Hàng loạt chỉ số chứng khoán toàn cầu lập kỷ lục mới
Nhiều thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đồng loạt xác lập các mức cao kỷ lục mới trong ngày thứ Ba. Theo đó, Mỹ, Anh, Đức và Thụy Điển đều chứng kiến các chỉ số chứng khoán chính của mình chạm các mức cao nhất từ trước đến nay.
* Dow Jones và S&P vọt lên kỷ lục mới sau nhận định về lãi suất của Chủ tịch Fed
TTCK Nhật Bản cũng đóng cửa tại mức cao nhất kể từ năm 2000 và hầu hết các TTCK châu Âu khác như Pháp, Bỉ, Ireland và Hà Lan đều vọt lên các mức cao nhất kể từ năm 2008, tức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
Vậy điều gì đã đem lại kết quả hết sức lạc quan này?
Câu trả lời khá đơn giản: Đó là các ngân hàng trung ương.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khiến nhà đầu tư choáng váng với cam kết áp dụng gói kích thích kinh tế quy mô khủng (QE). Hiện kế hoạch này đang tạm thời bị lu mờ bởi nỗi lo về Hy Lạp. Tuy nhiên, thỏa thuận kéo dài gói cứu trợ thêm 4 tháng cho Hy Lạp gần đây đã xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư và dường như cho thấy Đức cũng như các nước khác muốn quốc gia khó khăn này tiếp tục ở lại Eurozone.
Trong khi đó tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế trong buổi chất vấn trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày thứ Ba. Bà khẳng định lại rằng: “Niềm tin của chúng tôi đã cải thiện. Khi chúng tôi nâng lãi suất, đó là tín hiệu của niềm tin”.
Nhà đầu tư đã xem nhận định của Chủ tịch Fed là tín hiệu cho thấy cơ quan này sẽ chưa nâng lãi suất cho đến sớm nhất là tháng 6 tới.
Dow Jones tăng vọt gần 100 điểm để lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 18,200 điểm. S&P 500 cũng ghi nhận kỷ lục mới trong khi Nasdaq chỉ còn gần 0.5% nữa là đóng cửa trên ngưỡng 5,000 lần đầu tiên kể từ giai đoạn đỉnh điểm của bong bóng dot-com.
Nguồn: CNN Money
|
Cũng trong ngày thứ Ba, chỉ số FTSE 100 của Anh cũng chạm đỉnh cao mới 6,949.63 điểm khi vượt kỷ lục cũ 6,930.2 điểm xác lập ngày 30/12/1999, giai đoạn đỉnh điểm của bong bóng dotcom. Trước đó trong ngày, chỉ số này cũng lập kỷ lục mới trong phiên tại 6,958.89 điểm, vượt qua kỷ lục trong phiên trước đó cũng xác lập vào ngày 30/12/1999 tại 6,950.6 điểm.
Xuất hiện tín hiệu cảnh báo
Dù bức tranh trên các thị trường là khá lạc quan nhưng vẫn còn đó nỗi lo sợ, đó là tình trạng giảm tốc kinh tế tại Trung Quốc và châu Âu cũng như xung đột tiếp diễn giữa Nga - Ukraina và các khu vực khác tại Trung Đông.
Ngoài ra, cũng có nhiều tín hiệu cảnh báo thị trường chứng khoán không thể tiếp tục kéo dài đà tăng hiện nay. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Robert Shiller, cho biết chỉ báo đo lường mức độ đắt rẻ của các cổ phiếu Mỹ – Shiller P/E – đã trở lại các mức cao chưa từng thấy kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính. Con số đó không quá tồi tệ như thời bong bóng dot-com nhưng chắc chắn là khá đắt đỏ.
Điều đó có nghĩa là sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn 1999-2000 hoặc thậm chí giai đoạn 2007-2008 là các doanh nghiệp đã có thêm nhiều tiền mặt trong tay. Apple là một ví dụ dễ thấy nhất. Tập đoàn này hiện đang có hơn 175 tỷ USD. Tiền chính là quỹ dự phòng giúp doanh nghiệp vượt qua bất kỳ giai đoạn khó khăn nào, hoặc nếu đã ổn định, thì có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Phước Phạm (Theo CNN Money, BBC)
|