Để thị trường chứng khoán Việt Nam là thước đo của nền kinh tế
Thị trường chứng khoán cũng là một chỉ số của nền kinh tế. Nếu nhà đầu tư tin tưởng vào nền kinh tế, họ sẽ mua cổ phiếu. Nếu một doanh nghiệp muốn phát triển, họ cần thêm tiền để tài trợ cho việc mở rộng thì có thể bán cổ phần ra công chúng.
Đối với việc đánh giá sức mạnh tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới, các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Các ngân hàng khu vực, chẳng hạn với Á châu là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và quan trọng nhất là các tổ chức xếp hạng tín dụng như Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings vẫn chủ yếu soi xét những yếu tố đặt lên hàng đầu, đó là thị trường chứng khoán ở những quốc gia đó.
Cụ thể, họ căn cứ vào các yếu tố ưu tiên trước nhất khi đánh giá nền kinh tế như sau: Tỷ giá hối đoái đồng nội tệ so với các giỏ ngoại tệ khác, chẳng hạn như tỷ giá VND/USD, kế đến là thị trường trái phiếu Chính phủ 10 năm và thị trường chứng khoán, rồi mới xét đến yếu tố khác như là tăng trưởng GDP, dân số, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự trữ ngoại hối, dư nợ cho vay khu vực tư nhân, nợ nước ngoài, chỉ số PMI, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nợ chính phủ so với GDP, giá trị ngân sách Chính phủ, chi tiêu của Chính phủ, cán cân thương mại, tài khoản vãng lai, tài khoản vãng lai so với GDP, thuế suất doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp... để đưa ra đánh giá tương đối chính xác về nền kinh tế nước đó.
Một ví dụ cụ thể, đối với việc đánh giá sức mạnh nền kinh tế Mỹ, người ta vẫn chủ yếu dựa vào chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, tính cho 30 doanh nghiệp tiêu biểu nổi tiếng nước Mỹ. Chỉ số Dow Jones này đạt mức cao nhất mọi thời đại 18,053.71 điểm trong tháng 12/2014 khi Bộ Thương mại Mỹ công bố ước tính cuối cùng về GDP quý 3/2014 cho thấy từ tháng 7 đến tháng 9, kinh tế nước này tăng trưởng với tỷ lệ 5% tính theo năm; và đạt mức thấp kỷ lục 41.20 điểm trong tháng 7/1932. So với thời điểm trước khủng hoảng năm 1929, sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 46%, thương mại quốc tế giảm 70%, giá bán sỉ giảm 32%, trong khi lạm phát tăng 607%, và hơn 25% người lao động ở Mỹ mất việc làm. Đó là về thị trường chứng khoán nhìn từ kinh nghiệm của nước Mỹ.
Trở về bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam thì sao? Câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế vẫn đặt ra là chuyện cũ cần phải nhắc lại, đó là "tính minh bạch" và thiếu thông tin cho nhà đầu tư cá nhân và công chúng muốn gửi gắm tài sản của họ vào thị trường chứng khoán thay vì họ giữ vàng, USD, hay đem tiền ký thác ngân hàng lấy lãi - đó không phải là cách huy động vốn đẩy tiền vào nền kinh tế hữu hiệu khi vì lý do nào đó nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao hoặc giảm phát, và nợ xấu ngân hàng, hay dẫn đến việc ách tắc thanh khoản cho doanh nghiệp cần huy động vốn.
Một mấu chốt quan trọng là việc thống kê để đo sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam hầu như rất khó đoán được, vì thị trường cổ phiếu và trái phiếu chưa đủ sâu rộng. Nếu nhìn thống kê nền kinh tế Việt Nam năm 2014 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5.9%, thì các lý thuyết kinh tế đã vạch ra là giá tài sản tổng hợp các doanh nghiệp cả nước, lãi và tốc độ phát triển về dài hạn phải đi đôi với nhau. Không thể có tỷ lệ lãi hay lợi nhuận thực trong dài hạn mà các doanh nghiệp Việt Nam vừa công bố trong năm 2014, sau khi khử lạm phát (gọi chung là lãi suất), lại có tỷ lệ lợi nhuận quá thấp so với khả năng tăng trưởng GDP. Con số tỷ lệ lợi nhuận quá thấp so với khả năng tăng trưởng GDP là khá lý tưởng cho thị trường cổ phiếu tăng trưởng mạnh, nếu con số này vượt quá khả năng tăng GDP thì nó là bong bóng tài sản đáng báo động.
Nếu xét tăng trưởng GDP năm 2015 phấn đấu đạt cao hơn năm 2014 (dự kiến đạt 6.2%) mà đem đối chiếu với lãi suất cơ bản dài hạn của Việt Nam hiện nay thì không suôn sẻ. Lãi suất có thể là phép thử để xem xét tình hình kinh tế. Giá trị của cố phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng “quá đà” hay không còn tùy thuộc vào lợi nhuận thực sự chúng có thể tạo ra. Điều này là không thể tính toán được, cho dù chuyên gia phân tích tài chính và chứng khoán giỏi nhất của Goldman Sachs cũng bó tay, vì tại Việt Nam, thị trường trái phiếu và cổ phiếu chưa đủ sâu rộng để khai thác đúng tiềm năng gọi vốn tinh vi. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp, các công ty lớn của Việt Nam vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán với nhiều lý do, hoặc họ chưa quen với loại hình đầu tư cổ phiếu và trái phiếu này...
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, muốn theo kịp đà tăng trưởng kinh tế song hành, các công ty sẽ cần phải bán cổ phiếu (IPO) và trở thành công ty đại chúng. Bằng cách này, công ty sẽ được rất nhiều tiền mặt một cách nhanh chóng, và nó báo hiệu rằng công ty đủ khả năng để thực hiện quá trình IPO. Hạn chế duy nhất là những người sáng lập các công ty ấy không còn sở hữu công ty bởi vì họ đã bán nó cho các cổ đông. Nhưng đó không phải là nỗi lo, vì họ có thể giữ lại quyền kiểm soát trong công ty nếu họ sở hữu trên 51% cổ phần.
Nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư ngoại, sở hữu cổ phiếu “blue chip” như Vinamilk (HOSE: VNM) đã góp phần đưa công ty này lên tầm vóc quốc tế. Điều này sẽ giúp nền kinh tế phát triển, vì nó cung cấp vốn đối với các công ty có nhu cầu phát triển. Niêm yết trên thị trường chứng khoán có nghĩa là thông tin về tình hình kinh doanh, khả năng tài chính của công ty dễ dàng tiếp cận được, và điều này làm tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả là thị trường chứng khoán trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư bỏ tiền nhiều hơn, làm cho công ty dễ dàng mở rộng kinh doanh hơn để gia tăng lợi nhuận nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thị trường chứng khoán cũng là một chỉ số của nền kinh tế. Nếu nhà đầu tư tin tưởng vào nền kinh tế, họ sẽ mua cổ phiếu. Nếu một doanh nghiệp muốn phát triển, họ cần thêm tiền để tài trợ cho việc mở rộng. Thay vì các công ty có thể vay một số tiền từ ngân hàng và họ phải trả lãi suất, nếu lạm phát thì lãi trả lại rất cao, có thể làm chậm sự tăng trưởng công ty. Nếu công ty muốn mở rộng ra ngoài thị trường nội địa của mình thì cũng cần thêm vốn. Cách mà nhiều công ty lựa chọn để tăng vốn là chào bán cổ phần ra công chúng, thường là nhiều vốn hơn so với các công ty có thể vay ngân hàng, nhưng khi ngân hàng rơi vào nợ xấu thì công ty rất khó tiếp cận vốn vì điều kiện thế chấp ngặt nghèo, làm chậm sự phát triển của công ty và đẩy nền kinh tế trì trệ.
Để có thể đạt được những mục tiêu này, thì các lĩnh vực dịch vụ môi giới chứng khoán của Việt Nam phải chuyên nghiệp hơn nữa, phải biết tư vấn cho thân chủ bỏ tiền ra mà có lợi cho thân chủ, tránh hiện tượng "bán khống" (short selling) gây lũng đoạn thị trường và đánh mất niềm tin của nhà đầu tư, vốn sớm muộn gì cũng khiến lĩnh vực môi giới chứng tàn lụi và kéo theo hệ lụy bể bóng đầu tư khi tin tức kinh tế đi một nơi, thị trường chứng khoán đi một nẻo. Quan trọng nhất hiện nay tại Việt Nam vẫn thiếu đơn vị thực hiện dịch vụ ngân hàng đầu tư để tư vấn IPO cho doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhiều công ty chứng khoán vẫn chưa thể hiện hết vai trò đúng nghĩa của một ngân hàng đầu tư.
Phạm Quốc Hoàng - William D. Dudley
|