Khuyến khích tư nhân tham gia bô-xít Tây Nguyên
Hôm 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác của Chính phủ tiếp tục kiểm tra tiến độ Tổ hợp bauxite Tân Rai - Lâm Đồng.
* Thủ tướng: Đã thấy làm bôxit hiệu quả, an toàn
Tại đây, Thủ tướng đánh giá, những vấn đề đáng lo ngại nhất về an toàn môi trường ở dự án bô – xít Lâm Đồng đều đã làm tốt. Trong định hướng phát triển công nghiệp nhôm Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị cổ phần hoá và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Thủ tướng nói: "Các thông số kỹ thuật về môi trường đều dưới ngưỡng cho phép. Điểm lo nhất là hồ bùn đỏ thì đã xử lý tốt. Hiện, dự án đã có hai khoang hồ hồ bùn đỏ và giờ đang xây dựng khoang hồ thứ 3. Tôi quan sát thấy là rất kiên cố".
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫ lưu ý: "Phải kiểm soát an toàn tuyệt đối về môi trường".
Hiện nay, nhà máy alumin Tân Rai mới đạt trung bình năm được 75% công suất thiết kế. Từ nay đến năm 2016, nhà máy sẽ phải nâng công suất lên, đạt 100% thiết kế là 630 ngàn tấn alumin.
"Sau khi vận hành ổn định, sẽ cổ phần hoá Công ty Nhôm Lâm Đồng, có cổ đông chiến lược, mở rộng nhà máy theo hướng sản xuất nhôm và chế biến nhôm", Thủ tướng chỉ đạo.
Sản phẩm alumina
|
Hiện nay, Công ty TNHH Trần Hồng Quân, là doanh nghiệp tư nhân 100% vốn trong nước duy nhất có mặt trong tổ hợp bauxite nhôm Tây Nguyên và được coi là một mắt xích quan trọng kết nối đầu ra cho chuỗi sản xuất alumina ở Nhân Cơ, Đắc Nông và Tân Rai, Lâm Đồng của TKV.
Được biết, dự án của DN này đầu tư hơn 600 triệu USD. Giai đoạn 1, sẽ sản xuất 150 ngàn tấn nhôm/năm, tiêu thụ phân nửa công suất alumin của nhà máy Nhân Cơ.
Năm 2017, công ty này nâng tiếp công suất lên là 300 ngàn tấn nhôm/năm, sẽ tiêu thụ alumin 600 ngàn tấn. Ngay sau khi hoàn thành nhà máy đã có nhiều DN đặt mua sản phẩm nhôm của nhà máy.
Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch TKV cũng cho biết, Tập đoàn cũng đã dự kiến sẽ nhân đôi công suất alumin ở tổ hợp Tân Rai sau năm 2016, tổng vốn thực hiện sẽ chỉ bằng 70% tổng vốn giai đoạn hiện nay. Như vậy việc đồng bộ xây dựng nhà máy alumin với công suất các nhà máy nhôm sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế của dự án.
Liên quan đến vấn đề xử lý bùn đỏ, Thủ tướng cho biết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác bùn đỏ để chế biến sắt. Nếu làm được, Chính phủ sẵn sàng cho không bùn đỏ. Vấn đề là doanh nghiệp phải đưa ra công nghệ, không phải để Chinh phủ bù lỗ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thươung, ông Hoàng Quốc Vượng cho hay, Bộ KHCN đã nghiên cứu thẩm định, bùn đỏ tại đây có hàm lượng sắt lên tới 43%.
Tính đến nay, TKV đã ký hợp đồng bán alumina với 11 khách hàng từ các nước Thuỵ Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… Đồng thời, TKV cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm alumina và hydroxit nhôm, sản phẩm trung gian của nhà máy alumin với gần 20 khách hàng trong nước.
Đầu năm 2014, giá bán (FOB cảng Gò Dầu) alumina ở mức 300- 310 USD/tấn. Cuối năm, giá đã tăng lên mức 350-360 USD/tấn. Giá bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là là 325 USD/tấn.
Tổng sản lượng tiêu thu lũy kế hết năm 2014 đã đạt xấp xỉ 663 ngàn tấn trong nước trong đó, năm 2014 tiêu thụ 492 ngàn tấn. Trong số này, TKV đã xuất khẩu 490 triệu tấn, đạt 160 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và thu về hơn 90 tỷ đồng cho các hợp đồng trong nước.
Sau 1 năm, dự án bước đầu đã đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng trong năm 2014, nộp ngân sách địa phương trên 200 tỷ đồng.Sau khi dự án đi vào vận hành ổn định, doanh thu dự kiến đạt trên 4.500 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách khoảng 400 tỷ đồng/năm.
|
Phạm Huyền
vietnamnet
|