Du lịch duyên hải Nam Trung Bộ cất cánh từ biển
Thủ tướng Chính Phủ vừa phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu tổng quát là quy hoạch và khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển - đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam.
Ninh Vân - Bãi biển hình trăng khuyết
|
Quy hoạch đã định hướng phát triển TP Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của vùng và tiểu vùng du lịch phía bắc; TP Nha Trang (Khánh Hòa) trở thành trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía Nam, đồng thời giữ vai trò trung tâm phụ trợ của vùng; TP Quy Nhơn (Bình Định) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phái Bắc và TP Phan Thiết (Bình Thuận) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Nam. Theo đó, ưu tiên phát triển 2 nhóm sản phẩm chính là du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch gắn với di sản văn hóa thế giới. Có thể nói ngay rằng "con đường" du lịch miền Trung bắt đầu từ biển. Sau chặng dài "uốn chảy" tự nhiên, quy luật phát triển đã không cho phép nó loanh quanh trước biển. Thời điểm này, "con đường" ấy cần được khai thông để hòa vào "đại lộ" du lịch quốc tế.
Biển, Đảo và con gà đẻ Trứng Vàng
Dưới góc nhìn địa kinh tế, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có vị trí thuận lợi - gần TP Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trong điểm miền Đông Nam bộ, là của ngõ của tât Nguyên. Nhưng, quy hoạch mãi chỉ là... quy hoạch hoặc đôi khi vì một lý do rất tế nhị nào đó, trong nay mai, nó sẽ bị điều chỉnh, nếu như ngay bây giờ các địa phương trong khu vực không chủ động "bắt tay nhau", cùng bàn tính chiến lược khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị định vị thương hiệu du lịch biển, đảo Việt Nam.
Màu mỡ và hoang hóa
Bàn về du lịch Việt Nam, nhiều chuyên gia quốc tế ví von rằng đó là mảnh đất màu mỡ và hoang hóa. Theo cách ấy, dựa trên thế đất để phân tích, du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ ẩn chứa nhiều lớp trầm tích phù sa. Vâng, ở tất cả các đô thị từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, bước tới là nhúng chân xuống biển, bước lui có thể dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Khu vực này có đầy đủ các hệ sinh thái - đồi, núi , rừng, vịnh, vũng, biển, đảo, cửa sông, bãi bồi... đan xen, tạo nên vô số thắng cảnh tuyệt mỹ cùng không biết cơ man nào bãi tắm nên thơ. Nói đến du lịch Nam Trung bộ là mọi người nghĩ ngay đến 2 di sản văn hóa thế giới - Mỹ Sơn, Hội An và vô số làng biển, lăng ông, tháp Chăm cùng những lễ hội dân gian đặc sắc.
Dựa vào lợi thế trời cho, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên ở miền Trung kết nối với TP Hồ Chí Minh, đón khách du lịch đến Nha Trang nghỉ dưỡng. Ngay lập tức, Nha Trang đã trở thành một điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sớm quyết định chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ cuối thập niên 1990 đến nay, TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận rồi lần lượt đến Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận đã tập trung đầu tư xây dưng cơ sở hạ tầng, mở rộng phát triển du lịch biển, đảo. Gần đây, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nghiên cứu phục dựng lại lễ khao lề lính Hoàng Sa để mời gọi khách du lịch tham quan đảo Lý Sơn với "bãi cát vàng" Hoàng Sa.
Vốn dĩ là vùng đất có nhiều khó khăn, cách trở, thiên tai triền miên, khi nhà nước có chính sách đổi mới, mặc dù tất cả các địa phương đều ưu tiên nguồn vốn chắt chiu, dành dụm được và khuyến khích kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch; nhưng do cách làm tự phát, mỗi nơi một kiểu, kinh doanh nhỏ lẻ...và chủ yếu là khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có tựa như khai hoang, đào mỏ...để thu gom quặng lộ thiên. Điều đó giải thích vì sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và gần đây một số tổ chức du lịch quốc tế đã cảnh báo phát triển nóng dẫn đến sự tụt hạng khi đánh giá, xếp loại một số bãi biển Nam Trung bộ.
TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch VN, kiêm Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận xét: "Nét tương đồng và đặc trưng cơ bản của vùng duyên hải miền trung là du lịch biển, đảo gắn với các di sản văn hóa đặc sắc và hệ sinh thái đa dạng. Ngành du lịch của nhiều địa phương như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận đã khẳng định vị trí then chốt của mình trong cơ cấu kinh tế địa phương. Các tỉnh khác cũng đã định hướng du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu KT-XH. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tự trong tăng trưởng cũng bộc lộ nhiều yếu kém, thể hiện trong chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch, quản lý tài nguyên và phát triển bền vững."
Làm ăn riêng lẻ và cạnh tranh không lành mạnh
Thời điểm này, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã thu hút được nhiều thương hiệu du lịch hàng đầu thế giới như Sherraton, Six Senses, Best Western, InterContinental, Dusit International, Novotel...Tuy nhiên, đại đa số khách du lịch hạng sang đến nước ta đều thông qua các hãng lữ hành nước ngoài, và do đó DN du lịch Việt Nam ít có điều kiện tiếp cận phân khúc thị trường cao cấp.
Kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho hay, hầu hết DN du lịch Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và phương pháp xây dựng thương hiệu. Không ít chủ DN khi được hỏi về thương hiệu vẫn nghĩ rằng đó là một cái tên hoặc logo được quảng cáo trên báo, đài. Rất nhiều chủ DN cho rằng cứ giới thiệu nhãn hiệu trước rồi sau đó tung ra nhiều sản phẩm, chắc chắn khách hàng sẽ tìm đến. Vậy nên, hầu như chưa có DN nào của nước ta sở hữu được thương hiệu du lịch mà nhắc đến là du khách toàn cầu đều biết.
Còn một thực trạng đáng lo hơn là không ít địa phương có biển, đã và đang thả nổi cho DN "tự biên, tự diễn". Do nóng vội, các DN bắt chước lẫn nhau, sản phẩm du lịch thiếu đầu tư, trùng lặp, sáo mòn, nhàm chán và hoàn toàn không thể hiện bản sắc văn hóa vùng, miền. Mặt khác, việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù, chủ lực của từng địa phương còn mờ nhạt và chưa có sự kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng để nâng tầm ảnh hưởng và tăng thêm uy tín thương hiệu. Ví như "Con đường di sản miền Trung" - sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; nhưng do thiếu "chủ thể" và không được các địa phương liên kết đầu tư nuôi dưỡng, nên đã bị lãng quên!
Ông Nguyễn Huyên - PTGĐ Saigontourist, doanh nghiệp lữ hành lớn nhất thường xuyên đưa khách đến miền Trung, đánh giá: "Các loại hình du lịch biển sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và chủ yếu dựa trên 2 yếu tố: du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá. Tuy nhiên, từ trước đến nay, ngành DL các địa phương thiếu chiến lược phát triển xuyên suốt, đồng bộ để đón đầu sự bùng nổ hoặc xoay chuyển tình thế khi thị trường lao dốc. Chúng ta chủ yếu khai thác "mỏ vàng" thiên nhiên ban tặng, chưa đầu tư ngược lại cho thiên nhiên hoặc đầu tư không đáng kể."
Trong thực tế, ngày càng nhiều DN du lịch thấm thía bài học liên kết phát triển, song giới kinh doanh cho rằng đó là "câu chuyện của cơ quan quản lý nhà nước" và rất ít người tự nguyện thay đổi cung cách làm ăn riêng lẻ. Bà Catherine Racsko - TGĐ Sheraton Nha Trang nhận xét: "Sau 4 năm làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy thị trường không ổn định một phần là do các chủ DN du lịch không cùng nhau phân tích tình hình, cùng chia sẻ khó khăn để tìm ra hướng đi thích hợp cho cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn. Thị trường du lịch luôn luôn mở cửa...toàn cầu, DN làm ăn nhỏ lẻ và cạnh tranh không lành mạnh là tự giết mình."
Liên kết định vị sản phẩm và thương hiệu
Ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thị trường của Tổng Cục Du lịch phân tích: "Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, du lịch Việt Nam đã có thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhưng thương hiệu đó dường như được hình thành một cách tự nhiên, theo đó du lịch Việt Nam được nhận dạng như là "một điểm đến mới, hấp dẫn ở châu Á", khơi dậy tính tò mò, khiến du khách quốc tế muốn tìm hiểu, khám phá hơn là "một điểm đến thú vị không thể bỏ qua". Thông thường, với những điểm đến mới lạ, khách chỉ ghé 1 lần cho biết, rồi sau đó sẽ tìm một điểm đến mới lạ khác. Do đó, muốn tăng doanh thu du lịch ổn định thì ngành du lịch các địa phương cần chủ động định vị sản phẩm và thương hiệu."
Du khách khám phá vịnh Vân Phong
|
Theo TS Hà Văn Siêu, quan điểm chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thấp kỷ tới là chuyển hướng từ chiều rộng, sang chiều sâu, đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, bền bững, có trọng điểm và thương hiệu cạnh tranh. Liên kết giữa các tỉnh đang trở nên cấp bách và là giải pháp then chốt. Quy hoạch phát triển của mỗi tỉnh và liên tỉnh trong vùng được xem là yếu tố nền tảng cho liên lết phát triển.
Công bằng mà nói, du lịch biển Nha Trang - Khánh Hòa đã bước đầu định vị được sản phẩm và thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Thành công của du lịch Khánh Hòa trước hết là nhờ sớm liên kết với du lịch TP Hồ Chí Minh và tiếp đến là khai thông tuyến đường du lịch từ TP biển Nha Trang lên "thành phố hoa" Đà Lạt.
Bà Thanh Trúc-PGĐ Sở VHTTDL Khánh Hòa, cho biết: "Bài học rút ra ở đây là muốn có kết nối, bản thân từng địa phương phải xác định cho được sản phẩm đặc thù của mình, có vai trò, vị trí như thế nào trong chuỗi liên kết; từ đó mới có thể định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững".
* * *
Dù thế nào, du lịch duyên hải Nam Trung bộ đã và đang hiện hữu những giá trị hình ảnh được toàn thế giới công nhận và ca ngợi như di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, bãi biển Đà Nẵng, vịnh biển Nha Trang, đồi cát di động Phan Thiết...Vấn đề là đến bao giờ ngành du lịch các địa phương có chiến lược đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch biển đặc thù gắn với quảng bá, định vị thương hiệu du lịch biển.
Trước khi kết thúc bài báo nhỏ này, nhân dịp đầu Xuân, xin kể chuyện "con gà đẻ trứng vàng". Rằng ngày xưa có một nông dân nghèo chỉ nuôi được 1 con gà. Nhờ có con gà đẻ trứng vàng, hàng ngày bán trứng, thu được khoản tiền lớn nên chẳng mấy chốc người nông dân này bỗng trở nên giàu có. Nhưng, gà chỉ đẻ được mỗi ngày 1 quả trứng. Rồi một hôm, anh nông dân quyết định phải lấy hết 1 lần tất cả trứng vàng trong bụng gà. Chẳng ngờ, sau khi bị mổ bụng, gà chết, anh nông dân không thấy quả trứng vàng nào. Làm du lịch cũng giống như nuôi gà, bình tĩnh chờ gà đẻ trứng, kiên nhẫn chờ ngày ấp nở, ắt sẽ có thêm 1 đàn gà rồi nhiều đàn gà...cùng đẻ trứng vàng.
Biển, đảo là "mỏ vàng" mà tạo hóa ban tặng người miền Trung, nếu ai nôn nóng, khai thác ngay một lúc toàn bộ giá trị bằng vàng, chắc chắn sẽ thất bại thảm hại.
Đến năm 2030, ngành du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng; góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt nam. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu khoảng 16.000 tỷ đồng; đồng thời tạo việc làm cho hơn 700.000 lao đọng, trong đó khoảng 230.000 lao động trực tiếp.
(nguồn:Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030)
|
Bảo Chân
lao động
|