Lợi nhuận ngân hàng 2014: Khi sao đổi ngôi!
Đã có khoảng hơn 1/3 tổng số ngân hàng Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2014, trong đó có những nhà băng lớn đã mất ngôi vị của mình trong top 10, nhường vị thứ cao hơn cho những ngôi sao mới nổi.
Sao đổi ngôi!
Xét riêng về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2014, duy trì ngôi vị dẫn đầu qua nhiều năm vẫn là VietinBank (CTG) với lãi trước thuế 7,302 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế là 5,727 tỷ đồng), cách biệt khá xa so với các ngân hàng còn lại. Tiếp sau đó là BIDV (BID), Vietcombank (VCB) rồi đến MB (MBB).
Lợi nhuận trước thuế năm 2014 của các ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng
|
Tuy nhiên, các vị trí còn lại của bảng xếp hạng đã không còn ổn định trong vài năm gần đây. Những tên tuổi lớn vang bóng một thời trong top 10 đã dần lùi vào dĩ vãng nhường lại ngôi vị cho những ngôi sao mới lên. Trong đó, đáng chú ý có Sacombank (STB) đã vươn lên từ vị trí thứ 7 từ năm 2012 (sau Eximbank – EIB và SHB) lên đứng thứ 5 sau MBB từ năm 2013 và duy trì ổn định đến năm 2014.
Techcombank và ACB cũng tăng hạng so với những năm trước (thứ 8, 9) lên thứ hạng 6, 7. Lợi nhuận trước thuế của hai nhà băng này đều tăng mạnh 61% và 17% lên mức 1,417 tỷ (Techcombank) và 1,215 tỷ (ACB). Khác với những năm trước, đến năm 2014 Techcombank đã qua mặt được ACB về lợi nhuận thu về trong năm.
Còn SHB mặc dù vẫn giữ mức lợi nhuận trước thuế trên ngàn tỷ đồng nhưng vị thứ đã tụt dần qua các năm. Năm 2012, SHB đứng thứ 6 sau MBB và Eximbank, rồi lùi xuống sau Sacombank và VPBank vào năm 2013. Đến năm 2014, lợi nhuận trước thuế của SHB cũng đã bị Techcombank và ACB vượt mặt, còn hơn 1,020 tỷ đồng.
Đặc biệt, gương mặt “đình đám” một thời trong giới ngân hàng là Eximbank đã lao dốc không phanh từ mức thứ 4 (sau MBB) năm 2012 xuống thứ 10 năm 2013 (sau ACB, Techcombank), đến năm 2014 lãi sau thuế của Eximbank chỉ còn lại 56 tỷ đồng và hoàn toàn không còn nằm trong top 10 lợi nhuận ngân hàng (đó là chưa kể đến nhiều ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2014).
Thu nhập lãi thuần năm 2014 của các ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng
|
Nhìn chung lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2014 đã công bố phần lớn đều tăng trưởng so với năm trước nhờ vào tăng trưởng từ thu nhập lãi thuần. Trong đó, lãi trước thuế của VIB cao gấp 8 lần năm trước, đạt 648 tỷ đồng, NamABank cũng có lợi nhuận trước thuế tăng 32% lên 243 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là Eximbank, 92% với lãi trước thuế 69 tỷ đồng (lãi sau thuế 56 tỷ), trong đó quý 4/2014 lỗ khủng cả 678 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng: Khắc tinh “chiếu” lợi nhuận
Một trong những nhân tố tác động không nhỏ đến lợi nhuận của các nhà băng là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trích lập trong năm. Đây là năm các ngân hàng phải gánh chịu áp lực lớn từ việc xử lý nợ xấu, do phải mạnh tay trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu này nên lợi nhuận đã bị bào mòn đáng kể.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2014 của các ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng
|
Đặc biệt với SHB và Eximbank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã thực sự trở thành khắc tinh “chiếu mệnh” khiến lợi nhuận lao dốc mạnh. Trong đó, trích lập dự phòng rủi ro của Eximbank là 869 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với năm 2013 và tương đương 93% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Còn SHB cũng trích lập 638 tỷ dự phòng trong khi năm trước được hoàn nhập 493 tỷ đồng.
Xét về số tuyệt đối, dự phòng rủi ro tín dụng của các “ông lớn” đều ở mức khủng như BIDV 7,084 tỷ, hay Vietcombank 4,572 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng của Vietcombank tăng mạnh 30% so với năm trước. Còn tại BIDV, trích dự phòng cũng tăng trưởng 9%, chiếm 53% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này. Dự phòng rủi ro trong năm 2014 của Vietcombank và ACB cũng bào mòn không ít lợi nhuận khi chiếm đến 45% lãi thuần từ hoạt động kinh doanh.
Riêng tại VietinBank, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 5% so với năm 2013, ở mức hơn 3,900 tỷ đồng.
Minh Hằng
|