014 gấp 3 lần 2013 và lợi nhuận đạt 104 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ nhờ vào 3 nhà máy phát điện Đassiat, Đadang, Đambri đều tăng sản lượng, đặc biệt là vào cuối năm. Kế đến là BTP ghi nhận trong năm doanh thu tăng 87%, đạt 2,116 tỷ đồng. Lãi ròng tăng gần 170%, đạt 148 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ lãi chênh lệch tỷ giá, với lãi chênh lệch tỷ giá tăng hơn 60%, đạt 52 tỷ đồng, đã đưa doanh thu tài chính trong năm của BTP đạt 135 tỷ đồng, tăng 20% năm trước.

Không phải là “ngôi sao sáng” về tăng trưởng lợi nhuận hay doanh thu, TIC (Đầu tư Điện Tây Nguyên) gây chú ý khi gặt hái thành công chủ yếu nhờ vào doanh thu tài chính gấp hơn 10 lần doanh thu thuần, đạt 33 tỷ đồng. Kết quả này được đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công trình thủy điện như H’Chan, H’Mun, ĐăkPiHao2…

Đối mặt với chi phí lãi vay còn ở mức cao với hơn 42 tỷ đồng, lãi ròng năm của HJS sụt giảm hơn 8%, đạt khoảng 19 tỷ đồng. Chung số phận giảm lợi nhuận, SEB đối mặt với giá vốn hàng bán và lãi vay cao khiến lãi ròng giảm đến 18%, đạt 36 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ngành điện niêm yết năm 2014

Với khó khăn và thuận lợi riêng, hầu hết các doanh nghiệp đều vượt kế hoạch lãi đề ra trong năm, chỉ có 4 doanh nghiệp không đạt kế hoạch là SBA, HJS, SEB và TIC. Đạt kết quả nổi trội nhất là NBP, lãi năm hơn 45 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch đề ra.

Kết quả hoàn thành kế hoạch lãi năm 2014 của ngành điện niêm yết

DRL* và DNC* tính theo hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế, còn lại là lãi sau thuế

Nợ vay dài hạn chiếm 66% tổng nợ phải trả

Tính đến 31/12/2014, tổng tài sản của 11 doanh nghiệp đã công bố BCTC ngành điện là hơn 12,706 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả gần 6,334 tỷ đồng, chiếm 50% tổng tài sản, giảm 9% đầu năm. Vay dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nợ phải trả với 66%, tương ứng 4,184 tỷ đồng, gấp 6 lần nợ vay ngắn hạn.

TBC là điểm sáng về nợ phải trả khi chỉ chiếm hơn 5% tổng tài sản, tương đương 51 tỷ đồng. Ngược lại thì HJS có nợ phải trả chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 67%. Trong khi đó CHP và SHP có giá trị nợ vay dài hạn nhiều nhất, lần lượt là 1,445 và 1,344 tỷ đồng, chiếm 76% và 68% tổng nợ.

Tổng tài sản và nợ phải trả của các doanh nghiệp ngành điện niêm yết tính đến cuối năm 2014

Còn lại khoảng 6 doanh nghiệp ngành điện niêm yết vẫn chưa công bố BCTC quý 4, trong đó có các doanh nghiệp lớn đóng góp chủ đạo lợi nhuận trong ngành. Như PPC (Nhiệt điện Phả Lại) năm 2013 trước đó đạt lãi ròng đạt gần 1,630 tỷ đồng, chiếm đến 57% lãi toàn ngành. VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) cũng là doanh nghiệp đáng quan tâm với lãi năm qua gần 200 tỷ đồng. Do đó, bức tranh lợi nhuận ngành năm 2014 chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi lớn nếu như các doanh nghiệp này công bố BCTC quý 4/2014.

Trần Hạnh

Các tin tức khác

>   KHA: 24/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   TNT: 11/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   COM: 09/02 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2014 tỷ lệ 7% và dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   TRC: 12/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   BCI: 12/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   FMC: 20/02 GDKHQ nhận cổ tức 2014 tỷ lệ 15% và dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   PAC: 26/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   ABT: 26/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   PTC: 12/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

>   DRC: 25/02 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2015 (10/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật